Olympic là cơ hội vàng để hái ra tiền nên dù tốn 100 triệu USD để có được hợp đồng tài trợ, doanh nghiệp vẫn chấp nhận.
Báo cáo của Brand Finance đánh giá Olympic là thương hiệu đắt giá thứ hai trên thế giới, chỉ sau Apple. Ước tính nó còn đắt giá hơn tất cả các nhà tài trợ lớn của sự kiện này như Samsung, GE và Coca-Cola gộp lại. Theo đó, thương hiệu Olympics 2012 trị giá 47,6 tỷ USD, tăng 87% so với Olympic Bắc Kinh 2008.
Để có được một mùa thế vận hội thành công, nhà tổ chức không thể không cần đến nguồn tài trợ của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, Olympic là sự kiện 4 năm mới diễn ra một lần, các doanh nghiệp lớn trên thế giới cũng không ngần ngại tận dụng cơ hội này, sẵn sàng bỏ ra cả trăm triệu USD tài trợ để rồi thu về những món lợi khổng lồ.
Olympic London 2012 có 11 nhà tài trợ hàng đầu. Mỗi công ty phải bỏ ra khoảng 100 triệu USD để có được hợp đồng tài trợ cho sự kiện này. Ngoài ra, Olympic còn có 44 nhà tài trợ khác.
McDonalds (MCD)
McDonald là nhà tài trợ của Olympics kể từ năm 1976 và hợp động tài trợ của họ sẽ được kéo dài đến năm 2020. Ngay cả trước khi chính thức trở thành nhà tài trợ của thế vận hội, McDonald đã hỗ trợ các vận động viên bằng cách chở thực phẩm đến cho họ tại Olympics 1968 ở thành phố Grenoble, Pháp.
Năm nay, McDonald cho xây dựng các nhà hàng tạm thời tại khu vực thế vận hội với đội ngũ nhân viên đến 2000 người để phục vụ các vận động viên, huấn luyện viên và khán giả trong 19 ngày.
Visa
Visa đã tham gia tài trợ cho Olympics từ năm 1986 với tư cách là nhà cung cấp các dịch vụ thanh toán chính thức trong mùa thế vận hội.
Visa đã tham gia tài trợ cho Olympics từ năm 1986 với tư cách là nhà cung cấp các dịch vụ thanh toán chính thức trong mùa thế vận hội. Hợp đồng tài trợ của họ sẽ kéo dài đến năm 2020.
Do đó nếu người hâm mộ muốn sử dụng tín dụng thì cần phải có thẻ của Visa. Hình thức này sẽ được áp dụng ở các cửa hàng trực tuyến hoặc bất cứ giao dịch nào trong khu vực sân thi đấu Olympics.
Visa đã hợp tác với nhà đồng thời trợ Samsung trong một dự án chiến lược hỗ trợ các vận động viên trong việc thanh toán di động với công nghệ mới nhất.
Acer
Nhà sản xuất Đài Loan Acer là nhà tài trợ mới của Olympics khi gia nhập chương trình TOP (Chương trình đối tác Olympics) vào năm 2009 cho Olympic 2010 và 2012.
Acer cung cấp máy tính và dịch vụ tin học cho nhiều sân thi đấu, văn phòng quan trọng và vận động viên. Acer cũng là nhà tài trợ duy nhất không cam kết chắc chắn sẽ tham gia tài trợ trong 4 năm tiếp theo.
Coca Cola
Coca Cola là nhà tài trợ của Olympics từ năm 1928 và trở thành nhà tài trợ lâu đời nhất của thế vận hội.
Là thành viên sáng lập chương trình TOP vào năm 1986, Coca Cola trở thành nhà cung cấp nước uống không cồn cho thế vận hội với rất nhiều sản phẩm.
Năm nay, công ty cung cấp cho Olympics đến 23 triệu chai nước uống trong vòng 8 tuần. Coca Cola và McDonald vừa bị chỉ trích trước lo ngại về những thực phẩm chứa quá nhiều chất béo. Thậm chí chủ tịch IOC Jacques Rogge cũng phải cân nhắc về sự tham gia của họ trong cuộc vận động tái tranh cử chức chủ tịch 4 năm về trước. Tuy nhiên, cuối cùng ông cũng đã chấp nhận quyền tài trợ của những hãng này.
Panasonic
Tất cả mọi diễn biến của thế vận hội gửi đến người hâm mộ đều được ghi hình bởi các thiết bị của nhà sản xuất Nhật Bản Panasonic. Là nhà tài trợ chính thức của thế vận hội từ năm 1987, Panasonic cung cấp hệ thống Tivi, máy quay, thiết bị âm thanh, và các thiết quan trọng khác để đảm bảo mang đến cho người hâm mộ trên toàn thế giới hình ảnh các trận thi đấu với chất lượng tốt nhất có thể.
Olympics năm nay, Panasonic đã đạt được thỏa thuận với ban tổ chức về việc lần đầu tiên cung cấp các thiết bị và công nghệ 3D trong các chương trình ghi hình trực tiếp.
Procter and Gamble
Năm 2010, Procter & Gamble bắt đầu tham gia Olympics với tư cách là nhà tài trợ chính thức.
Tại thế vận hội năm nay, tập đoàn này cung cấp P&G Family Home (Ngôi nhà P&G), mà các vận động viên và gia đình của họ có thể thu giãn với những dịch vụ tiện ích như giặt giũ, làm đẹp…sử dụng các thương hiệu của P&G.
Crest và Oral-B của P&G đã làm việc với nhà tổ chức để xây dựng một cơ sở nha khoa chính thức cung cấp các sản phẩm răng miệng, chăm sóc khẩn cấp… cho các huấn luận viên và vận động viên.
General Electric
Là một nhà tài trợ chính thức cho Olympic kể từ năm 2005 và đến tận 2020, GE cung cấp các hệ thống và giải pháp cơ sở hạ tầng cho nhiều sân thi đấu trong mùa thế vận hội trong đó báo gồm hệ thống ánh sáng, năng lượng, hệ thống xử lý nước thải.
Bên cạnh đó, GE cũng tài trợ những thiết bị chuẩn đoán y tế cho các vận động viên bao gồm máy MRI, siêu âm. Ngoài ra họ còn cung cấp hệ thống quản lý và lưu trữ kỷ lục của Olympics.
Dow Chemical
Vừa mới chính thức trở thành “công ty hóa chất” của Olymlics, Dow cung cấp các giải pháp và dịch vụ cố vấn về các sáng kiến bền vững cho các sân thi đấu thế vận hội. Dow đã tạo ra lớp cỏ cho sân thi đấu khúc côn cầu và hàng rào chắn bên ngoài sân vận động Olympics. Dow Chemical sẽ là nhà tài trợ của Olympic đến năm 2020.
Tuy nhiên nhóm “Drop Dow Now” đã phản đối sự tham gia tài trợ của công ty này vì họ cho rằng, Dow đã gây ra vụ rò rỉ khí gas chết người vào năm 1984 tại Bhopal, Ấn Độ. Vụ rò khí gas xảy ra tại một nhà máy của Union Carbide, công ty chi nhánh của Dow.
Atos
Atos lần đầu tham gia tài trợ cho thế vận hội vào năm 2001 dưới cái tên công ty SchlumbergerSema. 3 năm sau đó, Atos chính thức mua lại SchlumbergerSema.
Là nhà cung cấp hệ thống công nghệ thông tin cho Olympics, Atos có nhiệm vụ đảm bảo dữ liệu và truyền thông được vận hành một cách trơn tru trong suốt thời gian diễn ra thế vận hội.
Atos có một đội ngũ gồm 330 nhân viên có mặt trên các sân thi đấu tại London để giám sát hoạt động của hệ thống IP. Atos ước tính sẽ quản lý lượng dữ liệu lớn hơn mùa thế vận hội Bắc Kinh 30% do nhu cầu đối với nội dung thiết bị di động gia tăng.
Hợp đồng tài trợ của họ sẽ kéo dài đến năm 2016.
Samsung
Samsung trở thành nhà tài trợ cho Olympics kể từ thế vận hội Nagano năm 1998 và cam kết là thành viên của TOP đến năm 2016. Hãng này độc quyền cung cấp hệ thống truyền thông không dây cho nhà tổ chức và vận động viên.
Vài tháng trước, Samsung đã chính thức công bố dự án ứng dụng Olympics Genome trên Facebook. Ứng dụng này chỉ ra cách người dùng kết nối với các vận động viên Olympics. Tuy nhiên họ đã gặp hạn khi một nhóm gồm 18 vận động viên kiện với cáo buộc Samsung đã tùy tiện sử dụng tên, hình ảnh, chữ ký, giọng nói của họ vì mục đích thương mại mà không trả phí bản quyền.
Omega
Omega, thuộc tập đoàn Swatch của Thụy Sĩ lần đầu tiên phục vụ Olympic vào năm 1932 nhưng đến năm 2004 mới trở thành nhà tài trợ và là thành viên chính thức của chương trình TOP. Hợp đồng tài trợ của họ sẽ kéo dài đến năm 2020.
Ngoài việc quản lý dữ liệu cho Olympics London 2012, Omega còn cung cấp các bảng hiển thị điểm số, đồng hồ và hệ thống đo thời gian điện tử. Năm nay, Omega sẽ ra mắt Quantum Timer, một công nghệ mới có thể đo được 1/1 triệu của giây.
Theo Luc Bardon, trưởng nhóm bán hàng và marketing của BP, cái lợi lớn nhất là sự liên kết với một thương hiệu mạnh như Olympic. “Điều quan trọng hơn cả đó là chúng tôi được trở thành một phần của đất nước, trong cuộc sống của các quốc gia và cộng đồng khác.” Còn Norman Brodie, phụ trách chương trình Cadbury London 2012 của hãng kẹo Cadbury, cho rằng trở thành một phần của Olympic chính là một cơ hội vàng của họ.
David Haigh, Giám đốc điều hành của hãng tư vấn thương hiệu Brand Finance, cho biết: “Các doanh nghiệp sẵn sàng chi ra một khoản tiền lớn để tài trợ cho các môn thể thao, sự kiện, đội tuyển và cá nhân nếu họ tin rằng sẽ hái ra tiền”.
Theo ông, hiện tại, các công ty đang có xu hướng phân tích kỹ càng xem họ sẽ thu về được bao nhiêu nếu tài trợ cho một sự kiện. “Olympic có vẻ là một sự kiện lý tưởng và họ sẽ càng lúc càng kiếm bộn tiền”.
Theo doanhnhan.net