Trước khi gặp ông Deepak Mishra – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN, tôi chỉ có vài thông tin ngắn gọn về ông: Quốc tịch Ấn Độ, lĩnh vực chuyên môn là phát triển kinh tế, quản lý nợ và chính sách tài khóa, các vấn đề về cán cân thanh toán và khủng hoảng tiền tệ… và có 14 năm làm việc cho WB. Tuy nhiên, khi gặp gỡ, trao đổi ấn tượng về ông không chỉ là những am hiểu sâu rộng về kinh tế, DN VN mà hơn cả là sự thân thiện và cởi mở, điều ít thấy ở những chuyên gia “ngoại”.
Tự nhận là người không am hiểu nhiều các lĩnh vực khác của VN ngoài kinh tế và cũng tranh thủ sau giờ nghỉ giải lao bên lề một hội nghị nên chỉ sau vài câu chuyện xã giao, ông đi thẳng vào chủ đề chính là những vấn đề của nền kinh tế DN VN. Ông Deepak Mishra cho rằng, ở bất kỳ nền kinh tế nào muốn vượt qua thách thức thì phải có đổi mới hay những cải tiến phù hợp.Việc tái cơ cấu nền kinh tế mà VN đang thực hiện cũng chính là một việc làm như vậy. Đánh giá cao việc tái cơ cấu kinh tế và dự báo VN sẽ đạt được một số thành công quan trọng về tái cơ cấu trong năm 2013. Đồng thời cho rằng năm 2013, nợ nước ngoài sẽ tăng từ 54,7 tỉ USD năm 2012 lên 59,8 tỉ USD, vốn FDI ròng vào VN sẽ đạt khoảng 7,3 tỉ USD, mức tăng tổng tín dụng vào khoảng 12.0%… “Nhưng nếu nhìn vào thực trạng nền kinh tế có thể thấy vẫn còn quá nhiều rủi ro làm cho những dự báo hôm nay sụt giảm hơn so với con số dự báo” – ông Deepak Mishra cảnh báo.
Tái cơ cấu để trở về giá trị cốt lõi
– Tôi rất tò mò và muốn biết những rủi ro đó là gì, thưa ông ?
Đó là những rủi ro từ chính nội tại nền kinh tế, chẳng hạn lạm phát cơ bản vẫn cao; mức dự trữ ngoại tệ thấp so với thế giới; việc nới lỏng các chính sách tài khóa hoặc tiền tệ có thể làm lạm phát tăng trở lại; chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng xấu đi; nợ công tăng nếu tính cả nợ dự phòng của các ngân hàng và DNNN… Đặc biệt việc triển khai chậm trễ và kém hiệu quả quá trình cải cách cơ cấu kinh tế, kể cả giải quyết nợ xấu trong ngân hàng và các DNNN đang là những “vật cản” tới tiềm năng tăng trưởng dài hạn của VN.
– Thưa ông, nói đến vấn đề tái cơ cấu kinh tế mà Chính phủ đang quyết tâm triển khai, trong đó việc các tập đoàn thoái vốn khỏi các lĩnh vực ngoài ngành và trở về đúng các lĩnh vực cốt lõi của mình hay nói đúng hơn là trở về đúng với giá trị truyền thống đang là một yêu cầu cấp bách của nền kinh tế ?
Đúng vậy! Có thể nói những nỗ lực để thoái vốn khỏi đầu tư ngoài ngành không phải kinh doanh chính thông qua các cơ chế thị trường, nhất là tái cơ cấu ở các DN trong các lĩnh vực: thương mại, xây dựng, viễn thông… tái cơ cấu ở các tập đoàn và cổ phần hóa số lượng DNNN sẽ là tín hiệu tích cực đối với nhà đầu tư về cam kết của Chính phủ. Cho dù điều này cũng có thể gây ra một số tác động từ việc cắt giảm lao động và tái cơ cấu nợ xấu…
VN dự kiến sẽ có một số chính sách để giải quyết vấn đề nợ xấu, mặc dù đây là quá trình rất lâu dài vì tính chất phức tạp của nó. Nhiều chính sách sẽ phải tốn chi phí và đến giờ thì nguồn tiền thực hiện các chính sách này vẫn chưa rõ sẽ lấy từ đâu. Nếu chi phí được lấy từ việc bơm thêm vốn vào ngân hàng bằng cách cho phép cả DN tư nhân trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này, tình hình tài khóa sẽ được ổn định và nâng cao lòng tin của nhà đầu tư. Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đang có giá rẻ, VN có cơ hội đặc biệt để giải quyết một phần nợ xấu thông qua tiếp cận vốn nước ngoài với chi phí thấp hơn nhiều so với thông thường.
– Mặc dù đã có nhiều động thái mạnh mẽ từ phía các cơ quan Nhà nước như vậy, song như ông nói, tái cơ cấu vẫn chậm và chưa đi theo đúng lộ trình đề ra. Vậy đâu là lý do của sự chậm trễ này ?
Theo tôi nguyên nhân là chính sách tài khóa của VN chưa tính đến chi phí của cải cách. Khi chúng ta nói đến cải cách, tái cơ cấu… chúng ta phải biết tốn bao nhiều tiền và tiền đó từ đâu. Điều này chưa được VN xem xét một cách kĩ lưỡng. Thông thường kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy các quốc gia đang phát triển khi tiến hành tái cơ cấu thường rất tốn kém. Nhưng nếu chúng ta càng trì hoãn, chi phí chúng ta bỏ ra lại càng cao, và nó sẽ ảnh hưởng đến động năng của toàn bộ nền kinh tế cũng như của quá trình tái cơ cấu.
Khó khăn không chỉ do tác động từ bên ngoài
– Phải thừa nhận các chính sách mà Chính phủ đưa ra là phù hợp trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt, chẳng hạn nếu thắt chặt tiền tệ thì các DN sẽ khó tiếp cận được vốn để mở rộng sản xuất, trong khi nếu lới lỏng quá thì lại gặp phải vấn đề lạm phát. Theo ông để thoát khỏi thế “mắc kẹt” hiện nay, VN cần phải làm gì ?
Thực ra trong điều hành kinh tế, khi áp dụng các biện pháp quan trọng là phải biết dùng đúng liều lượng và đúng thời điểm thì sẽ thoát khỏi thế “mắc kẹt”. Tôi ví dụ thế này để dễ hiểu, nếu ví nền kinh tế là một chiếc xe hơi thì Chính phủ chính là người lái chiếc xe đó, còn các nhà đầu tư, DN và người tiêu dùng chính là những hành khách. Vì vậy, để chiếc xe đó chạy nhuần nhuyễn trên mọi cung đường, đòi hỏi người lái xe phải biết điều chỉnh phù hợp chân ga, côn, phanh và sử dụng các số hợp lý… thì sự an toàn sẽ rất cao mà lại không tốn nhiên liệu. Nói như thế để thấy rằng, không có gì là không giải quyết được, quan trọng là phải có các giải pháp “hợp tình, hợp lý” và quan trọng là phải đúng thời điểm.
– Nói đến điểm “mắc kẹt” của “chiếc xe” kinh tế hiện nay không thể không nhắc tới vấn đề nợ xấu. Theo ông VN cần làm gì để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới ?
Có thể thấy, ở hầu hết các nước số lượng các khoản nợ xấu sẽ tăng lên rất nhanh khi nền kinh tế suy thoái. Do đó, chúng tôi rất hi vọng Chính phủ VN sẽ có những hành động quyết liệt về nợ xấu trong năm 2013. Chỉ rõ hơn các vấn đề đang xảy ra trong nền kinh tế và sau đó quyết định cơ chế giải quyết cho vấn đề này. Chúng tôi biết rằng, VN đang tìm cơ chế để giải quyết nhưng tại thời điểm hiện tại vẫn chưa có nhiều thông tin về vấn đề này. Chính phủ có thể sử dụng Cty quản lý tài sản nhưng câu hỏi đặt ra là vốn của Cty này sẽ hình thành như thế nào? Có phù hợp với khối lượng tài sản hay không? Là điều cần cân nhắc.
Theo kinh nghiệm từ các nước trên thế giới là cho phép các Cty quản lý tài sản tham gia cùng các ngân hàng yếu kém và tạo điều kiện để các ngân hàng lớn mua lại khối tài sản đó. Như vậy, khi xem xét quyết định mua lại từ một ngân hàng yếu kém, ít nhất chúng ta cũng có một sự lựa chọn đầy đủ (full option) vì hiện chúng ta không thật sự biết rõ đối với từng ngân hàng thì nên áp dụng cơ chế nào trong bối cảnh nào.
– Có ý kiến cho rằng, một trong những khó khăn của nền kinh tế VN có tác động lớn từ bên ngoài do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào ?
Tôi cho rằng, đó là một nhận định tương đối đúng. Tuy nhiên nếu xem xét kỹ thì có thể thấy hầu hết các nước gặp khủng hoảng trong giai đoạn vừa qua, kinh tế đã bắt đầu phục hồi. Trong khi đó, kinh tế VN vẫn đang bị “mắc kẹt”, điều này có thể thấy rằng khó khăn của nền kinh tế phần lớn do các yếu tố nội tại, minh chứng cho điều này là việc điều chỉnh hàng loạt các vấn đề trong nước, chẳng hạn như các nhà hoạch định chính sách đang giải quyết tình hình bằng tái cơ cấu DN Nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng, đầu tư công…và đang dần dần đạt được những tiến bộ.
XK tăng mạnh ở cả hai đầu của chuỗi giá trị
– Một vấn đề quan trọng khác của nền kinh tế VN là XK, trong năm 2012 XK được đánh giá là thành công ở hai lĩnh vực: nông sản và hàng chế tác có giá trị cao (điện thoại di động, linh kiện điện tử…). Theo ông, liệu đây có phải là những lĩnh vực mà VN nên đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới ?
Với VN hai lĩnh vực trên có thể thấy là một thành công tích cực nhất trong những năm gần đây. Điều này cũng được minh chứng khi hai lĩnh vực này tăng mạnh thì tỉ trọng XK các lĩnh vực khác đều giảm nhẹ. Chẳng hạn, hàng chế tác giá trị cao hiện chiếm khoảng 17% giá trị XK, riêng XK điện thoại di động và linh kiện đứng ở vị trí thứ hai sau dệt may và có thể trở thành ngành XK mạnh nhất vào năm 2013. Trong khi XK dầu thô giảm mạnh trong thập niên vừa qua từ gần 20% tổng giá trị XK xuống còn 8%. Tỉ trọng XK hàng công nghệ cao tăng mạnh từ dưới 4% năm 2003 lên gần 18% năm 2012, trong khi tỉ trọng hàng hóa nông sản cũng tăng nhẹ do bùng nổ thị trường hàng hóa toàn cầu và tăng khối lượng XK trong những năm gần đây, ít liên quan tới việc gia tăng chuỗi giá trị hoặc dành được phần lớn hơn trong giá trị gia tăng.
– Khách quan mà nói, nền kinh tế VN sẽ như một bức tranh chưa rõ nét, người ta có cái nhìn khả quan hơn trong dài hạn, nhưng cái nhìn trong ngắn hạn lại không thật tốt. Ông nghĩ sao về điều này ?
Theo tôi không hẳn là như vậy, năm 2013, nhiều khả năng kinh tế VN sẽ tăng trưởng nhẹ lên mức 5,5% và sẽ có những biến chuyển trong cấu trúc vì vậy tôi rất kỳ vọng sẽ có những thay đổi để ổn định các DN, đẩy mạnh cổ phần hóa, tiến bộ trong quản trị DN… Chúng tôi cũng trông đợi một sự rõ ràng trong hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng, của một số ngành công nghiệp và các chính sách đối với thị trường sẽ được kiểm soát một cách đầy đủ hơn. Vì hiện tại, sự kiểm soát thị trường đang ở mức thấp và chúng ta không muốn các vấn đề của ngành ngân hàng bị lan rộng. Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể sẽ không có nhiều khó khăn được giải quyết ngay trong năm 2013.
– Xin cảm ơn ông !
Ông Mishra tốt nghiệp bằng TS Kinh tế của ĐH Maryland (Hoa Kỳ). Bắt đầu tham gia làm việc tại WB từ tháng 2 năm 1999 với vai trò là chuyên gia kinh tế thuộc Ban Quản lý Kinh tế và Xóa đói giảm nghèo tại Washington, với nhiệm vụ chính bao gồm cung cấp tư vấn chính sách về các vấn đề quản lý tài khóa và quản lý nợ, thiết kế hệ thống giám sát quốc gia, đóng góp và xem xét các báo cáo của WB và điều phối nhóm chuyên ngành về “quản lý biến động”. Trước khi làm việc tại WB, ông là trợ giảng cho các khóa học kinh tế vĩ mô và tài chính quốc tế tại ĐH Maryland và tiến hành các nghiên cứu thị trường và báo cáo khả thi cho công ty Tata Motors (Ấn Độ). Ông cũng từng thực tập tại Hội đồng Thống đốc của Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tại Washington năm 1997.
Theo Quốc Anh