Giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng

UBGSTCQG cho rằng dù tỷ giá hối đoái từ đầu năm đến nay ổn định nhưng rủi ro tỷ giá vẫn lớn khi mà tỷ giá thực hiện vẫn cao hơn nhiều so với tỷ giá danh nghĩa.
Theo báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) tại cuộc họp Hội đồng Chính sách tài khóa, tiền tệ Quốc gia tháng 12, ngoài giải pháp cơ bản là xử lý nợ xấu thì còn có 2 giải pháp khác để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng, góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng trong năm 2013.
Thứ nhất đó là tăng cường cơ cấu lại nợ, đặc biệt tập trung cơ cấu lại nợ cho các đối tượng là doanh nghiệp vay tín chấp không có tài sản thế chấp và có khả năng tiêu thụ được hàng hóa.
Thứ hai là đẩy mạnh việc thành lập của Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, trên cơ sở đó đưa ra những cơ chế cụ thể nhằm sớm triển khai các hoạt động bảo lãnh vốn vay ngân hàng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Về điều hành chính sách tỷ giá năm tới, ủy ban cho rằng cần đảm bảo cân bằng giữa hai mục tiêu đó là kiểm soát lạm phát và hỗ trợ xuất khẩu. Trên thực tế, tỷ giá hối đoái kể từ đầu năm đến nay khá ổn định, tuy nhiên rủi ro tỷ giá vẫn lớn khi mà tỷ giá thực hiện vẫn cao hơn nhiều so với tỷ giá danh nghĩa.
Theo phân tích của UBGSTCQG, việc ổn định tỷ giá hay neo giữ tỷ giá danh nghĩa thấp hơn giá trị thực trong giai đoạn hiện nay hay sắp tới có thể tạo nên những tác động tích cực đến việc kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô.
Tuy nhiên, do lạm phát nước ta đã tăng cao trong thời gian dài, vì vậy trong dài hạn, kinh tế hồi phục, nhập khẩu mạnh trở lại, cần có những điều kiện chính sách tỷ giá theo hướng linh hoạt nhằm hạn chế nhập khẩu, khuyến khích xuất khẩu, hướng đồng tiền tiệm cận giá trị thực theo các có lợi cho nền kinh tế.
Hay nói cách khác, theo Ủy ban, trong dài hạn cần chủ động phá giá tiền đồng với biên độ tăng hợp lý so với tỷ lệ tăng lạm phát nhằm hạn chế nhập siêu, cải thiện sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu và tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo dddn