Mô hình bán sỉ hiện đại ở Việt Nam từ trước đến nay chỉ có mỗi Metro, nhưng sắp tới đây, doanh nghiệp này đã không còn “một mình một chợ” bởi sự xuất hiện của Co.opXtra – đơn vị liên doanh của hai hợp tác xã hàng đầu Việt Nam và Singapore là Saigon Co.op và NTUC FairPrice.
Saigon Co.op vào cuộc
Ngày 4/5, Công ty TNHH hai thành viên Saigon Co.op – NTUC FairPrice đã nhận giấy phép đầu tư và công bố sự ra đời của thương hiệu đại siêu thị Co.opXtra và đại Co.opXtra plus kết hợp bán lẻ và bán sỉ. Công ty có vốn đầu tư ban đầu là 6 triệu USD (và sẽ tăng lên trong quá trình khai thác dự án), trong đó, Saigon Co.op 64%, NTUC FairPrice 36%.
Trong khi Co.opXtra phục vụ khách hàng lẻ thì Co.opXtra Plus sẽ đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng, từ cá nhân, hộ gia đình đến tổ chức là các công ty, xí nghiệp, trường học, nhà hàng, khách sạn…
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cho biết, đại siêu thị Co.opXtra Plus đầu tiên của liên doanh có vốn đầu tư 9 triệu USD sẽ khai trương vào giữa tháng 5 này tại quận Thủ Đức, TP.HCM.
Đại siêu thị có diện tích khu tự chọn 8.000m2, trong tòa nhà có diện tích 12.500m2 trên khu đất 25.000m2; kinh doanh 50.000 mặt hàng với những mặt hàng chưa có ở các siêu thị Co.opmart như: kim khí, điện máy, linh kiện máy tính, dụng cụ thể thao, xe đạp, dụng cụ làm vườn…
Nhưng không chỉ kinh doanh sỉ tại Việt Nam, liên doanh này đang nhắm đến việc xuất hàng sang Singapore thông qua hệ thống 270 siêu thị, cửa hàng tiện lợi của NTUC FairPrice tại Singapore. Ông Tan Kian Chew, Chủ tịch điều hành NTUC Fair Price, cho biết hợp tác với Saigon Co.op, NTUC FairPrice không chỉ tính đến việc khai thác thị trường gần 90 triệu dân Việt Nam mà còn tìm kiếm nguồn hàng để đưa sang Singapore.
Hiện nay, hàng hóa kinh doanh tại hệ thống 110 siêu thị (gồm FairPrice, FairPrice Finest, FairPrice Xtra) và 160 cửa hàng tiện lợi FairPrice Xpress và Cheers đều nhập từ rất nhiều nguồn trên thế giới.
Vì vậy, NTUC FairPrice đang tính đến việc đưa các sản phẩm nông nghiệp như trái cây, hải sản, thực phẩm… của Việt Nam vào hệ thống phân phối của tập đoàn. Trong năm nay, sẽ xuất thử nghiệm vài container nông sản sấy khô như mít sấy, chuối sấy…
Lẻ đấu sỉ
Theo giới kinh doanh, thế mạnh của Co.opmart là bán lẻ, với sự ra đời của Co.opXtra Plus, Saigon Co.op quyết cạnh tranh trong cả trong lĩnh vực bán sỉ lẫn bán lẻ. Nếu như bán sỉ vốn là “lãnh địa” của Metro từ hơn chục năm nay thì nay có thêm Co.opXtra Plus. Còn trong lĩnh vực bán lẻ, Saigon Co.op ngoài chuỗi 61 siêu thị Co.opmart, nay gia tăng thêm Co.opXtra sẽ cạnh tranh quyết liệt với Big C.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho rằng thời điểm này là lúc thích hợp để mô hình đại siêu thị và đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn ra đời. Tại nhiều quốc gia trong khu vực, mô hình đại siêu thị đang chiếm tỷ trọng lớn trong thị trường bán lẻ.
Chẳng hạn như tại Malaysia, số đại siêu thị, siêu thị chiếm 67% thị phần của các loại hình bán lẻ; còn tại Thái Lan, thị phần của mô hình đại siêu thị cũng gần gấp đôi siêu thị. Trong khi đó, những mô hình đã và đang được phát triển tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.
Người tiêu dùng Việt Nam cần được chăm sóc nhiều hơn bởi các mô hình hiện đại mới, mà ở đó khách hàng không chỉ được thỏa mãn mọi nhu cầu với giá cả hợp lý mà còn được trải nghiệm không gian mua sắm thú vị.
Vì vậy, “Ngoài việc tiếp tục phát triển chuổi siêu thị Co.opmart, Co.opFood… thì việc phát triển mô hình mới (đại siêu thị, đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn) là bước đi cần thiết để Saigon Co.op xác lập vị thế, gia tăng thị phần trên thị trường”, bà Hạnh chia sẻ.
Trên thực tế, tại Việt Nam, lĩnh vực bán sỉ chỉ mới có mỗi thương hiệu đến từ Đức là Metro Cash & Carry. Lúc mới xâm nhập Việt Nam (năm 2001), nhà đầu tư này dự định mở 8 trung tâm phân phối tại Việt Nam. Thế nhưng, đến cuối năm 2012, con số này đã vọt lên 19 trung tâm với tốc độ trung bình mỗi năm mở thêm 3 – 6 địa điểm. Con số này đứng thứ 2 tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc.
Mặc dù từ khi có mặt tại Việt Nam, Metro Cash & Carry Việt Nam đều báo lỗ (chỉ duy nhất năm 2010 có lãi) nhưng doanh số của doanh nghiệp này vẫn luôn tăng trưởng. Năm 2011, doanh số của Metro Cash & Carry Việt Nam đạt 466 triệu euro (12,5 ngàn tỷ đồng) tăng 50 triệu euro (1.350 tỷ đồng) so với năm 2010.
Mức doanh số này chiếm 17% doanh số của Metro Cash & Carry tại châu Á và châu Phi, đứng thứ hai trong khu vực, chỉ xếp sau Trung Quốc và vượt xa doanh số tại Ấn Độ, Nhật Bản. Dù đã có đến 19 trung tâm nhưng nhà đầu tư này vẫn tham vọng sẽ tăng lên 30 – 35 trung tâm trong vòng 3 – 5 năm tới.
Trong khi Metro Cash & Carry Việt Nam vẫn đang tiếp tục mở rộng hệ thống của mình thì thương hiệu kinh doanh bán lẻ kết hợp bán sỉ mới Co.opXtra Plus cũng đặt chỉ tiêu mỗi năm mở 1-2 điểm bán mới tại các thành phố lớn. Đến năm 2015, Saigon Co.op – NTUC FairPrice sẽ có 5 đại siêu thị Co.opXtra và Co.opXtra Plus và đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên 15. Ra sau nên nhà đầu tư này chọn chiến lược đa dạng hóa nguồn hàng.
Trong khi Metro có mặt hơn 11 năm nay chỉ kinh doanh khoảng 25.000 mặt hàng thì Co.opXtra Plus công bố sẽ có khoảng 50.000 mặt hàng được bán tại đây. Với số lượng mua hàng lớn, Saigon Co.op sẽ có được giá tốt và như vậy họ sẽ mạnh dạn đầu tư cho nông dân để có sản phẩm chất lượng cao.
Theo marketingchienluoc.com