Song hành với các diễn trình tạo dựng thương hiệu quốc gia của một tập đoàn kinh tế là việc thực hiện ý tưởng xây dựng bảo tàng chuyên biệt và chuyên nghiệp.
GS-TS. Tôn Thất Nguyễn Thiêm đã từng viết: “Muốn định vị bản sắc thương hiệu quốc gia thì điều cần thiết đầu tiên là phải hiểu rõ nỗi ước vọng tha thiết nhất của dân tộc vốn tiềm tàng cho những câu chuyện về lịch sử làm nên bản sắc của nó. Chính xác là bản sắc của thương hiệu quốc gia chỉ được định vị vững bền khi phát xuất từ nguồn thôi thúc mãnh liệt nhất tiềm ẩn ngay trong chuyện kể đặc thù của đất nước”.
Nếu đặt lập luận này trong tư duy lãnh đạo của các doanh nhân hiện nay thì sẽ nảy ra những quyết sách cận biên bên cạnh các ý tưởng bảo tồn và phát huy giá trị một thương hiệu bằng việc xây dựng bảo tàng.
Có rất nhiều bảo tàng cà phê được thành lập ở các quốc gia như Brazil, Colombia, Ethiopia, Đức, Anh, Nhật Bản… Ở Việt Nam, “thủ phủ cà phê toàn cầu” với điểm nhấn là ý tưởng về trường đại học đa ngành, bảo tàng cà phê thế giới, viện nghiên cứu cà phê, viện nghiên cứu dân tộc học và văn hóa bản địa, sàn giao dịch cà phê, những khu phố ẩm thực hấp dẫn…
Bảo tàng cà phê thế giới thể hiện những nội dung sưu tập của lịch sử cà phê, địa lý cà phê, những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ của cà phê trên thế giới và văn hóa cà phê toàn cầu, trong đó Bảo tàng Jenn Burg (Đức) với hơn 10.000 hiện vật là một phần trong nội dung sưu tầm của bảo tàng cà phê thế giới.
Bên cạnh đó còn có những nội dung bổ sung của bảo tàng: bảo tàng đất và đá toàn cầu; bảo tàng về các hạt, cây, giống cà phê trên toàn cầu; bộ sưu tập văn hóa Tây Nguyên lớn nhất Việt Nam với trên 60 năm lịch sử.
Tập đoàn Menard đang dẫn đầu ngành công nghiệp mỹ phẩm của Nhật Bản. Ông chủ Daisuke Nonogawa đã bỏ tiền để xây dựng tại quê hương mình một viện bảo tàng nghệ thuật mang tên Menard.
Viện bảo tàng này trở nên nổi tiếng khi có tại đây hơn 1.300 tác phẩm nghệ thuật với nhiều thể loại khác nhau như tranh, ảnh, tác phẩm điêu khắc, hàng thủ công mỹ nghệ. Bộ sưu tập nghệ thuật này được sưu tầm công phu và có hệ thống nên được các chuyên gia nghệ thuật đánh giá rất cao.
Không chỉ dùng Viện Bảo tàng nghệ thuật Menard là nơi tôn vinh thương hiệu Menard mà Nonogawa coi nơi đây cũng là một trung tâm giao lưu văn hóa. Bảo tàng Toyota tại thành phố Nagoya, cũng là quê hương của ô tô Toyota, là một điểm tham quan hấp dẫn trong hành trình du lịch Nhật Bản.
Bảo tàng Ô tô Toyota mở cửa đón du khách vào năm 1989, giúp du khách tìm hiểu cội nguồn của hãng xe nổi tiếng nhất Nhật Bản này, cũng như tìm hiểu công nghệ xe hơi của tương lai…
Khi một thương hiệu là đối tác của một bảo tàng thì lại là chuyện khác. Alain Perrin – CEO của nhãn hiệu Cartier và là một nhà sưu tầm nghệ thuật tích cực, khánh thành Bảo tàng Fondation Cartier pour lArt Contemporain (Quỹ Cartier vì nghệ thuật đương đại), một bước đi được dự đoán trước, đưa sản phẩm sang trọng đến với sân chơi trí thức.
Bảo tàng này – kỷ niệm 25 năm thành lập vào năm nay – đặt mua những tác phẩm nghệ thuật đương đại để trưng bày trong một không gian rực rỡ được kiến trúc sư người Pháp Jean Nouvel thiết kế.
Hiện kiến trúc sư Frank Gehry – người từng đoạt giải thưởng kiến trúc Pritzker, nổi tiếng với những công trình mang những đường cong tròn trịa và được bọc bằng kim loại sáng bóng – đang thiết kế một không gian cho Louis Vuitton Foundation for Creation (Quỹ Louis Vuitton vì sự sáng tạo), một bảo tàng sẽ trưng bày nghệ thuật đương đại khi nó khánh thành vào năm 2011.
Việc đặt một nhãn hiệu nổi tiếng trong một không gian nghệ thuật sang trọng, có sự tích tụ về mặt thời gian và cảm xúc, tri thức một phần cũng để định hướng tâm lý người tiêu dùng.
Bảo tàng Audi đưa khách tham quan trở về thời sơ khai của ngành công nghiệp ô tô và giải thích quá trình phát triển của Hãng Audi AG cho tới thời điểm hiện tại qua các mẫu vật trưng bày truyền thống và những mẫu vật được trưng bày theo từng thời điểm nhất định.
Với bộ sưu tập và các buổi triển lãm theo chủ đề bảo tàng đã góp phần làm sống lại giai đoạn phát triển trong suốt 1 thế kỷ qua của ngành công nghiệp ô tô.
Được thiết kế dựa theo ý tưởng về những vòng tuổi trên thân cây kết hợp với mặt tiền hào nhoáng, bảo tàng thể hiện rõ nét sự thống nhất giữa cái vĩnh hằng và những đổi thay. Các mẫu xe cổ điển của bảo tàng được đặt trong bối cảnh lịch sử thực tế và nhờ vậy quá khứ như được hồi sinh.
Khi Trung Nguyên gia nhập vào xu hướng làm bảo tàng để xây dựng một địa chỉ duy nhất xứng tầm là một thủ phủ cà phê của thế giới thì nhịp điệu của kiến trúc, yếu tố nguyên bản đã nằm trong tính cách của nhiều thương hiệu. Và đó cũng là một chiến lược để cạnh tranh trong kinh tế hình ảnh.
Theo doanhnhan.net