10 lỗi trong xây dựng thương hiệu

Đôi lúc, doanh nghiệp dốc hết thời gian, công sức, tiền bạc để tạo nên một thương hiệu định vị được trong tâm trí khách hàng. Họ xây dựng một bản sắc văn hóa thương hiệu độc đáo với những giá trị cốt lõi lâu dài, và hy vọng nó giúp họ có thể thực hiện được lời hứa thương hiệu. Một chiến dịch thương hiệu rầm rộ được đưa ra gồm nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu và cuối cùng, mọi thứ xem ra đã phát huy tác dụng. Lợi nhuận bắt đầu tăng. Phải chăng đã đến lúc ăn mừng và nghỉ xả hơi sau nhiều ngày cực khổ? Chắc chắn là không, vì xây dựng thương hiệu là một nỗ lực toàn diện, lâu dài và không bao giờ ngơi nghỉ.
Ngay cả thương hiệu nổi danh nhất thế giới cũng có ngày thất bại, dù vô tình hay cố ý. Và dưới đây là 10 lỗi thường gặp nhất có thể giết chết thương hiệu. Hãy ghi nhớ tất cả để kịp thời chấn chỉnh nếu bạn phát hiện mình đang vướng phải một trong những sai lầm này.

1. Hệ thống nhận diện thiếu nhất quán
Một công ty chỉ được dùng cùng một tên, logo, và slogan trong mọi hoàn cảnh tương tác cả nội bộ lẫn đối ngoại. Cái tên xuất hiện ở bảng hiệu phải giống với tên được in trên danh thiếp và website. Cách trả lời điện thoại cũng quan trọng không kém và phải luôn nhất quán. Xây dựng thương hiệu sẽ không hiệu quả nếu bạn chỉ dùng 1 hoặc 2 kênh để tiếp thị và quảng bá tên tuổi (như chỉ biết quảng cáo radio, hoặc báo). Khách hàng phải được nghe và nhìn thấy tên tuổi, logo, slogan và màu sắc của bạn thường xuyên trong nhiều cách khác nhau, có như vậy, bạn mới tạo được dấu ấn trong tâm trí họ.
2. Hình ảnh nghèo nàn
Hình ảnh đóng vai trò rất quan trọng trong việc ghi dấu ấn vào tâm trí khách hàng. Con người thường có tư duy hình ảnh, do đó, việc sáng tạo một hình ảnh đặc trưng, nhất quán và logo làm biểu tượng cho công ty là một trong những trọng trách hàng đầu. Chẳng hạn, khi bạn nhìn thấy những vòng cung màu vàng, bạn biết ngay đấy chính chính là McDonald’s, nơi bán bánh mì kẹp và khoai tây rán rất ngon. Tóm lại, đừng bao giờ bỏ qua bước sáng tạo hình ảnh (logo) và truyền thông hình ảnh ấy nhé.

3. Không đào tạo nhân viên
Nhân viên chính là những bản quảng cáo “sống” cho thương hiệu. Hãy truyền bá cho họ tinh thần thương hiệu, để họ trở thành “đại sứ” trong chiến dịch marketing của bạn và đừng quên khen thưởng khi họ đạt thành tích tốt.

4. Không kiểm soát các hoạt động thương hiệu
Bất cứ khi nào người khác gọi đến công ty (hoặc chi nhánh, cửa hàng nhượng quyền của bạn, v.v.), nhân viên nhấc máy nên khéo léo hỏi xem nhờ đâu họ biết đến công ty (xem quảng cáo TV, nghe radio, dự hội thảo hoặc bạn bè giới thiệu). Những thông tin này cần được lưu trữ lại và có thể giúp bạn hoạch định chiến lược tiếp thị cho tương lai.
5. Không tận dụng khách hàng thân thuộc
WOM (word of mouth – thông tin truyền tai) chính là một trong những công cụ marketing hữu hiệu. Hãy liên lạc với khách hàng thân thiết và mời họ tham gia quảng bá; bạn có thể tham khảo ý kiến của họ về các mẫu quảng cáo mới, và họ có thể cho bạn biết thế mạnh của công ty là gì. Bạn cũng có thể xin phép trích dẫn ý kiến của họ trong quảng cáo hoặc brochure.
6. Sử dụng vật phẩm tiếp thị lỗi thời
Đây là lỗi nhiều công ty mắc phải, nhưng thường gặp nhất vẫn là các công ty nhỏ. Sau khi thiết kế brochure, họ thường cho in số lượng rất lớn, ước chừng phải mất gần chục năm mới dùng hết, và quyết định chỉ thiết kế mới khi nào đã dùng hết cả kho brochure đã in. Tốt nhất, bạn chỉ nên in vật phẩm tiếp thị số lượng vừa phải, và chỉ in lại khi cần. Đừng cố dùng một mẫu quảng cáo báo hoặc radio suốt 3 năm. Khách hàng sẽ chán ngán và lờ tịt nếu bạn cứ dùng mãi một thông điệp cũ rích.
7. Không xây dựng thương hiệu cho dịch vụ chính
Nếu bạn muốn xây dựng thương hiệu thành công, nên chọn một dịch vụ chính và tập trung tiếp thị cho nó. Đó là lý do tại sao Blockbuster trở thành thương hiệu số 1 trong lĩnh vực cho thuê phim, vì họ quyết định đấy mới là dịch vụ chủ chốt của mình. Blockbuster cũng cho thuê video game, bán kẹo và nhiều mặt hàng lưu niệm của các bộ phim ăn khách (bạn có thể mua phim Scooby-Doo và được tặng kèm một chú chó Scooby-Doo nhồi bông). Nhưng họ chỉ tập trung tiếp thị cho mảng thuê phim thay vì dàn trải sang quá nhiều dịch vụ khác.
8. Slogan thiếu sức thuyết phục
Nếu bạn vào cửa hàng J.C. Penny’s 3 lần mà vẫn không tìm được thứ mình cần, bạn sẽ không bao giờ tin vào slogan “It’s all inside” của họ. Một câu slogan không khớp với nhận định thực tế của khách hàng sẽ không bao giờ thuyết phục được họ tìm đến bạn và khi “tiếng xấu đồn xa”, mọi nỗ lực tiếp thị của bạn thế là đi tong.
9. Slogan không hấp dẫn
Một câu slogan hay thường dùng 3-6 từ đáng tin cậy phù hợp với dịch vụ chính của bạn và phải hấp dẫn. Khi Avis tung ra khẩu hiệu “We try harder”, họ thành thật thông báo với tất cả mọi người rằng Avis không phải là số 1 trên thị trường nhưng chắc chắn, chúng tôi luôn cố hết sức để qua mặt thương hiệu dẫn đầu. Avis khiến khách hàng cười xòa, thông cảm vì bản thân chúng ta ai cũng có ít nhất một lần muốn vượt mặt người khác, và công chúng luôn yêu thích những kẻ biết “vượt lên số phận”. Khi Wal-Mart nói “Always lower prices. ALWAYS”, chúng ta hiểu rằng mình sẽ luôn mua được hàng giá rẻ hơn tại đây, không chỉ khi có khuyến mãi, mà là luôn luôn. Và Wal-Mart đã giữ lời. Tương tự, Nike bảo “Just Do It” để khuyến khích chúng ta vận động tay chân (đừng quên mang giày tập Nike)– ai cũng biết tập thể dục tốt cho sức khỏe – như Nike đã tử tế nhắc nhở.

10. Không biết xây dựng thương hiệu bắt đầu từ đâu
Câu trả lời là từ chính trong nội bộ công ty. Chỉ có bạn mới biết dịch vụ chủ chốt của mình là gì. Chỉ có bạn và nhân viên mới giữ được chữ tín với khách hàng. Đừng quên trò chuyện với khách hàng thường xuyên. Chỉ có bạn mới biết nhân viên nào là “đại sứ” tốt cho thương hiệu và khen thưởng họ. Chỉ có bạn mới đảm bảo được tính nhất quán trong cách sử dụng tên, logo và slogan. Chiến dịch xây dựng thương hiệu thành công bắt đầu từ chính bên trong công ty – đấy là nơi mọi thứ được nuôi dưỡng và bạn là người có công tạo dựng – với tất cả những công cụ và kiến thức thu thập được từ trang web này, bạn có thể đưa thương hiệu của mình đến với mọi người.

Theo marketing.24h.com.vn