Hợp đồng miệng, thận trọng!

Luật gia khuyến cáo nên hạn chế việc giao dịch thỏa thuận bằng miệng, nên tập thói quen ký kết thông qua văn bản. Bởi với giao dịch bằng miệng, khi xảy ra tranh chấp thì mạnh ai nấy nói, miễn sao có lợi cho mình. 
Theo đơn khởi kiện của ông Bùi Thanh Ngọc, tháng 3/2010, ông và ông Tô Kim Phụng thỏa thuận miệng với nhau về việc mua bán hoa lợi vườn xoài của ông Phụng tại xã Cam Thành Bắc, Cam Lâm (Khánh Hòa). Theo đó, ông Ngọc trả 15 triệu đồng cho ông Phụng để được quyền chăm sóc và thu hoạch xoài đến đầu tháng 12/2010.

Vào thời điểm giao kết, vườn xoài của ông Phụng vốn mới chỉ có được vài cành có hoa lác đác. Ông Ngọc thuê nhân công chăm sóc, bỏ tiền đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu. Thế nhưng khoảng tháng 6/2010, khi xoài ra hoa và đậu quả nhiều, ông Phụng ngăn cản không cho ông Ngọc chăm sóc, thu hoạch xoài. Ba tháng sau, ông Phụng cho người khác thuê vườn xoài. Vì vậy, ông Ngọc kiện yêu cầu Tòa án Nhân dân huyện Cam Lâm buộc ông Phụng bồi thường hơn 90 triệu đồng chi phí mà ông đã bỏ ra.
Về phần mình, ông Phụng thừa nhận có cho ông Ngọc thuê vườn xoài nhưng thời hạn thuê chỉ từ tháng 3 đến 7/2010, chỉ được thu hoạch xoài non và xoài già có sẵn trên cây. Sau khi thu hoạch xong, ông Ngọc đã tự ý thiến cây, chặt cành, đào gốc, chôn thuốc kích thích nên ông mới không đồng ý cho ông Ngọc thuê tiếp. Ông Phụng cho rằng chính ông Ngọc mới vi phạm hợp đồng nên không chấp nhận bồi thường.
Xử sơ thẩm hồi tháng 9/2011, Tòa án Nhân dân huyện Cam Lâm nhận định tuy là hợp đồng thỏa thuận bằng miệng nhưng đã được các đương sự thừa nhận, đã thực hiện trên thực tế nên về hình thức, nội dung đều phù hợp với quy định của pháp luật. Hai bên đương sự có mâu thuẫn về thời hạn cho thuê và thực trạng vườn xoài cho thuê nhưng đều thống nhất đây là hợp đồng thuê vườn xoài để chăm sóc rồi thu hoạch chứ không phải bán xoài sẵn trên cây. Do đó việc ông Ngọc đầu tư chăm sóc vườn xoài là phù hợp với mục đích của hợp đồng.
Cạnh đó, qua xác minh thực tế cho thấy không có dấu vết thiến cây, khoan cây nên tòa cho rằng việc ông Phụng lấy lý do này để chấm dứt hợp đồng là không có cơ sở. Việc ông Phụng không cho ông Ngọc chăm sóc, thu hoạch xoài là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng không có cơ sở và có yếu tố lỗi của ông Phụng, đã làm thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của ông Ngọc. Từ đó, tòa chấp nhận một phần yêu cầu của ông Ngọc, buộc ông Phụng phải bồi thường tổng cộng hơn 70 triệu đồng.
Ông Phụng và ông Ngọc đều kháng cáo. Xử phúc thẩm, Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhận định ông Ngọc đã thu hoạch xoài lứa đầu được 3 triệu đồng nhưng cấp sơ thẩm không xem xét để khấu trừ số tiền này trong tổng số tiền buộc ông Phụng bồi thường. Mặt khác, cấp sơ thẩm chưa thu thập khuyến cáo của nhà sản xuất đối với việc sử dụng các loại phân bón, thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu bệnh… mà chỉ dựa vào ý kiến của một cán bộ nông nghiệp để xem xét là thiếu sót. Vì vậy, tòa quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.
Tương tự, ở TP. Hồ Chí Minh cũng từng xảy ra hai vụ giao dịch dân sự bằng miệng, khi tranh chấp mỗi bên nói một kiểu khiến các tòa phải xử tới xử lui kéo dài hàng năm.
Vụ thứ nhất, hai bên đương sự thỏa thuận miệng về việc đứng tên giùm một căn nhà tại quận Tân Bình, sau đó phát sinh tranh chấp về quyền sở hữu nhà. Năm 2006, một bên khởi kiện. Ra tòa sơ thẩm, bị đơn cung cấp chứng cứ là đĩa ghi âm cuộc nói chuyện với nguyên đơn, thể hiện mình mới là chủ nhà thật sự. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm lại bỏ qua, chấp nhận yêu cầu đòi nhà của nguyên đơn. Bản án này đã bị Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh hủy vì tòa sơ thẩm không trưng cầu giám định đĩa ghi âm để làm rõ sự thật. Năm 2012, nguyên đơn chủ động rút đơn khởi kiện nên vụ việc mới chấm dứt.
Luật gia Đặng Đình Thịnh cho biết giao dịch bằng miệng được pháp luật dân sự thừa nhận trong các trường hợp không bắt buộc phải lập thành văn bản. Nhưng để giao dịch này có giá trị pháp lý, người dân phải tuân thủ một số điều kiện như người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự, hoàn toàn tự nguyện, mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Một rắc rối phổ biến trong các tranh chấp về hợp đồng miệng là chứng cứ chứng minh. Vì vậy, luật gia Thịnh cho rằng các bên đương sự khi thỏa thuận giao dịch miệng cần có người làm chứng, các biên nhận giao nhận tài sản (nếu có) cần ghi rõ chi tiết. Tốt nhất là nên ghi âm, ghi hình hoặc nhờ thừa phát lại lập vi bằng cụ thể.
Tuy nhiên, luật gia Thịnh khuyến cáo là nên hạn chế việc giao dịch thỏa thuận bằng miệng mà nên tập thói quen ký kết thông qua văn bản. Bởi với giao dịch bằng miệng, khi xảy ra tranh chấp thì mạnh ai nấy nói, miễn sao có lợi cho mình. Mặt khác, vì không có văn bản nên các nội dung thỏa thuận cũng không chi tiết, rõ ràng, dẫn đến việc bảo vệ quyền lợi là rất khó khăn.
Luật sư Phạm Tất Thắng (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cũng nhận định với giao dịch dân sự miệng, khi có tranh chấp thì khó chứng minh nội dung giao dịch. Thông thường các đương sự sử dụng chứng cứ gián tiếp là băng, đĩa ghi âm sau khi xảy ra tranh chấp. Nhưng giá trị của chứng cứ này phụ thuộc rất nhiều vào sự đánh giá chủ quan của thẩm phán, chưa kể đến chất lượng băng, đĩa ghi âm và người giám định.
Vì vậy, luật sư Thắng cũng khuyến cáo người dân nên giao dịch bằng văn bản. Trong trường hợp vì mối quan hệ thân thiết tế nhị, không tiện làm văn bản mà chỉ ghi âm thì nên lưu ý đến các chi tiết như chất lượng máy ghi âm, môi trường xung quanh, nội dung cuộc nói chuyện, thời gian và địa điểm nói chuyện…

Theo tapchitaichinh