Năm 2012, Việt Nam tiếp tục rớt xuống vị trí thứ 32 trong chỉ số thường niên về thị trường bán lẻ toàn cầu (GRDI) Việt Nam do A.T.Kearney công bố. Đây đã là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam tụt hạng trong danh sách này.
Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn của nền kinh tế, nhiều nhà bán lẻ trên thế giới vẫn đổ bộ vào thị trường Việt Nam, cùng lúc những tên tuổi đã có mặt tại Việt Nam vẫn kiên trì kế hoạch mở rộng.
Khó khăn nhất thời, đầu tư dài hạn
Bất chấp khó khăn trước mắt, tiềm năng của thị trường Việt Nam là yếu tố để thu hút các “đầu tư tương lai” của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.
Theo thống kê chưa đầy đủ thì hiện đã có khoảng 20 tập đoàn bán lẻ toàn cầu đang tham gia vào thị trường Việt Nam. Trong đó, tháng 3/2012, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Aeon đã khai trương văn phòng tại TP.HCM. Hiện tại, Trung tâm mua sắm Aeon – Tân Phú Celadon đang được khẩn trương xây dựng để có thể đưa vào hoạt động trong năm 2014.
Dự án này có mức đầu tư lên đến 109 triệu USD. Chưa dừng lại ở một trung tâm, tham vọng của nhà đầu tư này là sẽ mở 20 trung tâm mua sắm tại Việt Nam cùng với mục tiêu phát triển các chuỗi cửa hàng thương hiệu Jusco và Ministop đến năm 2020.
Tại lễ khai trương trụ sở tại Việt Nam, ông Nishitohge Yasuo, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam, khẳng định: “Mức tăng trưởng tiêu dùng tại thị trường Việt Nam còn rất hấp dẫn nên chúng tôi không ngần ngại đẩy mạnh đầu tư”.
Giải thích về việc mở rộng trong thời điểm thị trường khó khăn, đại diện SUTL (Singapore) cho biết “đang đầu tư theo tiềm năng”. Thị trường Việt Nam với dân số đông và trẻ cùng nhu cầu giải trí ngày một tăng cao. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhận được nhiều ưu đãi như vị trí mặt bằng, thuế…
Về phía thị trường, theo AC Nielsen, dù người dân thắt chặt chi tiêu nhưng những loại hàng tiêu dùng nhanh, các mặt hàng thiết yếu như sữa, thực phẩm, bia… vẫn tăng trưởng tốt, chỉ một số ít các ngành hàng như điện máy là đang gặp khó khăn.
Một đặc điểm đáng chú ý nữa là tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang tăng lên rất nhanh. Hiện Việt Nam có khoảng 8 triệu người được xếp vào tầng lớp trung lưu. Đến năm 2020, con số này sẽ vào khoảng 44 triệu người và lên tới 95 triệu người vào năm 2030.
Dân số trẻ đang gia tăng thu nhập nhanh chóng khiến các nhà đầu tư nước ngoài đua nhau mở ra những trung tâm thương mại, shopping mall tại những thành phố lớn.
Nhìn vào động thái của các nhà bán lẻ nước ngoài, có thể thấy chỉ số đánh giá tiềm năng của thị trường bán lẻ không ảnh hưởng nhiều đến chiến lược mở rộng của họ.
Để chuẩn bị cho việc hoạt động của Aeon – Tân Phú Celadon trong năm 2014, ngay từ cuối năm 2011, Aeon đã tiến hành công tác tuyển dụng và đưa các sinh viên trúng tuyển vào thực tập tại các công ty thẻ tín dụng và các cửa hàng bán lẻ của tập đoàn.
Hiện tại, hệ thống cửa hàng Ministop của nhà đầu tư này đã liên kết với Trung Nguyên mở được 13 điển bán trong vòng chưa đầy một năm.
Trong khi đó, tập đoàn bán lẻ lớn của Hàn Quốc E-Mart cũng đã bắt tay với tập đoàn U&I ở Bình Dương thành lập liên doanh chuỗi siêu thị cửa hàng bán lẻ rộng khắp Việt Nam với vốn đầu tư 80 triệu USD.
E-Mart kỳ vọng đến năm 2020, E-Mart Việt Nam sẽ thiết lập hệ thống chuỗi 52 siêu thị, cửa hàng tại các đô thị lớn và tổng đầu tư sẽ tăng dần đến 1 tỷ USD.
Cũng trong năm 2012, Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Takashimaya đã đến Việt Nam và hoàn thành việc ký hợp đồng thuê mặt bằng rộng 15.000m2 tại vị trí đắc địa của trung tâm quận 1, TP.HCM.
Để chuẩn bị cho sự đầu tư chính thức vào năm 2015, hiện tập đoàn này đang tiến hành thành lập văn phòng dự án và làm thủ tục đăng ký mở công ty tại Việt Nam.
Trong khi các nhà đầu tư mới đang vào thì các nhà đầu tư ngoại đã có mặt tại Việt Nam cũng đẩy mạnh mở rộng mạng lưới. Lotte Mart hiện mới có 4 trung tâm nhưng đặt kế hoạch đạt 60 siêu thị đến năm 2020.
Thế mạnh của công ty Hàn Quốc này là sự kết hợp trên nhiều lĩnh vực như phân phối, thực phẩm, tín dụng, xây dựng, du lịch, giải trí, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh…
Trong năm 2012, nhà đầu tư này đã xúc tiến nhiều chương trình đưa hàng Việt sang Hàn Quốc. Metro hiện đã có 19 siêu thị trong cả nước và cũng đặt tham vọng sẽ mở đến 35 trung tâm trong 5 năm tới. Big C đã đạt 21 siêu thị nhưng mục tiêu ngay trong năm 2013 sẽ phát triển lên 30.
Tổng giám đốc Big C Việt Nam, Laurent Zecri, cho biết, với dân số trên 90 triệu người, mỗi năm Việt Nam có thêm 1 triệu người tiêu dùng mới, tạo ra một thị trường đang trên đà phát triển và là cơ hội hấp dẫn cho nhà bán lẻ.
“Nhiều mô hình bán lẻ đang phát triển tại Việt Nam, Big C vẫn đang lựa chọn mô hình đại siêu thị và dựa vào kênh chủ yếu là hàng tiêu dùng cho gia đình”, ông Laurent Zecri khẳng định.
Theo đánh giá chung, động thái của Metro và Big C cho thấy hai tập đoàn này muốn mở rộng và chiếm lĩnh cả thị trường nông thôn.
Hụt hơi đầu tư
Cùng lúc, các hệ thống bán lẻ nội địa phải đầu tư mở rộng, đầu tư chạy đuổi và đầu tư đón đầu… Tất cả cũng đều nhằm thoát khỏi cái bóng của các đối thủ nước ngoài.
Chỉ trong tháng 1/2013, có ít nhất 10 siêu thị, trung tâm mua sắm đi vào hoạt động trong cả nước. Trong đó, Co.opmart khai trương siêu thị tại Thanh Hóa, nâng tổng số siêu thị của đơn vị này lên 61 điểm. Hệ thống Vinatexmart đưa vào hoạt động siêu thị chuyên doanh tại Đồng Xoài (Bình Phước).
Trước đó, trong năm 2012, doanh nghiệp này cũng đã đưa vào hoạt động 16 siêu thị mới, nâng tổng số siêu thị thương hiệu Vinatexmart lên con số 81 siêu thị chuyên doanh và tổng hợp trong cả nước. Trong khi đó, hệ thống siêu thị Satra đã chính thức thay đổi diện mạo mới bằng việc khai trương lại siêu thị Satra Sài Gòn và đang chuẩn bị để ra mắt siêu thị Satra tại Thủ Đức.
Cả nước hiện có gần 700 siêu thị, khoảng 130 trung tâm thương mại và hơn 1.000 cửa hàng tiện ích. Theo kế hoạch phát triển thị trường bán lẻ hiện đại đến năm 2020: tốc độ phát triển 25 – 30%, tỷ lệ kênh bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 45%; số siêu thị sẽ đạt đến 1.300 và khoảng 350 trung tâm thương mại.
Báo cáo của Research and Markets khẳng định Việt Nam là một trong năm thị trường bán lẻ sinh lời nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011- 2015 đạt 23 – 25%/năm.
Trong lĩnh vực điện máy, ngày 10/1, Pico – một thương hiệu mạnh tại phía Bắc đã chính thức “chào sân” người tiêu dùng TP.HCM bằng sự ra đời của Trung tâm thương mại phức hợp Pico Plaza trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM với vốn đầu tư lên đến 700 tỷ đồng.
Không chỉ có hàng điện máy, Pico Plaza còn kinh doanh siêu thị tự chọn, khu thương mại và văn phòng cho thuê.
Ông Võ Duy Trường, Giám đốc Pico Sài Gòn, cho biết, doanh nghiệp này đặt mục tiêu trong 5 năm là định vị được thương hiệu trung tâm thương mại phức hợp tại TP.HCM và tiếp tục mở rộng tại một số quận ngoại ô TP.HCM.
Nhộn nhịp nhất trong thời điểm này là sự xuất hiện thêm 6 trung tâm mua sắm của Nguyễn Kim tại nhiều tỉnh, thành cả nước trong ngày 23/1. Không tiết lộ kinh phí đầu tư nhưng theo đánh giá của các chuyên gia thì số tiền không phải là nhỏ.
Trước đó, trong năm 2012, Nguyễn Kim đã đưa vào hoạt động 12 trung tâm mua sắm trong cả nước. Cùng thời điểm này, thương hiệu Dienmay.com dù ra sau nhưng cũng đã liên tục khai trương 7 điểm mua sắm mới.
Đánh giá về sự khai trương ồ ạt của các nhà đầu tư trong nước, các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm đón đầu nhu cầu mua sắm cuối năm. Nhưng quan trọng hơn là các doanh nghiệp trong nước muốn “xí chỗ” trước khi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia quá nhiều tại Việt Nam.
Nếu tính về điểm bán, hiện nay, các doanh nghiệp trong nước có số lượng hơn nhiều so với nhà đầu tư ngoại. Trong đó, Vinatexmart có 81 siêu thị, Co.opmart với 61, Citimart 19, Fivimart 13, Hapro 11, Maximark 8… Dù đang dẫn trước nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn lên kế hoạch tiếp tục mở các điểm bán mới.
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, từ nay đến năm 2015, mỗi năm Saigon Co.op sẽ vẫn mở thêm vài chục điểm kinh doanh và khoảng 10 siêu thị mới, đồng thời đầu tư vào một số đại siêu thị.
“Dịch vụ hậu cần ngành bán lẻ Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, vì thế cần có kế hoạch phát triển phù hợp, tham gia vào thị trường ở giai đoạn này là nắm lấy cơ hội và đồng thời kiến tạo nó phù hợp với chiến lược của mình”, ông Nhân cho biết.
Tiềm năng phát triển của thị trường bán lẻ rất lớn nhưng các nhà bán lẻ nội địa đang tỏ ra hụt hơi trước các đối thủ ngoại. Nhiều nhà bán lẻ do không đủ vốn hoặc không lường trước được rủi ro đã phải giảm bớt thị phần như Fivimart, Intimex.
Ông Đỗ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng, với tiềm năng như hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn nước ngoài.
“Với doanh nghiệp nước ngoài, họ kinh doanh ở nhiều nước nên khi bị lỗ nước này thì họ sẽ dùng nguồn lợi từ nước khác bù vào. Còn doanh nghiệp Việt Nam thì thị trường hẹp, tính liên kết kém, kinh doanh theo kiểu nhỏ lẻ nên rất khó cạnh tranh”, ông Phú phân tích.
Mệnh đề “thiêu thân”
Chưa hẳn nhiều tiền và có thương hiệu là có thể thành công ở thị trường Việt Nam. Hàng loạt dự án bị chậm tiến độ hay phải đóng cửa là câu trả lời cho mệnh đề này.
Ông Randy Guttery, Tổng giám đốc Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro), người từng làm cho Wal-Mart, cho rằng, không phải cứ có tên tuổi, trường vốn là có thể thành công tại thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, nhà đầu tư đến từ Mỹ rất khó vào Việt Nam.
Bởi vì, hệ thống đại siêu thị này chỉ đầu tư vào một thị trường mới nếu chứng minh rằng sau hai năm đầu tư, họ có doanh số 700 triệu USD.
Trong khi đó, dù thị trường Việt Nam rất tiềm năng nhưng không thể phát triển nhanh như thế. Ông Randy Guttery lúc đó cũng cảnh báo, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với hai đối thủ đáng gờm là Tesco và Dairy Farm.
Đúng như dự đoán của Randy Guttery, sau hơn 4 năm Việt Nam mở cửa ngành bán lẻ, Wal-Mart cũng chỉ mới… thăm dò thị trường. Dairy Farm có “dàn quân” nhưng đã có những thất bại bước đầu. Ra mắt vào tháng 10/2007, với vốn đầu tư 5 triệu USD, nhưng sau 5 năm hoạt động tại Việt Nam, Wellcome không mở được điểm bán mới và phải trả mặt bằng lại cho Công ty Đông Hưng.
Theo đánh giá của các nhà bán lẻ trong nước, thương hiệu siêu thị Wellcome vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. So với chuỗi hàng trăm siêu thị Wellcome dày đặc tại Hồng Kông và một số nước châu Á, mức độ đầu tư của Wellcome quá khiêm tốn.
Và Wellcome không thể vượt qua được ngưỡng thử thách 5 năm để tiến tới điểm hòa vốn như quy luật kinh doanh của các chuỗi siêu thị.
Bên cạnh Wellcome, cuối năm 2011, Dairy Farm cũng đã tham gia liên doanh vốn 25 triệu USD với một đối tác trong nước, khai trương siêu thị Giant, diện tích 3.500m2 tại tầng hầm trung tâm mua sắm Crescent Mall, quận 7, TP.HCM.
Giant được giới kinh doanh bán lẻ trong nước đánh giá là “đối thủ nặng ký” của Big C, Metro và Co.opmart – ba thương hiệu bán lẻ đứng đầu tại Việt Nam nhiều năm nay. Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dairy Farm Micheal Kok cũng tuyên bố sẽ mở rộng chuỗi Giant tại đây với quy mô như ở Malaysia.
Thế nhưng, sau hơn một năm xuất hiện trên thị trường, Giant cũng chưa thật sự tạo dấu ấn với người tiêu dùng và hiện nay vẫn chưa thấy nhà đầu tư này có những động thái chứng tỏ đang mở chuỗi kinh doanh.
Bên cạnh Dairy Farm, nhà đầu tư đến từ Malaysia Family Mart cũng đã gặp những trở ngại đáng kể khi đầu tư vào Việt Nam. Giữa năm 2010, sau hơn một năm xuất hiện trên thị trường, Family Mart kinh doanh không hiệu quả, buộc phải bán những mặt bằng tại Parkson cho Công ty Đông Hưng (doanh nghiệp quản lý thương hiệu siêu thị Citimart).
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Tổng giám đốc Công ty Đông Hưng: “Nhiều người vẫn cho rằng, doanh nghiệp trong nước dễ bị nước ngoài thâu tóm, nhưng không phải vậy, doanh nghiệp trong nước vẫn có thể thâu tóm nhà đầu tư ngoại”. Và việc bà Hoa mua lại bốn điểm bán lẻ của Family Mart tại Parkson là một minh chứng.
Trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ điện máy, Best Carring (nhượng quyền giữa nhà bán lẻ Best Denki Nhật Bản và Công ty Tiếp thị Bến Thành năm 2004), thương hiệu từng lọt vào “Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương”, cũng đã phải đóng cửa do kinh doanh không hiệu quả.
Ngoài việc kinh doanh không hiệu quả, một trong những lý do khiến doanh nghiệp ngoại ngán ngại là việc tìm kiếm mặt bằng. Pascal Billaud, người từng điều hành Big C Việt Nam hơn 4 năm, cho biết, giá đất ở Việt Nam quá cao so với nhiều nước trên thế giới, khiến chi phí bất động sản chiếm khoảng 60% tổng chi phí đầu tư một siêu thị.
Để có được những khu đất như ý mở siêu thị, tập đoàn này phải liên kết với các công ty phát triển dự án bất động sản để thuê lại. Những điều này chính là rào cản khiến nhiều thương hiệu bán lẻ khổng lồ như Wal-mart, Tesco, Carrefour, Auchan, Cosco, Watsons… chưa vào Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin rằng, khi kênh bán lẻ hiện đại thay thế kênh bán lẻ truyền thống trong khoảng chục năm nữa thôi thì thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến sự chuyển dịch ngoạn mục trong cuộc chơi mang tính toàn cầu này.
Theo Hồng Nga