Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” rất ý nghĩa, không chỉ khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, mà còn giải quyết bài toán kinh tế giảm nhập siêu, động viên doanh nghiệp trong nước đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao hơn, ổn định hơn, mẫu mã đẹp hơn, giá cả phù hợp hơn với người tiêu dùng.
Suy ngẫm kỹ, chúng ta sẽ thấy: người tiêu dùng sẽ chọn sản phẩm dịch vụ nào mang lại giá trị gia tăng lớn nhất cho họ. Giá trị gia tăng là phân chênh lệch giữa giá trị nhận được (giá trị sử dụng, giá trị nhân lực, giá trị phục vụ, giá trị thương hiệu…) và chi phí họ bỏ ra (chi phí bằng tiền, chi phí thời gian, chi phí năng lượng, chi phí tâm lý…).
Ngay từ ngày đầu thành lập, Win-Win đã hướng đến sự phát triển bền vững bằng một sứ mệnh và triết lý kinh doanh rõ ràng với mục tiêu là tối đa hóa giá trị gia tăng cho khách hàng. Tôi luôn nói với cán bộ nhân viên: Nếu ai cũng sử dụng hàng ngoại, thì Win-Win sẽ không thể tồn tại. Vì vậy, tôi luôn yêu cầu cán bộ nhân viên sử dụng hàng Việt Nam. Đối với những công ty mà Win-Win tư vấn, khi có nhu cầu, phải sử dụng sản phẩm của họ. Những giá trị này trở thành một yếu tố cấu thành bản sắc văn hóa của Win-Win.
Tuy nhiên, sau một thời gian dùng hàng Việt (nhờ vận động), nếu người tiêu dùng nhận thấy giá trị gia tăng từ việc sử dụng sản phẩm trong nước không cao hơn sản phẩm nước ngoài, họ sẽ quay sang sử dụng lại sản phẩm nước ngoài. Như vậy, chính sách vận động chỉ có ý nghĩa trong ngắn hạn. Để người Việt tự hào khi dùng hàng Việt, thì chúng ta ưu tiên vận động doanh nghiệp Việt Nam, tức vận động làm sao để sản phẩm được sản xuất bởi doanh nghiệp trong nước mang lại giá trị gia tăng lớn hơn sản phẩm nước ngoài.
Người chủ phải làm gương
Để giải quyết được vấn đề này, chúng ta nên tập trung vào người chủ, ban lãnh đạo doanh nghiệp. Cụ thể, chúng ta nên vận động họ hướng tới sự phát triển bền vững, xem trọng lợi ích của khách hàng, tối đa hóa giá trị gia tăng cho khách hàng. Cuộc đi bộ “Đồng hành cùng hàng Việt” bởi những người lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp đồng loạt tổ chức ở Bắc, Trung, Nam là việc nên làm. Nó khuyến khích các chủ doanh nghiệp tối đa hóa giá trị cho người tiêu dùng. Đến lược mình, người chủ đó sẽ khuyến khích cán bộ nhân viên trong toàn doanh nghiệp hướng tới việc phục vụ khách hàng tốt hơn, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, hạ giá thành sản xuất.
Những người lãnh đạo doanh nghiệp là người có ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn tới hành vi của toàn cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp họ. Nếu họ tiên phong sử dụng hàng Việt và trực tiếp vận động cán bộ nhân viên của mình dùng hàng Việt (dùng sản phẩm mình sản xuất và doanh nghiệp khác sản xuất). Đến một lúc nào đó, việc dùng hàng ngoại trở thành đi ngược lại với xu hướng tập thể, không được mọi người trong công ty khuyến khích. Từng bước, dùng hàng Việt trở thành yếu tố cấu thành bản sắc văn hóa, niềm tự hào của mỗi doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, thói quen dùng hàng Việt lan tỏa từ công ty về gia đình của mỗi cán bộ nhân viên. Đây là thói quen có lợi: lợi ích từ việc sử dụng sản phẩm và từ lòng tự hào dân tộc, đã trở thành bản sắc văn hóa của cộng đồng người Việt Nam.
Đây là lúc mỗi doanh nghiệp phải tự đánh giá lại mình, xem lại những điểm mạnh và điểm yếu, nắm bắt chính xác nhu cầu thật sự của người tiêu dùng, để từ đó cải thiện, đổi mới những vấn đề cần thiết, hướng tới việc tối đa hóa giá trị gia tăng cho khách hàng. Lâu dài hơn, doanh nghiệp phải xây dựng cho mình một chiến lược kinh doanh động hướng về khách hàng, mô hình quản lý tinh gọn với một sứ mệnh và triết lý kinh doanh rõ ràng. Làm được điều này, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ được cải thiện theo thời gian, sẵn sàng đối đầu với bất kỳ sản phẩm nước ngoài nào.
Theo tuvanchienluoc.vn