Khởi nghiệp từ vị trí thư ký “quèn” tại Ngân hàng đầu tư Salomon Brothers, sau hơn 20 năm, Michael Bloomberg đã lập nên tập đoàn tài chính và truyền thông có tiếng trên đất Mỹ và là tỷ phú giàu thứ 11 nước Mỹ.
Hành trình đầy gian nan với nhiều nốt thăng trầm đã tạo nên hình ảnh của một doanh nhân thành đạt và nhà từ thiện có trái tim vàng. Hãy cùng nhìn lại cuộc đời doanh nhân giàu thứ 11 nước Mỹ qua những dấu mốc chính.
Sinh trưởng trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ở ngoại ô thành phố Boston (Massachusetts), Michael Bloomberg sinh đúng ngày lễ tình nhân 14/2/1942. Cha Bloomberg là kế toán viên làm việc 7 ngày một tuần tại một nông trại sữa để chu cấp cho gia đình bốn miệng ăn.
Tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân kỹ thuật điện tại trường Đại học Johns Hopkins năm 1694, Michael Bloomberg tiếp tục học thêm bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Trường kinh doanh Havard. Hai năm sau, vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ đang lên cao tại Việt Nam, Bloomberg từng xin ứng tuyển vào một vị trí trong quân đội Hoa Kỳ song không được nhận chỉ vì bàn chân quá bẹt.
Bước chân vào Ngân hàng đầu tư Salomon Brothers năm 1966, Bloomberg hưởng lương 9.000 USD/năm với vị trí thư kí quèn.
Tại một ngân hàng có tiếng như Salomon Brothers, Bloomberg phải vắt kiệt sức với điều kiện làm việc không mấy dễ chịu: phòng không điều hòa, thi thoảng mới có mấy chai bia uống cho đỡ khát. Mỗi buổi chiều, Bloomberg cùng đồng nghiệp phải đếm 6 triệu USD tiền trái phiếu và chứng khoán gửi đến ký quỹ các ngân hàng khác để vay qua đêm. Ở thời điểm những năm 80, những người làm công việc này chẳng khác gì trâu kéo cày.
Năm 1972, Bloomberg trở thành nhà buôn trái phiếu, một đối tác của Salomon Brothers. Ngày làm việc của Bloomberg kéo dài 12 tiếng, cứ thế suốt 6 ngày trong tuần.
Năm 1976, Bloomberg lên đảm nhiệm vị trí ở khối giao dịch cổ phiếu và bán hàng. Cũng trong năm này, ông kết hôn với Susan Brown và có 2 đứa con Emma và Georgina. Cặp đôi chia tay năm 1993.
CEO Salomon Brothers John Gutfreund đưa Bloomberg về đảm nhiệm mảng phát triển hệ thống máy tính. Từ vị trí danh giá ở khối giao dịch cổ phiếu về làm việc tại bộ phận còn non trẻ, đây có thể xem như lần giáng chức đầu tiên trong sự nghiệp Bloomberg. Tuy nhiên, trong cái rủi có cái may, Bloomberg có lẽ đã rất biết ơn về nốt trầm này.
Thứ 6 ngày 31/7/1981, Salomon Brothers chính thức sát nhập với Tập đoàn Phibro Corporation. Sự kiện này đã làm thay đổi cuộc sống các đối tác của Salomon Brothers, chỉ sau một đêm, nhiều người đã trở thành triệu phú.
Là một đối tác của Salomon Brothers song Bloomberg chỉ nhận được 10 triệu đô la kèm theo yêu cầu rời khỏi ngân hàng nơi ông đã gắn bó. Ngày hôm sau, thứ 7 ngày 1/8/1981, các đối tác gặp mặt với Hội đồng quản trị để quyết định chuyện “kẻ ở người đi”. Bloomberg có cuộc gặp với CEO John Gutfreund và Henry Kaufman, những người đã từng tha thiết mời Bloomberg về làm việc, chỉ để nhận được quyết định sa thải với khoản đền bù 10 triệu USD gồm tiền mặt và một số trái phiếu.
Rời bỏ Salomon Brothers, Bloomberg quyết định mở công ty chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin. Tôn chỉ của Bloomberg là mang lại tính minh bạch và hiệu quả cho người mua bán các công cụ tài chính.
Bloomberg trích 4 triệu đô đầu tư vào hệ thống máy tính sử dụng công nghệ mới nhất để cung cấp thông tin tài chính chất lượng cao cho thị trường trái phiếu. Trong căn phòng đi thuê vỏn vẹn 9 m2, Bloomberg vận dụng hết những kiến thức chuyên ngành điện máy học được từ trường đại học Johns Hopkins cùng 4 cộng sự khác mở công ty Innovative Market Solutions. Họ viết và lập trình chương trình điều khiển hoạt động của máy tính bằng dòng lệnh để những người giao dịch có đầy đủ thông tin về thị trường chứng khoán.
Năm 1982, Merrill Lynch là khách hàng đầu tiên của Innovative Market Solutions với việc lắp đặt 22 thiết bị đầu cuối và khoản đầu tư 30 triệu USD để đổi lấy 30% cổ phần trong công ty.
Sang những năm 80, công ty của Bloomberg ngày càng đạt được nhiều thành công ngoài mong đợi. Năm 1986, công ty đổi tên từ Innovative Market Systems thành Bloomberg L.P và chuyển văn phòng đến New York. Năm 1987, Bloomberg bán thêm được 5.000 thiết bị đầu cuối và cho ra mắt nền tảng hệ thống giao dịch. 1 năm sau, Bloomberg đã dư sức mua lại 30% cổ phiếu công ty mà Merrill Lynch mua trước đó với giá 200 triệu USD, nâng giá trị Bloomberg L.P lên 2 tỉ USD chỉ sau 8 năm kể từ ngày đi vào hoạt động.
Nhiều phương thức truyền thông khác cũng được Bloomberg giới thiệu vào đầu thập kỉ 90, bao gồm Bloomberg Business News, Bloomberg Radio, Bloomberg TV và Bloomberg Markets Magazine.
Thiết bị đầu cuối Bloomberg Terminal trở thành một phương tiện không thể thiếu của các nhà buôn trên thị trường trái phiếu. Năm 1998 đánh dấu con số 100.000 thiết bị đầu cuối được lắp đặt. Với giá thành 1.500 USD/tháng, Bloomberg đã đưa công ty nhỏ bé ban đầu trở thành một doanh nghiệp lãi khủng.
Văn phòng của Bloomberg L.P nay đã có mặt trên toàn thế giới, giành quyền kiểm soát nhiều thị trường. Thêm vào đó, có tới 310.000 đơn đặt tin tức tài chính và dịch vụ cung cấp thông tin. Con số nhân viên của công ty đã lên tới 15.000 người.
Năm 2001, Bloomberg tham gia tranh cử chức Thị trưởng thành phố New York với tư cách là thành viên Đảng Cộng hòa dù trước đó ông đã từng có thời gian đứng trong hàng ngũ Đảng Dân chủ. Không nhiều người đánh giá cao khả năng đắc cử của Bloomberg trong cuộc chạy đua giành vị trí danh giá này bởi tại thời điểm đó, người dân New York bỏ phiếu cho các ứng cử viên Đảng Dân chủ nhiều hơn so với Đảng Cộng hòa.
Dù tình thế không mấy thuận lợi là vậy, song Bloomberg vẫn đắc cử vị trí Thị trưởng thành phố với khoản ngân sách chi cho đợt tranh cử lên tới 74 triệu USD. Cũng chính ông là người đã có công tái thiết thành phố New York sau cuộc khủng bố ngày 11/9/2001. Bloomberg từ chức CEO và bổ nhiệm Lex Stanwick thay mình lãnh đạo công ty.
Từ khi lên nắm quyền, Bloomberg đã làm nhiều việc để đưa thành phố New York trở lại nhịp sống vốn có. Sau vụ khủng bố đẫm máu 11/9, nhiều người nghĩ New York sẽ lâm vào cảnh hỗn loạn với tình trạng tội phạm gia tăng, các doanh nghiệp phá sản và phải mất ít nhất vài năm để phục hồi. Nhờ đầu óc của một chính trị gia lỗi lạc, Bloomberg đã đưa tỉ lệ tốt nghiệp trung học lên 40% kể từ 2005, tình hình tội phạm giảm đáng kể 35%, số lượng việc làm trong các ngành sản xuất tư nhân tăng gấp đôi…
Tới nay, Thị trưởng nhận lương 1 USD/tháng đã bước sang nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp. Trong nhiệm kỳ đầu giữ chức Thị trưởng, tỉ lệ ủng hộ của người dân dành cho Bloomberg giảm chỉ còn 24%. Tuy nhiên, với đợt tranh cử rầm rộ và khoản chi ngân sách 85 triệu USD, con số này đã tăng lên nhanh chóng khi Bloomberg tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2. Năm 2007, Bloomberg tuyên bố rời Đảng Cộng hòa để trở thành một chính trị gia độc lập. Thời điểm kinh tế thế giới lâm vào tình trạng khó khăn những năm 2008 – 2009, Bloomberg quyết tâm tranh cử và tái đắc cử lần thứ 3, trở thành vị thị trưởng thứ 4 của thành phố New York đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp.
Dù chấp nhận mức lương khiêm tốn 1 USD cho công việc thị trưởng đầy áp lực song số tài sản thực tế 22 tỉ USD đã đưa Bloomberg trở thành người giàu thứ 11 ở đất Mỹ. Người ta còn cho rằng Bloomberg là người giàu nhất tại New York.
Dù nắm giữ khối tài sản khổng lồ đáng mơ ước song Bloomberg cũng đóng góp một số tiền không nhỏ cho các hoạt động từ thiện. Hơn 2,4 tỉ USD đã được đầu tư vào các lĩnh vực như sức khỏe cộng đồng, môi trường, cải cách chính phủ, nghệ thuật và giáo dục. Chỉ tính riêng năm 2011, Bloomberg đã đóng góp tới 330 triệu USD, đưa tên ông vào danh sách 50 người Mỹ hảo tâm nhất của tạp chí Chronicle of Philanthropy. Bloomberg còn tặng một khoản tiền lớn cho Trường Đại học Princeton xây dựng khu kí túc xá Emma B. Bloomberg Hall mang tên con gái ông đã tốt nghiệp ra trường.
Bloomberg có vô số dinh thự đẹp trên toàn thế giới trải khắp từ Vail đến London. Dù dinh cơ dành cho thị trưởng thành phố Gracie Mansion là một nơi hoàn hảo để sinh sống song Bloomberg lại lựa chọn biệt thự 17 triệu USD tại Upper East Side. Ngoài ra, vị tỉ phú này còn sở hữu nhiều bất động sản trị giá hàng triệu USD ở Bermuda, London, Southampton, New York, Vail, tổng cộng 11 căn biệt thự.
Không chỉ đam mê nhà đất, Bloomberg còn rất yêu thích các loại máy bay phản lực. Từng được đào tạo để trở thành phi công năm 34 tuổi, Bloomberg có niềm ham thích đặc biệt dành cho máy bay. Vị tỉ phú này hiện sở hữu chiếc Agusta SPA A109s 6 chỗ để tiện đi lại từ New Jersey đến New York và một phi cơ riêng tại sân bay Morristown Municipal. Thi thoảng, Bloomberg còn đích thân lái máy bay đưa bạn bè và các doanh nhân từ New York đến Albany. Tới năm 2016, Bloomberg còn dự định tậu thêm chiếc AgustaWestland AW609 Tiltrotor có thiết kế tương tự như máy bay quân sự V-22 Osprey.
Dù máy bay là phương tiện đi lại thường ngày của vị tỉ phú này song cũng có khi những người ta nhìn thấy Bloomberg cùng bạn gái Diana Taylor đi tàu điện ngầm. Thậm chí Diana Taylor còn đi xe bus đến nơi làm việc hàng ngày còn ngài thị trưởng thường xuyên đi tàu điện ngầm tới văn phòng làm việc ở City Hall.
Theo dddn