Đến thời phải giảm giá “kép”

Sức mua kém, ngày thường, không khó thấy các băng rôn: xả hàng thu hồi vốn, thanh lý hàng đóng cửa… với mục đích thu hút khách hàng, thì ngày lễ dĩ nhiên phải khuyến mãi, giảm giá ở mức mạnh hơn, doanh nghiệp mới hy vọng bán được hàng.

Chủ một cửa hàng thiết bị nghe nhìn tâm sự rằng: “Muốn thu hút khách trong bối cảnh sức mua kém hiện nay, phải đánh vào túi tiền của khách, tạo cho khách cảm giác giá rẻ. Cớ gì để giá rẻ? Dỏm nên rẻ? Cớ của tôi là thanh lý để đóng cửa. Và tôi rao bán hàng thanh lý… đã ba năm”.
Cái cần rầm rộ và chuyện cần lặng lẽ
Câu chuyện kể trên nằm trong bài bản marketing, tìm ra một cái cớ hay ho hấp dẫn khách là không dễ dàng. Vì vậy, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 hàng năm đều được xem là “cái cớ tốt”, là “cơ hội vàng” để các nhà kinh doanh thực hiện các chương trình giảm giá, khuyến mãi nhằm thu hút khách mua sắm mà không cần giải thích gì thêm. Ngay từ giữa tháng 4, đã có hàng chục chương trình bán hàng ưu đãi giá được các siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại đưa ra với mức đầu tư từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng. Đáng chú ý, là mức khuyến mãi đều đã vượt “khung 49%” của quy định Nhà nước.
Không chỉ các nhà kinh doanh lớn, cái cớ “dịp 30/4 và 1/5” được khai thác triệt để ở hầu hết các lĩnh vực, cửa hàng, doanh nghiệp lớn, nhỏ: xe hơi, mỹ thẩm, dịch vụ thẩm mỹ, thời trang, điện máy, nội thất…
Chuyện “lạc quẻ” xảy ra! Trái ngược với chuyện rầm rộ khuyến mãi, ở các chợ, cửa hàng tạp hoá, một số mặt hàng lặng lẽ tăng giá. Cụ thể trong tuần qua, ở chợ nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến, hoá mỹ phẩm, may mặc… đã tăng giá. Mì gói, dầu ăn, bột ngọt, tương ớt, tương cà… đã tăng giá khoảng 2 – 5%.
Các mặt hàng hoá mỹ phẩm như: dầu gội, dầu xả, sữa tắm, kem dưỡng toàn thân đã nhích giá thêm khoảng 1.000 – 2.000 đồng/chai. Các loại chăn, drap, gối, đồ bộ mặc nhà, quần áo trẻ em… cũng được nhà sản xuất tăng giá thêm khoảng từ 3 – 5%. Không thấy doanh nghiệp nào chủ động hô hào “tôi tăng giá”, điều từng xảy ra ở thời điểm thị trường tăng nóng, càng tăng giá càng dễ bán hàng. Ví dụ dễ hiểu là thị trường nhà đất trước đây.
Cái cớ tăng giá chỉ được trưng ra khi các nhà phân phối lớn yêu cầu. Ghi nhận tại các hệ thống siêu thị Co.opmart, Maximark, Citimart, BigC… một số nhà sản xuất đã gửi thông báo tăng giá từ 2% đến gần 10% tuỳ theo nhóm ngành hàng. Lý do tăng giá khá đa dạng: do chi phí nguyên vật liệu tăng, tiền lương tăng, xăng dầu tăng… Theo định kỳ, vào đầu quý 2 cũng là thời điểm điều chỉnh giá hàng năm của nhiều đơn vị.
Ứng xử của nhà kinh doanh trong giai đoạn hiện nay, dù là “rầm rộ”, hay “lặng lẽ” cũng nhất quán phản ánh một thị trường sức mua yếu.

Giá phải hấp dẫn
Trước tình hình sức mua đang chậm, phải tổ chức khuyến mãi để kích cầu, các siêu thị vẫn chưa đồng ý cho nhà cung cấp tăng giá khi đưa hàng vào bán trong siêu thị của mình. “Chợ tăng giá thì mặc chợ”. Có siêu thị đồng ý cho doanh nghiệp tăng giá từ 3 – 5%, nhưng lại buộc nhà cung cấp khuyến mãi nhiều hơn mức tăng để kéo giá xuống bán trong dịp nghỉ lễ 30.4. Thông điệp giảm giá dịp 30.4 đang được nhiều nhà kinh doanh lớn thực hiện nhất quán.
Giảm giá đến 49% của Co.opmart chỉ là mức giảm giá công bố, nếu cộng đầy đủ thì vượt trên 50%, bởi khách hàng còn được tặng thêm chiết khấu ưu đãi 2 – 3%/tổng số tiền mua sắm, khách có thẻ thành viên được mua hàng với giá ưu đãi cao hơn, hàng giảm giá còn có quà tặng kèm… Tương tự, ở Citimart, ngoài mức giảm giá đến 49%, khách hàng đăng ký làm thành viên còn được chiết khấu thêm 3 – 5% hoặc 6 – 10% tuỳ ngày mua hàng. Ở Big C, ngoài mức giảm giá 45%, khách hàng còn có thể tích luỹ 10% vào tài khoản thẻ mua hàng.
Ở các trung tâm thương mại, như Vincom, từ 20 – 30.4, ngoài mức giá giảm tại từng quầy hàng với mức 10 – 50%, khách hàng mua sắm, ăn uống, sử dụng dịch vụ với mỗi hoá đơn từ 1 triệu đồng trở lên trong ngày sẽ được bốc thăm “100% trúng thưởng” với phần thưởng là các phiếu mua hàng lên đến 2 triệu đồng/phiếu. Khách có thể cộng gộp nhiều phiếu quà tặng mua hàng để thanh toán cho các lần mua sắm tiếp theo. Ở trung tâm thương mại Zen Plaza, khi khách mua hàng đã được giảm giá đến 50%, thì với hoá đơn 1 triệu đồng khách còn được nhận quà tặng riêng của trung tâm như tách uống trà, phiếu mua hàng…
Vì sao phải rẻ
Ghi nhận ở hệ thống Co.opmart, trong đợt nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương cuối tuần qua, sức mua đã tăng 300% so với bình thường. Ông Võ Hoàng Anh, giám đốc tiếp thị của Saigon Co.op cho biết: “Trong tình hình hiện nay, giảm giá trực tiếp trên sản phẩm là cách tốt nhất để kéo khách đến mua hàng”. Chính vì mức giảm giá 10 – 20% như trước đây không còn hấp hấp dẫn, nên hầu như tất cả các siêu thị đều phải áp dụng mức 49% , và cộng thêm các hình thức ưu đãi khác, mới thuyết phục được khách mua hàng.
Ông Nguyễn Hữu Phụng, tổng giám đốc công ty Thời trang Việt (hiệu Ninomaxx) cho rằng: “Với hàng thời trang, khuyến mãi 50% chẳng còn “xi nhê”, nên nhà sản xuất phải chọn con đường hạ giá thành phẩm ngay khi bán ra, sau đó cộng thêm khuyến mãi thì mới cạnh tranh được”.
Bà Đặng Quỳnh Đoan, tổng giám đốc công ty Thời trang Việt Thy nêu thực tế: “Hàng thời trang giá trên 150.000 đồng, khi bán đồng giá còn vài chục ngàn, khách thấy rõ mức giá họ có thể mua một cách cụ thể hơn là treo bảng khuyến mãi theo phần trăm…”
Theo dõi từ thực tế khách mua hàng, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chủ hệ thống siêu thị Citimart, nêu: “Người tiêu dùng hiện nay đang mua sắm tiết kiệm hơn trước rất nhiều, nếu hôm nay thông báo chương trình khuyến mãi hàng rẻ hơn hôm qua chưa chắc họ đã mua, mà phải thông tin cụ thể hàng rẻ hơn nơi khác thì họ sẽ thích hơn.” Cũng theo bà Hoa, cái khó mà nhà kinh doanh đang phải đương đầu hiện nay là phải làm sao cho hàng mình bán phải rẻ hơn người khác. Thậm chí phải giảm lãi, chịu lỗ trên một số nhóm mặt hàng để lôi kéo được khách đến.

Theo marketingchienluoc.com