Cuộc chiến quen thuộc giữa Microsoft và Apple luôn xoay quanh vấn đề về các loại máy tính cá nhân với các câu hỏi: hệ vận hành nào hoạt động chính xác hơn, nền tảng nào vượt trội hơn.
Bất chấp lòng trung thành bất diệt của các tín đồ Mac OS X thì vẫn thật khó để trốn tránh một sự thật: Hệ điều hành Microsoft Windows có một thị phần gấp khoảng 18 lần. Tuy nhiên, Apple đã tìm ra một “chân lý” marketing có thể giúp cho hãng giành lại một phần thị phần và xác định được đường đi nước bước của mình.
Ở một khía cạnh nào đó thì không hề có ranh giới phân chia giữa khách hàng và doanh nghiệp mà chỉ có một sự phác họa rõ ràng giữa đồ chơi và đồ dùng. Và sự phác họa này cũng đang ngày càng mờ nhạt vì các công nghệ mới có đủ sức để lôi kéo khách hàng, những người có thể là nhân viên, là chủ tịch doanh nghiệp… Văn hóa doanh nghiệp đang bị buộc phải điều chỉnh để đáp ứng các nhu cầu mới này.
Và iPhone xuất hiện, xóa tan đi tất cả các dòng ranh giới hiện hữu. Từ các nhà quản trị công nghệ thông tin, các chuyên gia công nghệ, các nhà truyền thông đến đối thủ cạnh tranh nhau trong lĩnh vực smartphone đều mô tả iPhone không chỉ là một thứ “đồ chơi” với khách hàng mà hơn thế, nó là một công cụ kinh doanh. iPhone phổ biến trong giới tiêu dùng đến mức việc nó chiếm lĩnh thế giới kinh doanh là điều không thể tránh khỏi.
Apple hiểu được rằng, điều mà iPad và iPhone tâm niệm không phải là việc: tất cả các khách hàng đều là giới kinh doanh, mà là: tất cả giới kinh doanh đều là khách hàng.
Lý do khiến cho iPad mang tính cách mạng như thế và có thể đánh bại các đối thủ như HP Slate chính là nhờ vào chiến lược marketing: hướng tới một thiết bị phù hợp với tiêu dùng phổ thông và thêm các chức năng kinh doanh vào đó, chứ không phải là thiết kế một loại máy tính dùng cho công việc kinh doanh và thêm vào đó chức năng giải trí.
Hướng tiếp cận của Apple cũng là lấy lợi ích từ việc cung cấp sự nhất quán giữa những kinh nghiệm có được, bắt đầu từ giới tiêu dùng trẻ tuổi. Trẻ em có thể bắt đầu trên một chiếc iPod Touch, sau đó sẽ chuyển sang iPhone khi trưởng thành hơn và bắt đầu có nhu cầu sử dụng điện thoại di động; bước chuyển tự nhiên tiếp theo chính là các thiết bị dạng tablet có thể cung cấp các giao diện và những trải nghiệm mà khách hàng đã quen thuộc trước đó.
Một trong những nhân tố quan trọng trong thành công của Apple cũng lại là những sơ suất có thể đánh mất đi những thành công này, đặc biệt là trên thương trường. Để thu hút và giữ chân người sử dụng, Apple cần điều khiển được các tính năng của sản phẩm từ phần cứng và phần mềm đến khâu phân phối và thậm chí cả các trình ứng dụng bên thứ ba. Bản chất và mô hình kinh doanh hướng tới dẫn đầu của Google có thể hoạt động tốt ở một số lĩnh vựa nào đó, nhưng lại là vật cản trong khi tích hợp với hệ thống doanh nghiệp và các trình ứng dụng. Sự thật là, dù iPad có vĩ đại như thế nào thì cũng không thể thay thế được notebook và desktop trong các doanh nghiệp. HP Slate cũng vậy. Nhưng ít nhất, Slate cũng vẫn chạy cùng một hệ điều hành, trình ứng dụng và có những đặc tính hay khả năng mà giới doanh nhân kỳ vọng ở notebook và desktop.
Tuy nhiên, iPad cũng không cần phải thay thế máy tính notebook để trở thành một công cụ phổ biến và vô giá. Các thiết bị dạng tablet, ít nhất là như các thiết bị tablet mà Apple đã tạo ra, không phải là sự thay thế cho laptop. Nó có những giá trị riêng của mình. Giới kinh doanh vẫn cần giữ lại desktop và notebook, nhưng vẫn có thể có cả iPad (với khả năng thực hiện đến 90% chức năng của notebook) và có thể mang lại cho người tiêu dùng nhiều chức năng và sự tiện lợi hơn.
Mặt bằng công nghệ liên tục thay đổi: notebook là một loại desktop mới và iPad là một loại notebook mới. Quan trọng hơn, các mô hình công nghệ cũng đã thay đổi: người tiêu dùng, vốn là nhân viên và các vị chủ tịch, giờ đây đang trở thành lực lượng chi phối các quyết định công nghệ chứ không phải là các nhà quản trị CNTT.
Theo dangnhanh