Nếu muốn ngăn chặn triệt để nguy cơ rơi vào tình trạng suy kiệt, bạn hãy thử thực hành ba cách dưới đây:
Sở hữu doanh nghiệp của riêng mình là một phần thưởng quý giá đối với bất kỳ ai. Tuy nhiên, đi cùng với thành công là sự cố gắng phi thường mà hệ quả có thể là sự kiệt sức và chán nản. Muốn phát triển công việc, sự nghiệp của bạn một cách ổn định, bền vững, hãy ngăn chặn tình trạng đó trước khi quá muộn.
Kiệt sức, lơ đễnh và tính khí thất thường là những biểu hiện đặc trưng của một lãnh đạo bị suy kiệt do quá tải công việc. Tình trạng này kéo theo hệ lụy là những bất ổn trong văn hóa doanh nghiệp cũng như sự căng thẳng, bối rối của nhân viên. “Khi lãnh đạo một doanh nghiệp bị suy kiệt, họ rất dễ đánh mất những nhân viên ưu tú của mình” – Stephen Courtright, giáo sư về quản trị của trường đại học Texas A&M đồng thời cũng là một chuyên gia về loại bệnh lý này cho biết. “Khi nhân viên thấy tình hình không ổn, họ sẽ bỏ của chạy lấy người”.
Tệ hơn nữa, những nhà lãnh đạo bị suy kiệt thường chậm chạp và lưỡng lự hơn khi phải đối mặt với những quyết định quan trọng. Họ cũng cảm thấy ít tin tưởng vào sự lựa chọn của mình. Điều này thường dẫn đến những quyết định sai lầm hoặc những cơ hội bị bỏ lỡ.
Courtright không giữ ý với những nhà lãnh đạo đi quá giới hạn mình và tự cho rằng họ sẽ không sao. Ông nói: “Cứ tiếp tục như thế, thì tới một ngưỡng nào đó, mọi thứ sẽ bung bét hết. Nếu không muốn đưa ra những quyết định sai lầm cho công ty mình – thứ mà bạn dồn hết tâm huyết vào – hãy làm gì đó ngay từ bây giờ”.
Để ngăn chặn tình trạng suy kiệt vì công việc, một kỳ nghỉ hiếm hoi chưa phải là đủ; cuộc sống của bạn phải được lập trình để ngăn ngừa bệnh lý này mọi lúc, mọi nơi. “Một kỳ nghỉ giống như một miếng băng dán lên một vết thương còn mới nguyên. Nó có thể giúp xoa dịu cảm giác nhức nhối một chút. Nhưng rồi bạn vẫn phải tháo bỏ nó ra để rửa ráy, sát trùng và điều trị dứt điểm” – Courtright ví von.
Nếu muốn ngăn chặn triệt để nguy cơ rơi vào tình trạng suy kiệt, bạn hãy thử thực hành ba cách dưới đây:
1. Phân quyền cho nhân viên: Thường thì các doanh nhân phải mạo hiểm nhiều vì doanh nghiệp của họ nên họ rất sợ công việc không được hoàn thành như họ mong muốn. Nỗi sợ này khiến họ ôm đồm nhiều hơn và đi vào quản lý cả vi mô. Khi điều này xảy ra, nhân viên trở nên thụ động hơn và ít có sáng kiến mới. Họ co mình lại và để mặc lãnh đạo một tay chèo chống công ty. Và kết quả là lãnh đạo sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái suy kiệt.
Thay vì làm thế, hãy phân quyền cho nhân viên, truyền cảm hứng để h toàn tâm, toàn ý với các mục tiêu, tầm nhìn của công ty. Nếu lòng nhiệt huyết của bạn truyền được sang họ, họ sẽ đặt lên bàn nhiều sáng kiến hơn và cùng bạn nỗ lực để tiến tới thành công. Courtright khẳng định: “Bạn càng truyền được nhiều cảm hứng cho nhân viên và giúp họ nắm bắt được sứ mệnh công ty, bạn càng ít cảm thấy cô độc ở vị trí lãnh đạo của mình”. Bằng cách làm cho nhân viên cảm thấy công ty cũng là của họ, bạn sẽ làm cho doanh nghiệp mình mạnh hơn và đồng thời giảm bớt được gánh nặng trên vai mình.
2. Củng cố lòng tự tin: Những nhà lãnh đạo tự tin thường ít có nguy cơ bị suy kiệt. Tuy nhiên sự tự tin đó phải xuất phát từ bên trong. Courtright khẳng định: “Sự tự tin bắt nguồn từ khả năng đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Bạn không thể vô cớ bảo mình “ta có thể làm được cái này, cái kia”.
Những nhà lãnh đạo lớn nuôi dưỡng sự tự tin của họ bằng chính những kinh nghiệm mà họ rút ra từ công việc hàng ngày. Kỹ năng vừa làm vừa học này giúp họ thỏa mãn mọi nhu cầu phát sinh. Để làm được như họ, hãy tìm kiếm câu trả lời hoặc lời khuyên khi bạn cảm thấy không chắc chắn. Nếu bạn bắt gặp cái gì đó mà bạn không biết, hãy tìm ai đó có thể dạy bạn. Dù bạn là một lãnh đạo non trẻ hay đã dày dạn kinh nghiệm, tìm kiếm sự giúp đỡ sẽ giúp bạn thêm vững vàng và tự tin.
3. Ưu tiên cho sức khỏe: Làm doanh nghiệp ngốn rất nhiều thời gian của bạn. Tuy nhiên, chăm sóc bản thân một cách đầy đủ sẽ giúp bạn phòng tránh được tình trạng suy kiệt. Muốn thế, bạn phải ăn uống hợp lý, tập thể thao đầy đủ, ngủ ít nhất 6 tiếng mỗi ngày và dành thời gian cho gia đinh, bạn bè – những người luôn ủng hộ bạn về mặt tinh thần.
Hãy tìm cách cân đối lịch làm việc bận bịu của bạn. Những ngày nghỉ bạn hãy chuẩn bị sẵn đồ ăn đủ dinh dưỡng cho cả tuần và để vào tủ lạnh ăn dần. Khi đi ngang qua chỗ bạn bè, người thân, hãy gọi cho họ. Hãy lên lịch công việc theo dạng biểu đồ để bạn có thể hoàn thành chúng tốt hơn. Theo Courtright, điều quan trọng không phải là làm việc được bao nhiêu tiếng mỗi tuần mà là chất lượng công việc ra sao.
Theo kienthuckinhte.com