Cùng sáp ong khởi nghiệp !

Mọi chuyện bắt đầu từ một sở thích. Năm 2004, khi David Rzepka ngỏ ý muốn nuôi một cặp ong giống trong trang trại của mình và vợ tại Cleveland, Ohio, mọi người đã tỏ ra khá nghi ngờ.

Một tháng sau, David bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình. Anh thuê nhân công và dựng những trại ong đầu tiên. Amy, vợ của David nói:

“Chúng tôi khi đó không có chút kiến thức gì về ong. Tất cả những gì tôi biết đó là chúng tôi thích”.
Với niềm yêu thích, đôi vợ chồng ở cái tuổi ngoại tứ tuần không ngại ngần bắt tay vào trau dồi kiến thức. Một năm sau đó, sau khi thu thập các mẫu mật và sáp ong thử nghiệm, David bắt đầu suy nghĩ tham vọng hơn. Anh quyết định sử dụng ngay chính tầng hầm để làm xưởng sản xuất sáp môi. Năm 2007, hai vợ chồng “nông dân” đã quyết định thương mại hóa các sản phẩm từ ong của mình. Họ mở trang web Beecology để bắt đầu sự nghiệp.

Thành công nhanh chóng
Ngày nay, Beecology đã có một sự thu hút lớn, đem về doanh số gần 200.000 USD trong năm 2011, gấp đôi doanh thu trong năm 2010 trước đó. Trước những thành công này, David tự tin tuyên bố: “Chúng tôi mong muốn tăng doanh số từ 50 tới 70% trong năm nay”.
Hiện Beecology đang cung cấp 15 mặt hàng, bao gồm xà phòng, sữa tắm, kem tẩy trắng, dầu gội đầu và dĩ nhiên là son dưỡng môi – sản phẩm lợi nhuận đầu tiên. Điểm riêng của Beecology là tất cả đều được làm từ mật, sáp ong và các chất phụ gia do ong sinh ra như nhựa ong… Trang trại ong của vợ chồng David hiện nay cũng rất tấp nập. Từ một cặp ong giống đầu tiên. Giờ anh đã sở hữu tới 20 tổ ong. Thậm chí, bấy nhiêu vẫn chưa đủ. Con đường thành công của vợ chồng David không quá dễ dàng như người ta vẫn nghĩ. Đã có những lúc xảy ra sự cố khiến tổ ong bị vỡ, cung không đủ cầu khiến nhiều khách hàng tỏ ý không hài lòng và bực bội. Những lúc đó,

David dù rất không muốn nhưng vẫn phải tìm đến những trang trại ong khác trong vùng để có nguồn cung thay thế.
Để bắt nhịp cùng các đổi mới về công nghệ và hóa học, David tìm đến lời khuyên của những người bạn trong ngành sản sản xuất xà phòng. Mỗi sản phẩm được vợ chồng David tung ra thị trường cũng là kết quả của một quá trình thử nghiệm dài và tốn kém. David chia sẻ: “Phải tốn khoảng 110 lần thử nghiệm để đưa ra mẫu kem dưỡng hay sữa tắm đúng”. Sản phẩm mới nhất mà vợ chồng David nghiên cứu là xà phòng rửa tay cũng đã tiêu tốn của vợ chồng anh tới “15.000 hay 20.000 USD tiền mua chai lọ, nhãn mác và các thiết bị mới, các nguyên liệu thô chỉ để đưa ra một mẫu thử vừa ý.” Với David: “Tôi cố gắng sử dụng những thành phần chất lượng tốt nhất và giữ vững thương hiệu dòng sản phẩm thuần túy ong theo cách tốt nhất có thể”.

Học cách phát triển
Dù không được David khẳng định, nhưng có thể nhận thấy, Beecology đang dần dần được mở rộng, từ chỗ buôn bán nhỏ lẻ trở thành thương hiệu chuyên về ong có tiếng. Trong khi David vẫn còn đang dang dở với công việc kinh doanh bất động sản, Amy dành trọn thời gian cho Beecology với sự trợ giúp của hai nhân công khác. Tuy nhiên, bấy nhiêu nỗ lực vẫn là chưa đủ. Cùng lúc phải giải quyết rất nhiều vấn đề với khâu sản xuất, Amy còn phải đương đầu với các vấn đề về bán hàng và marketing, những lĩnh vực thật mới mẻ với cô.
Amy chia sẻ: “Chúng tôi đã không nhận thấy hết được những điều cần làm để đưa ra sản phẩm mới. Có hàng tấn giấy tờ cần được kê khai và bạn phải kiểm tra từng mã ngành cũng như lấy các code hàng”. Thêm vào đó, Amy cũng phải tự học cách làm sao để quảng bá tốt nhất các sản phẩm của mình trong cuộc đua với những nhà bán lẻ toàn quốc khác.
Có thể nói, lợi thế mà vợ chồng David đang triệt để khai thác chính là nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm. Theo đó, Beecology là một sản phẩm “cây nhà lá vườn”, có nguồn gốc hoàn toàn thiên nhiên. David nhận xét: “Một số nhà bán lẻ lớn cảm thấy rất thích thú với những sản phẩm thiên nhiên của các doanh nghiệp nhỏ”.
Cuối cùng, David chia sẻ: “Bạn cần phân tích, đánh giá khách hàng cần những gì và muốn những gì, tính toán xem liệu bạn có thể đáp ứng các nhu cầu đó không, cần đến những tài sản tài chính gì và đôi khi đưa ra những lựa chọn khó khăn để đạt được điều đó”. Cũng theo David, dù phát triển tới cỡ này, anh và vợ vẫn kiên quyết không đưa ra một chiến lược dài hạn. “Bởi các chiến lược sẽ phá vỡ niềm vui thích”. Theo David, “Tôi là một người đam mê, không phải một nhà nghiên cứu kinh doanh. Chúng tôi bắt tay vào công việc bởi chúng tôi yêu điều đó. Và chúng tôi tiếp tục làm việc vì mọi người thích những sản phẩm của hãng. Điều này khiến chúng tôi cảm thấy tự hào”.

Theo Thu Hương