Khi đối thủ cạnh tranh là nhân viên cũ

Nắm bắt quy trình công nghệ, chiến lược phát triển, có mối quan hệ thân thiết với khách hàng,…một nhân viên ra đi hoàn toàn có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng lưu ý trong tương lai. Giải pháp nào cho nhà lãnh đạo?

Nếu chúng ta bơi trong lòng một đại dương đỏ thì càng ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh và không loại trừ những đối thủ lại chính là nhân viên cũ của công ty. Một nhân viên kinh doanh, một kế toán viên ra đi mang theo mối quan hệ thân thiết khách hàng và những kinh nghiệm trong môi trường cũ, họ dễ dàng trở thành một doanh nghiệp cùng ngành trong cơ chế “thoáng” như hiện nay. Những đối thủ mới này có ưu thế là linh hoạt và chỉ kinh doanh trong một chuyên ngành nhỏ so với công ty cũ nên rất dễ đi chuyên sâu và là một trở ngại đáng kể. Vậy làm sao để hạn chế hiện tượng này?
– Chấp nhận điều này như một sự thật hiển nhiên, vì phần lớn chúng ta cũng đi ra từ con đường này. Vào một công ty nào đó, tích lũy kinh nghiệm và mối quan hệ để rồi “trưởng thành”. Cho nên luôn đào tạo những lớp nhân viên kế tiếp để sẵn sàng thay thế.
– Đây là một điều rất là hay vì khi có một đối thủ mới là cơ hội để chúng ta nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, xem xét và cải tiến những yếu tố còn yếu hơn đối thủ.
– Tạo nên những công việc chỉ có tập thể mới làm được, từng cá nhân riêng rẽ không thể hoàn thành. Bộ phận tiếp xúc khách hàng, bộ phận kỹ thuật,…thì nhân viên rất khó có cái nhìn tổng quan.
– Xây dựng những chiến lược phòng thủ, như: bảo mật thông và xây dựng cơ sở dữ liệu, khi nhân viên ra đi thì thông tin khách hàng được được lưu giữ. Thêm vào đó là luân chuyển nhân viên các khu vực để khi nhân viên ra đi thì vẫn có người thay thế nhanh chóng. Hơn nữa quản lý cấp cao cũng cần theo sát khách hàng.
– Xây dựng văn hóa doanh nghiệp và chiến lược nhân sự phù hợp để giữ chân nhân viên giỏi.
– Luôn tìm ra những hướng kinh doanh mới để loại bỏ đối thủ cạnh tranh nói chung.
Dù doanh nghiệp bạn chọn những hướng giải quyết như thế nào thì phần nhiều phụ thuộc vào tư tưởng của cấp lãnh đạo, thắt chặt hay rộng mở. Nếu vì vấn đề này mà thiếu lòng tin vào nhân viên thì sẽ rất khó khăn trong việc phân quyền và nhà lãnh đạo phải tập trung vào quản lý, còn nhân viên sẽ rất mệt mỏi. Thiết nghĩ, đã dùng là phải tin và cho đi là nhận lại. Những nhân viên cũ ra đi lại là tiền đề cho một sự phát triển mới. Đối với những công ty chú trọng đến lợi ích nhân viên, tạo ra một sức mạnh nội bộ, thì đối thủ cạnh tranh khó lòng bắt kịp.

Theo doanhnhan360.com