Sữa tăng giá do kẽ hở quản lý

Sữa tăng giá 30 lần từ năm 2007 đến nay. Theo giới chuyên gia, không nên quy định độ đạm sữa trên 34% vì sẽ tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp lách luật.

Hôm nay, sữa Nestlé tăng giá 8%-9% tùy loại sau khi một loạt hãng sữa nội lẫn ngoại như Abbott, FrieslandCampina Vietnam, Vinamilk, Physiolac… thay nhau tăng giá 7%-15% chỉ trong chưa đầy ba tháng đầu năm. Sự không đồng nhất từ các quy định của pháp luật hay quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng chính là cơ hội để giá sữa cứ thoải mái tăng và người tiêu dùng cứ mãi cắn răng chịu thiệt.
Xác nhận thông tin tăng giá, ông Vũ Quốc Tuấn, Giám đốc đối ngoại Nestlé Việt Nam lý giải do từ năm ngoái đến nay chưa tăng giá lần nào trong khi các chi phí khác đều tăng nên lần này công ty điều chỉnh mức giá.
Tương tự, khi sữa Abbott tăng giá hồi đầu tháng 3, ông Đỗ Thái Vương, Giám đốc đối ngoại Abbott Nutrion Việt Nam, cũng nói đơn giản: “Chúng tôi thay đổi giá cả theo tình hình thị trường. Các yếu tố chính ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa gồm chi phí nguyên vật liệu và tình hình lạm phát”.
FrieslandCampina Việt Nam không hề xác nhận việc tăng giá trong tháng 3 nhưng giá ngoài thị trường cứ tăng lên, không ai kiểm soát.
Trong khi đó, chị Võ Ngọc Ánh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết “thấy chóng mặt quá!”. Sữa Gain Plus IQ (Abbott) 900 gram chị hay mua cho con giá từ 430.000 đồng nay lên 474.000 đồng một hộp. Tiền sữa cho con là khoản không thể cắt giảm trong chi tiêu gia đình mà thu nhập chỉ 4 triệu đồng nên chị phải cắt các khoản khác như ăn vặt, giải trí, du lịch…
Và dường như tình trạng găm hàng trước mỗi đợt tăng giá đang tái diễn. Hiện các đại lý than một số mặt hàng của Nestlé không có để bán.
Hàng bình ổn, giá bất ổn
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định kẽ hở mà các hãng sữa lách cơ quan nhà nước là quy định chỉ có sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi khi bán mới phải kê khai đăng ký giá, chịu sự quản lý của Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế). Những loại sữa khác không phải đăng ký.
Bên cạnh đó, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa bột là độ đạm phải trên 34%, trong khi nhiều nước quy định 10%-15%. Cho nên các hãng nhập nguyên liệu về kê khai là sữa bột để chịu mức thuế 3%-5%, sau pha thêm các chất dinh dưỡng, hương liệu… và đổi thành thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung. Như vậy, họ không phải đăng ký kê khai giá với cơ quan chức năng. Nếu khai là thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng thì phải chịu thuế suất 10%-15%.
Kẽ hở thứ hai là từ năm 2012 đến nay, Bộ Tài chính đưa ra bảy văn bản kiểm tra quản lý giá sữa nhưng thực tế không thực hiện thường xuyên. Khi các hãng sữa sắp có đợt tăng giá mới làm mà làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”.
Đó là hai kẽ hở cơ bản nhất khiến cho sữa, mặc dù là hàng bình ổn nhưng giá lại khá bất ổn.
Trả lời với truyền thông mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá, nói: Do sản phẩm dinh dưỡng không nằm trong danh mục được bình ổn giá nên không bắt buộc đăng ký khi tăng giá.
Câu trả lời đã khiến cho một chuyên gia tài chính bức xúc: “Hiện nay có 27 sản phẩm sữa đăng ký là thực phẩm dinh dưỡng mà bán với giá của sản phẩm sữa. Nếu sản phẩm nào không đủ tiêu chuẩn là sữa thì Bộ Y tế phải công bố để người dân được biết. Ngay cả sản phẩm nào có đủ điều kiện là sữa cũng phải công bố và nhanh chóng bổ sung quy định mặt hàng không phải sữa cũng phải kê khai. Chứ cứ để tình trạng như bây giờ thì rõ ràng cơ quan quản lý không ‘nắm’ được doanh nghiệp. Thông tin, quy định lập lờ, cuối cùng chỉ có người dân lãnh đủ!”.
Không thể hay không muốn làm?
Cơ quan quản lý than khó vì không thể xác định giá nguyên liệu đầu vào khi các hãng sữa đăng ký tăng giá.
Về yếu tố này, ông Long cho biết: “Từ năm 2007 đến nay, giá sữa tăng đến 30 lần. Kiểm tra hãng sữa nội thì dễ, như vừa rồi kiểm tra được giá mua đầu vào chỉ 12.500 đồng một lít nhưng giá bán vẫn tăng để tát nước theo mưa. Nhưng với kiểu này không biết giá sữa sẽ tăng đến bao nhiêu nữa!”.
Với nguồn kinh phí Nhà nước cấp, các cơ quan chức năng không khó để tìm ra nguồn gốc sự việc bởi trong thời buổi công nghệ thông tin, giá chào, giá bán như thế nào, giá giao dịch thực tế ra sao, ở nước nào đều có thể tìm ra. “Vấn đề là họ không thích và không chịu làm, chỉ cho thấy mình vào cuộc khi có thông tin hãng sữa tăng giá trong khi họ chính là đầu mối thông tin trong việc này cho người tiêu dùng. Việc các hãng sữa có đăng ký giá trước khi tăng hay không, có khả năng liên kết bí mật để tăng giá hay không… chỉ có cơ quan quản lý là rõ nhất. Và thực chất việc quản lý sữa không phải bất kham mà do buông lỏng!”, ông Long nhấn mạnh.
Không nên quy định độ đạm sữa trên 34%
Nên rút quy định độ đạm của sữa xuống như nhiều nước. Các chuyên gia dinh dưỡng nhận định không có trẻ em nào dùng được sữa có độ đạm trên 34% vì không tốt cho hệ tiêu hóa. Cơ chế quản lý cần thêm quy định khi bán phải kê khai đăng ký giá, xây dựng nguyên tắc cấu thành giá (như sữa ngoại nhập bao gồm giá vốn, chi phí…) và tăng cường nguồn cung trong nước để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Theo doanhnhan360.com