Chiến lược Đặt mục tiêu để thấy con đường

Đặt mục tiêu để thấy con đường

9
Người ta gọi anh là bác sĩ của doanh nghiệp. Thuốc anh dùng là những chiến lược phát triển kinh doanh và quản lý hiệu quả. Theo cách gọi ấy thì Công ty Tư vấn và Hỗ trợ Chiến lược Win-Win của anh là một “bệnh viện cho doanh nghiệp” — TRẦN NHUNG 

Nói chuyện thu hút, điềm đạm và nắm bắt nhanh mọi vấn đề người đối diện đang quan tâm, anh chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị. Đó là câu chuyện về một người con xứ Quảng khô cằn nắng gió, đã trở thành nhà tư vấn chiến lược được nhiều doanh nghiệp tin tưởng. Anh còn là tác giả của nhiều đầu sách, bài báo và tạp chí được bạn đọc quan tâm.

Những người lạ đặc biệt
Anh bảo gặp những người này là cơ duyên kỳ lạ trong đời, đưa anh tới sự lựa chọn con đường cho bản thân. Cho dù sau những cuộc hạnh ngộ bất ngờ đó, anh chưa từng gặp lại họ, thậm chí, một cái tên cũng không có.
Một trong những việc làm thêm của Đỗ Thanh Năm khi đến TP. HCM là đạp xích lô. Trong lần chở một vị khách, anh sinh viên 19 tuổi thích đọc sách lập tức bị thu hút vào bửu bối đúc kết về quản lý doanh nghiệp. Đó là quyển hồi ký của một danh nhân thế giới, đang nằm trên tay người khách lạ. Vị khách lớn tuổi phía trước chậm rãi lật giở từng trang sách. Người phía sau vừa đạp xe, vừa nhìn đường, vừa cố gắng căng mắt đọc như nuốt từng con chữ trong cuốn sách bàn về quản lý mở trong doanh nghiệp. Vị khách không hề hay biết cho đến khi nghe lời đề nghị của Năm, hơi rụt rè, nhưng đầy mong đợi: “Bác à, cháu không lấy tiền đạp xích lô. Cháu chỉ muốn xin bác quyển sách bác đang cầm thôi”. Vị khách lạ nhìn ra ngay sự đam mê của cậu sinh viên trẻ sau một phút bất ngờ. Ông mỉm cười và gửi tặng lại anh cuốn sách. Đến giờ, đó vẫn là một kỷ niệm đặc biệt trong anh. Nói theo ngôn ngữ của anh thì đó cũng là một trong những quyển sách đầu tiên góp phần khai mở, khuyến khích anh tìm hiểu và đam mê những chiến lược hay trên thương trường. Lần đầu tiên, anh cảm nhận thật rõ, anh thích và đam mê hiểu biết về năng lực quản lý, tầm nhìn chiến lược.
Người lạ đặc biệt thứ hai là một cậu bé lớp Bảy. Sau khi nghe anh trích dẫn câu nói của một danh nhân: “Cái chúng ta biết chỉ là một giọt nước giữa đại dương mênh mông”, cậu bé 14 tuổi ấy đã làm anh sững người với câu hỏi: “Làm thế nào để ‘giọt nước’ ấy có lợi cho chính anh, cho mọi người và xã hội?”. Một câu hỏi làm anh suy nghĩ, cẩn trọng tìm hướng đi sao cho mình trở thành người hữu ích nhất. Trong cuộc thi hùng biện của anh tại Nhà văn hóa Thanh niên TP. HCM ngày hôm ấy, anh cũng chưa kịp hỏi tên người bạn nhỏ.
Gặp nhiều khó khăn và phải bươn chải nhiều hơn đa số bạn bè để tiếp tục theo học, nhưng Đỗ Thanh Năm là con người lạc quan, quảng giao. Anh thích chia sẻ những suy nghĩ và ý tưởng của mình với mọi người. Với anh, đó cũng là một cách học hỏi. Anh hay tham gia các cuộc thi dành cho các sinh viên trẻ, để được chia sẻ ý tưởng của mình và học hỏi thêm thật nhiều từ mọi người xung quanh.
Nghiệp viết và khát khao chia sẻ
Nếu nhìn vào số lượng sách báo đóng bản quyền Đỗ Thanh Năm, sẽ không một ai tưởng tượng anh từng là người “không biết viết một câu văn”. Là học sinh chuyên Toán suốt những năm tháng phổ thông, anh thích đọc nhưng lại chẳng bao giờ có chút ý thức cũng như đam mê viết lách.
Anh cười lớn khi kể mỗi lần về quê, mang sách tặng thầy cô cũ, mọi người đều sửng sốt: “Trời ơi, con viết sao Năm?”. Và con người từng không viết nổi một câu cho gãy gọn ấy giờ đây không thể sống một ngày mà không đọc, không viết một chút gì đó. Nó như một cái nghiệp, một niềm đam mê gắn với anh tự lúc nào. Thanh Năm cho rằng, tất cả xuất phát từ khát khao được chia sẻ suy nghĩ, ý tưởng, kiến thức đến nhiều người hơn nữa. Mình nói, thì cũng chỉ tìm được số lượng người nhất định để sẻ chia, đóng góp. Nhưng khi viết và đưa được đến mọi người, đó là cách sẻ chia hiệu quả nhất. Thế là bắt đầu tập tành viết lách.
Nếu có ai đó viết nhật ký bằng cách gạch đầu dòng thì người đó là Đỗ Thanh Năm. Chưa biết cách diễn đạt, hành văn cho trôi chảy, anh ghi lại các ý chính. Những quyển sổ đó đến giờ anh còn giữ. Đó chính là nơi ghi lại những tiến bộ, kinh nghiệm dày dạn lên từng ngày của anh. Ở đó cũng ghi dấu cách viết được cải thiện rõ rệt, rành mạch và gần gũi, nhẹ nhàng hơn.
Đỗ Thanh Năm còn có một cách học viết sách khá độc đáo là thông qua học ngoại ngữ. Anh chia sẻ: “Nghe có vẻ lạ lùng nhưng thực tế, chính những giờ học tiếng Pháp, tiếng Anh đã giúp mình lấy lại được cách viết câu văn cho chỉn chu chủ vị cú pháp”. Mỗi buổi học, anh chịu khó xin bài sửa của giáo viên về xem, ghi nhớ và học theo.
Anh đọc nhiều sách, từ triết học, lịch sử, đến truyện kiếm hiệp của Kim Dung, truyện của người đồng hương Nguyễn Nhật Ánh. Anh đọc vì yêu thích, và cũng để học hỏi rồi đưa vào những trang sách, bài tư vấn của mình cách xây dựng vấn đề sao cho hấp dẫn hơn, dễ đi vào lòng người hơn. Đó là những vấn đề kinh tế, chiến lược vốn có vẻ khô cứng.
Giờ thì anh có thể tự hào nói rằng, trong mỗi bài viết tư vấn của anh, mọi người có thể tìm thấy sự mới mẻ, khả năng ứng dụng vào thực tiễn doanh nghiệp với lối viết logic, có sức lôi cuốn. Rèn cách viết ở tuổi 20, không dễ. Nhưng nếu có động lực, bạn sẽ thấy con đường.
Khơi dậy khát vọng trong mỗi con người
Đây là điều anh tâm niệm, có thể mang đến cho nhân viên trong từng doanh nghiệp bằng chính công việc tư vấn anh theo đuổi. Riêng đối với Đỗ Thanh Năm, đó cũng là điều anh học được từ chính người mẹ của mình. Mẹ anh, một phụ nữ nông thôn chân chất, thương con và biết mình không đủ sức, đủ hiểu biết để nắm tay dẫn dắt từng đứa. Nhưng: “Mẹ tôi đã cố gắng hết sức, bán đi cả những vật quý giá nhất trong nhà để tôi có thể đi học. Mẹ muốn tôi phải hiểu thật sâu, thật thấm những hy sinh của cả gia đình mà sống cho ý nghĩa. Mẹ chỉ khích lệ, khơi dậy khát vọng thành công trên con đường tôi chọn. Mẹ nói: ‘Vì nó hiểu nó hơn mình hiểu nó nhiều’. Con đường mình đi, do mình chọn lựa. Nhưng khát vọng vươn lên, bao giờ cũng phải có. Hãy sống, làm việc chăm chỉ, sống với ý chí của bản thân, đừng thả trôi và kéo lê đời mình”.
Bồi bàn, đạp xích lô, gia sư, giao hàng… từng là nghề kiếm cơm của chuyên gia tư vấn Đỗ Thanh Năm suốt những tháng năm đại học. Khi tốt nghiệp, anh có cơ hội với vị trí trợ lý giám đốc ở một công ty. Công việc sẽ giúp anh trang trải cuộc sống hiện tại. Nhưng trong suy nghĩ vốn sớm chín chắn, anh lại nhìn thấy mặt khác của vấn đề. Công việc này sẽ ngăn anh đến với con đường lập nghiệp của riêng mình.
Dù chưa thực sự đủ lực, nhưng lúc này, Đỗ Thanh Năm đã thấy một con đường khác – con đường giao thoa giữa công việc và mong muốn được học hỏi, chia sẻ.
Và rồi, anh chọn việc trở thành giảng viên. Anh tận dụng tối đa quỹ thời gian 24 giờ mỗi ngày để đứng lớp, tiếp tục học cao học, rồi tiếng Anh, cử nhân tiếng Pháp. Người ta chưa bao giờ thấy anh gục ngã. Ở anh, ý chí và khát vọng vươn lên, học hỏi lúc nào cũng lớn. Từ những buổi đứng lớp, những khóa giảng ngắn hạn cho các doanh nhân, anh nhận được sự tin tưởng của nhiều doanh nghiệp.
Ai nghĩ ra cụm từ “đơn xin việc” thì không biết, nhưng Đỗ Thanh Năm không thích cụm từ này chút nào, cho dù nó phổ biến đến độ người ta nói như một câu cửa miệng khi muốn tìm việc. Từ thời sinh viên đầy khó khăn, cần việc làm, anh cũng không bao giờ nghĩ mình đi xin việc. Quan điểm của anh là tôn trọng và coi nguồn nhân lực là vốn quý nhất của công ty. Quá trình nhận làm một công việc nào đó sẽ dựa trên thỏa thuận giữa nhà tuyển dụng và ứng viên. Không ai xin ai, không ai ban ơn cho ai. Người lao động bán khả năng của mình mà không mất. Doanh nghiệp có quyền sử dụng nhưng không có quyền sở hữu nó. Đó là cách nghĩ khá mới mẻ với nhiều người thời bấy giờ.

Người thầy giỏi phải dạy được học trò giỏi hơn mình
Anh luôn nói rằng, đầu tư vào con người là sự đầu tư hiệu quả nhất. Năng lực, tiềm năng của nhân viên, những người cộng sự luôn bên mình là vốn quý nhất. Đó chính là lý do anh cần khoảng thời gian khá dài để mở công ty chuyên về tư vấn tuyển dụng sau gần tám năm làm công việc kê đơn, bốc thuốc cho doanh nghiệp. Anh vun đắp cho nguồn vốn quý giá ấy có cơ hội để dày dạn hơn.
Đỗ Thanh Năm mong muốn công ty tư vấn do mình xây dựng sẽ là nơi khách hàng tìm. Và họ sẽ trở lại, ngay cả khi doanh nghiệp đã ổn định. Bởi khi đó, anh sẽ lại giúp họ có những hướng đi đúng đắn để tạo bước đột phá.
Đỗ Thanh Năm xây dựng cơ nghiệp từ sự nỗ lực to lớn của bản thân, bằng lòng ham học hỏi và chí cầu tiến. Thêm vào đó là ý thức đầu tư cho thế hệ kế cận. Anh nói, giọng có lửa hơn: “Tìm được năng khiếu của nhân viên để giao việc, để cho họ có cơ hội thể hiện bản thân qua công việc cũng là cho mình một cơ hội để hiểu năng lực của họ. Đừng nghĩ mình hạ mình, mà hãy nghĩ mình đang đưa những nhân viên có năng lực lên đúng vị thế họ nên có”. Đó là cách để anh đào tạo và giữ chân những cộng sự tài năng, sáng tạo và nhạy bén. Thế nên, không mấy người ngạc nhiên khi nghe anh khăng khăng muốn đào tạo nhân viên giỏi hơn mình. Một trong số những câu anh tâm đắc nhất cũng là: “Người thầy giỏi là người thầy đào tạo được nhiều học trò giỏi hơn mình”.

“Hãy tiếp xúc với nhiều công ty tư vấn chiến lược khác nữa”
Có lẽ nhiều người ngạc nhiên, nhưng mọi khách hàng của công ty Win-Win đều sẽ nghe câu này ngay buổi đầu đến để đề nghị được tư vấn. Đỗ Thanh Năm cười khi người viết hỏi tại sao: “Vì mọi khách hàng cần cho chính mình thêm cơ hội, để lựa chọn, cân nhắc trước khi quyết định. Bản thân tôi cũng tin rằng, nếu họ thật sự tin vào chiến lược của chúng tôi, họ sẽ trở lại”. Giờ thì danh sách khách hàng của anh đã hơn con số 40 sau chưa đầy ba năm hoạt động.Khách hàng đầu tiên là Vinaconex 27, một doanh nghiệp đứng trên bờ phá sản, được anh Thanh Năm “chẩn bệnh” là đầu tư dàn trải, vào những lĩnh vực không phải thế mạnh. Một tập thể nhân viên đang rệu rã đã được anh xốc lại tinh thần bằng những chiến lược phát triển cụ thể. Anh khích lệ tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó của mọi nhân viên. Sau hơn một năm đi theo quỹ đạo mới, doanh nghiệp này đã bắt đầu hồi sinh. Đến giờ, anh đã có thêm rất nhiều khách hàng thân thiết.
Anh vui vẻ: “Nhiều doanh nghiệp phát triển tốt vẫn tìm đến công ty tư vấn. Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp muốn có cái nhìn khách quan từ bên ngoài. Họ tìm kiếm những định hướng tốt, một cơ hội phát triển vượt trội cho doanh nghiệp mình. Hoặc họ mong giữ tốc độ phát triển bền vững hay xây dựng văn hóa công ty… Đó là điều đáng mừng vì cách tốt nhất bao giờ cũng là phòng bệnh chứ đâu phải chữa bệnh”.
Các doanh nghiệp đặt lòng tin nơi anh còn vì phong cách làm việc. Không phải trả tiền nếu việc tư vấn không mang lại giá trị gia tăng. Anh yêu cầu doanh nghiệp có sự hợp tác chặt chẽ, quyết tâm cao độ để vượt qua khó khăn, cùng sống chết với nhau. Mọi doanh nghiệp đều có thể chọn Win-Win. Nhưng chính công ty cũng sẽ chọn khách hàng cho mình. Nếu hai bên có nhiều điểm khúc mắc, có lẽ không nên chọn làm đối tác của nhau.
Thỉnh thoảng, có những độc giả gặp anh trong các buổi tiệc. Họ tiến đến chỉ để nói: “Anh Năm, anh Năm, hôm nay mới gặp được anh. Vợ chồng tôi có đủ bộ những quyển sách anh viết, áp dụng được nhiều lắm đó anh”. Có người gửi đến anh một lời mời: “Khi nào anh rảnh, ghé công ty tôi chơi. Nhân viên bên tôi thích các bài viết của anh lắm”. Anh gọi đó là niềm hạnh phúc mà cơ nghiệp cầm bút mang lại. Một tình cảm yêu mến vừa tự nhiên, vừa thân tình như vậy luôn làm anh quên đi những mệt mỏi hay áp lực.
Cái duyên với nghề tư vấn mang lại cho anh sự nghiệp và những cơ hội học hỏi ít ai ngờ. Ví như chuyện May Phương Đông, đơn vị anh đang tư vấn, tin tưởng nhờ cậy anh… sáng tác một ca khúc truyền thống cho công ty. Yêu cầu là ca khúc phải chuyển tải được giá trị cốt lõi của công ty, vừa phải tạo không khí hào hùng, đầy năng lượng khi lời đồng ca vang lên. Mà hiểu công ty thì anh Năm là ứng viên số một. Không hiểu nó, sao anh tư vấn được. Thế mới có chuyện ông giám đốc công ty tư vấn chiến lược cắp cặp đi học nhạc ba tháng trời. Bài hát được các nhân viên yêu thích. Thấy nhạc sĩ mát tay nên sau này, bài hát truyền thống của Samco, Domesco Đồng Tháp, Gạch Đồng Tâm đều có tác giả là Đỗ Thanh Năm. Anh nói: “Cái gì cũng cần phải nắm nguyên lý mới làm tốt được”. Anh hài hước ví nó với chuyện nấu ăn, theo kiểu rất hóa học. Nhưng nếu áp dụng đúng, bạn sẽ có kết quả như ý. Chẳng hạn, mùi tanh trong cá do nhóm OH của ba-zơ gây ra. Muốn món cá thơm ngon và không tanh, bạn nên nấu kèm với nguyên liệu có tính a-xít để khử. Nhờ cách nắm nguyên lý này mà nghe đâu anh còn là một đầu bếp khá.

Mái tóc đen một thời mê hoặc nay đã phong trần nhuộm nắng gió sương
Anh dùng thơ để nói về mình như thế. Anh hạnh phúc vì đã đủ điều kiện lo chu toàn cho gia đình, cho cha mẹ và các anh em trong nhà. Một thời nghèo khó từng quấn chặt lấy anh, từng ghì đôi vai gầy của mẹ chỉ còn trong ký ức. “Tôi mang về những đồ dùng tốt nhất, mà đôi khi chính tôi còn chưa có dịp dùng thử, để dành cho gia đình”. Nhưng nhiều lúc, trong phút rỗi rãi hiếm hoi, bỗng tôi thấy thương mình. Thời gian gần đây, tôi muốn đi du lịch. Nhưng nghĩ lại, đi một mình thì đi làm gì?”.
Cả một thời tuổi trẻ khó khăn của anh là những nỗ lực để bồi đắp kiến thức cho bản thân, gầy dựng sự nghiệp và chèo chống, gánh vác gia đình. Đến khi nhìn lại thì tuổi trẻ đã qua tự lúc nào. Tình yêu cũng ra đi vì anh không đủ thời gian và tự tin để vun đắp cho nó. Nói như anh là “thời gian chỉ có một chiều trôi”.
Mỗi ngày của anh vẫn kín lịch với những chuyến công tác, bộn bề việc. Mỗi đêm về, cũng lại một mình anh ngồi đọc, hay tập trung viết những quyển sách tiếp theo. Bao đầu sách nhiều dần theo vốn kinh nghiệm và tư duy vận động không ngừng. Và cũng có khi, trong căn nhà chỉ có một mình đó, anh trăn trở về gia đình ở quê, vì cái duyên chưa bến đỗ của mình.
Anh thích yên tĩnh, nên thường làm việc và tư duy hiệu quả ở những nơi như thế – tĩnh tại và trong mát cây xanh. Nhiều mô hình quản lý đã bất ngờ đến với anh cũng chính từ thiên nhiên. Mô hình con cua phát triển doanh nghiệp bền vững đã đến từ một lần anh ra biển Vũng Tàu. Mô hình con kiến nhìn có vẻ lộn xộn nhưng lại luôn tha mồi hiệu quả vì có chung mục tiêu…
Nơi cửa chùa anh tựa nhờ suốt hai năm cuối đại học, một vị sư đã trả lời cho anh câu hỏi: “Khi nào con nói chuyện hay?”. “Đó là khi con đọc sách nhiều, con là người nói chuyện được. Con sẽ là người nói chuyện hay khi nào con nói chuyện mà một người nông dân cày ruộng hiểu thấu đáo con, và một người đèn sách tôn trọng con”. Có lẽ anh Năm là người làm được điều đó. 

Theo tuvanchienluoc.vn