Khởi nghiệp với 2 chỉ vàng !

Trên con đường kinh doanh, dù đã trải qua bao thăng trầm và có lúc phải trả giá cho những quyết định quá táo bạo, nhưng chị vẫn muốn chứng minh khả năng nổi trội của bản thân.

Người phụ nữ mạnh mẽ
Một chiều thứ Bảy, những ngày đầu tháng 5. Tại Trường quay S10, Đài Truyền hình Việt Nam (844 – Đê La Thành – Hà Nội), một nhóm 10 người đã có mặt đầy đủ, ăn vận lịch sự chuẩn bị bước vào ghi hình cho chương trình CEO – Chìa khóa thành công. Trong đó, duy nhất người phụ nữ với giọng nói mạnh mẽ, sang sảng không giống như vẻ bề ngoài khiến không khí trường quay thêm phần sôi động. Đó chính là Dương Thị Kim Ngân, Chủ  tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Vận tải Thành Đạt.
Sinh ra và lớn lên tại thành phố “hoa phượng đỏ” (Hải Phòng), năng khiếu kinh doanh bẩm sinh cộng với nỗ lực làm việc cùng khả năng tìm tòi, sáng tạo, tùy cơ ứng biến, trực giác nhạy bén, tầm nhìn tốt đã giúp chị dễ gặt hái nhiều thành công.
Từng ngồi xem nhiều buổi ghi hình, nhưng lần này, tôi thực sự ấn tượng bởi cách giải quyết các tình huống trong kinh doanh của người phụ nữ này. Dù là ở vị trí người chơi chính (Tổng giám đốc – CEO) hay người đồng hành trong ban giám đốc, chị cũng thể hiện tinh thần rất quyết đoán và dám bảo vệ quan điểm của mình đến cùng trước HĐQT.
Mặc dù tình huống đưa ra trong chương trình không đúng ngành nghề, sở trường, nhưng đó đều là những tình huống đang làm đau đầu những người nắm trong tay vận mệnh đồng tiền của chính mình, các cổ đông và nhân viên. Hơn nữa, chị thích tham gia để được tiếp xúc, chia sẻ kinh nghiệm thực tế với các đồng nghiệp, học được nhiều ý kiến từ các vị trong vai trò HĐQT. “Họ có nhiều kiến thức chuyên sâu bắt buộc phải có đối với những người chủ doanh nghiệp, nếu muốn tồn tại trong cuộc chơi hiện nay”, chị chia sẻ.

Đam mê kinh doanh
Ngẫm lại mới thấy, trên con đường kinh doanh của mình, chị đã trải qua bao thăng trầm và có lúc phải trả giá cho những quyết định quá táo bạo.
Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống kinh doanh, 20 tuổi, sau khi  kết thúc học đại học, chị bắt đầu chuyển hướng sang kinh doanh lĩnh vực thẩm mỹ viện, tạo mẫu tóc theo lời khuyên của người cha quá cố.
Với vốn liếng 2 chỉ vàng (tương đương 400.000 đồng, thời điểm năm 1988), chị  đến xin học nghề làm tóc tại cửa hàng do chị bạn người Sài Gòn làm chủ. Nhưng không may, chị chỉ học được mấy hôm, thì người chị đó phải về Sài Gòn giải quyết việc gia đình và không trở lại. Cửa hàng nhượng lại cho người khác, chị vẫn tiếp tục kiên trì học việc. 6 tháng sau, khi tay nghề có phần cứng cáp hơn, chị lại vay thêm bạn thân nửa chỉ vàng để mua lại dụng cụ làm việc, mở cửa hàng của riêng mình.
Nhờ năng khiếu thẩm mỹ, tài ăn nói cùng việc nắm bắt được cơ hội khi thời điểm ngành dịch vụ cắt tóc nam còn rất mới mẻ, nên công việc kinh doanh của chị rất thuận buồm, xuôi gió. Sau 5 năm, khi tích lũy được ít vốn, chị quyết định lấn sân sang kinh doanh vận tải biển. Năm 2007, chị quyết định bỏ hẳn thẩm mỹ viện, chuyển qua kinh doanh đóng tàu mới và vận tải biển. Quyết định gia nhập cái nghề chỉ dành cho đàn ông của chị không được số đông tán dương, vì quá táo bạo.
Bỏ ngoài tai những lời khuyên ấy, chị tin vào sở trường kinh doanh có sẵn của mình và quyết tâm làm. Nhưng chị đã phải trả giá cho sự táo bạo, liều lĩnh đó. Chỉ 1 năm sau, cuộc khủng hoảng tài chính ập đến, khiến những đồng vốn chị bỏ vào đóng tàu đã không đem lại hiệu quả như kỳ vọng. Trong khi đi vay ngân hàng là ý nghĩ tích cực đối với cơ cấu vốn đầu tư của phần đông doanh nghiệp, thì với chị, đó lại là cụm từ không tưởng. “Sở hữu lượng tiền mặt lớn và đầu tư, kinh doanh bằng vốn tự có bao giờ cũng tốt hơn. Tôi quyết định dừng cuộc chơi ngành đóng tàu và chuyển kinh doanh lĩnh vực logistics và vận tải bộ, vốn không quá lớn lại dễ quản lý”, chị bộc bạch.

Tối đa hóa lợi nhuận bằng đầu tư đa ngành
Với bản tính táo bạo, cộng với lợi thế vốn tiền mặt, chị lại tiếp tục phiêu lưu trong cuộc chơi đầu tư đa ngành. Ngoài những lĩnh vực đã có kinh nghiệm (logistics, vận tải bộ), chị còn có kế hoạch đầu tư vào nhà hàng – khách sạn và bất động sản. 
Vẫn biết rằng, trong kinh doanh, chỉ quyết định đầu tư dựa trên con số biết nói, không dựa trên quan điểm, nhưng đúng là mỗi người có quan điểm đầu tư, kinh doanh khác nhau. Với chị, hiện đầu tư đa ngành lại là chìa khóa thành công. “Nếu bỏ tất cả trứng vào một giỏ, thì rất rủi ro. Tôi không muốn mạo hiểm với đồng vốn”, chị lý giải về quyết định lội ngược dòng của mình.
Trong số những quả trứng đó, bất động sản du lịch được chị kỳ vọng hơn cả. Thời gian tới, chị sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào khu đất ven biển Đà Nẵng. Nhắc tới thị trường Đà Nẵng, sự tự tin trong chị lại bùng lên, bởi chị đã có kinh nghiệm đầu tư bất động sản tại Hải Phòng và Hà Nội, thì giờ đây, thị trường Đà Nẵng là miếng bánh ngon hơn cả. “Không có lẽ gì, mà một thị trường có giá đất rẻ hơn Hải Phòng, hơn nữa còn là miền đất du lịch nổi tiếng, là một trong 6 bãi biển đẹp nhất thế giới, có khu du lịch Bà Nà, với 2 kỷ lục thế giới… lại không đem lại lợi nhuận từ phân khúc bất động sản du lịch trong tương lai”, chị nói.
Hơn nữa, đầu tư vào một thành phố du lịch, khả năng hoàn vốn bao giờ cũng nhanh hơn. Theo dự định, năm nay, chị sẽ triển khai xây dựng một số khách sạn tại Đà Nẵng, để bắt kịp xu hướng và tốc độ phát triển rất nhanh của thành phố này.
Không chỉ đầu tư mạnh vào Đà Nẵng, chị cũng đang hoàn tất mọi thủ tục để khai trương nhà hàng ăn uống tại Tonoto (Canada) vào cuối năm nay. Với hạng mục đầu tư này, một lần nữa, chị lại so sánh những lợi thế về giá đất rẻ. Một đất nước yên bình, giá nhà đất chỉ bằng 50% so với Hải Phòng và 70% so với Hà Nội, đã là lợi thế kinh doanh rất lớn so với ở Việt Nam. “Nếu không thành công như kỳ vọng, tôi cũng phải chấp nhận và coi đó như một cú vấp ngã nữa trong kinh doanh, để đổi lấy kinh nghiệm thương trường, tạo đà cho bước thành công tiếp theo”, chị tâm sự.
Hỏi rằng, sau tất cả những thất bại đã trải qua và những gì đã đạt được, chị muốn nói điều gì về bản thân? “Tôi cảm nhận rõ sự cô đơn khi lựa chọn theo nghiệp kinh doanh, dù có đam mê thế nào”. Chị kể, trong gia đình, có một mình theo nghiệp kinh doanh, không có người dẫn đường, chỉ lối. Đến khi lấy chồng, do tính chất công việc, chồng phải thường xuyên đi công tác xa, không thể tham mưu cho công việc kinh doanh, cũng như chia sẻ những trăn trở. Chị tự quyết định rồi cũng tự gánh lấy mọi hậu quả. Trong khi đó, chị vẫn phải lo công việc gia đình, nuôi dạy con trưởng thành… “Vậy nên, dù trong giới kinh doanh, tôi chưa có được vị thế mình mong muốn, nhưng tôi lại tự hào và hạnh phúc về bản thân và những gì tôi đã làm và những ý tưởng tôi sắp làm”, chị nói.
Những tưởng chị sẽ có những phút trải lòng về chiêm nghiệm trong cuộc sống, kinh doanh. Thế nhưng, chị khiến tôi bất ngờ vào lúc rời Trường quay S10. “Không có gì trên thế giới có thể thay thế sự bền bỉ, kể cả tài năng. Bên cạnh niềm tin, hành động và kỷ luật, cũng cần phải kiên nhẫn. Con đường dẫn đến thành công là một con đường dài với nhiều ngã rẽ. Niềm tin là động lực giúp bạn sẵn sàng đối mặt với thử thách. Song hành động kỷ luật mới giúp mình định hướng đúng đường đi và kiên nhẫn để có thêm sức mạnh vững bước đi đến đoạn đường cuối cùng của thành công”. Chị chia sẻ và mỉm cười nhẹ nhàng. Một hành động hiếm thấy ở vị nữ tướng mạnh mẽ này.

Theo Vũ Anh