Làm gì để tránh phá sản cho doanh nghiệp xi măng?

Tiếp theo bài viết “Ba vấn đề của DN ngành xi măng”, báo DĐDN tiếp tục vấn đề với mục tiêu đi tìm những cơ hội, giải pháp để thoát khỏi nguy cơ phá sản cho DN nhóm ngành này.
Trên thực tế, DN ngành xi măng không hẳn đã mất hết hy vọng. Nhu cầu cho xi măng trong dài hạn là rất lớn.

Cơ hội?
VN còn thiếu và yếu toàn diện hạ tầng cơ sở “cứng” thuộc các lĩnh vực giao thông: cảng biển lớn, đường xá, cầu, khu công nghiệp lớn và hạ tầng cơ sở cho an sinh xã hội như: Trường học, nhà trẻ, bệnh vện, công viên,… Thêm vào đó, sau thời gian bùng nổ quá mức việc phát triển phân khúc nhà ở cao cấp dẫn đến việc đóng băng thị trường BĐS, việc đầu tư lĩnh vực BĐS đang chuyển hướng sang phân khúc nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp vốn có nhu cầu vô cùng to lớn nhưng rất hạn chế nguồn cung. Đây sẽ là động lực chính giúp đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước trong tương lai.
Ngoài ra, chủ trương làm đường bằng bê tông đang được hai Bộ Giao Thông và Bô Xây Dựng cụ thể hóa bằng việc thí điểm trên các trục giao thông chính thuộc QL1 và thực tế đã chỉ ra hiệu quả dài hạn của việc sử dụng đường bê tông xi măng với chủ trương bê tông hóa đường giao thông nông thôn từ đầu những năm 2000, với trên 22 nghìn km đường bê tông đã được xây dựng (gần 19 nghìn km đường cho giao thông nông thôn (80%). Song song, giá xi măng sau thời gian dài kìm hãm do sự kiểm soát giá của Nhà nước thông qua TCty Xi Măng VN dự báo sẽ tăng trở lại, khi tiến trình tư nhân hóa các Cty xi măng (nhà nước) bị thua lỗ.
Như vậy, nếu như tiêu thụ toàn ngành bắt đầu hồi phục từ 2014 và sau đó tăng trưởng bình quân 10% thì đến 2016, câu chuyện cung – cầu của ngành xi măng VN sẽ trở lên cân bằng. Do đó, đầu tư ngành xi măng VN có lẽ chỉ phù hợp với các nhà đầu tư dài hạn, có nghề và có tiềm lực tài chính.

Phác đồ điều trị
Thứ nhất, triệt để tái cấu trúc ngành xi măng. Quyết liệt thực hiện tư nhân hóa các Cty xi măng mà nhà nước đang chi phối, thoái vốn toàn bộ hoặc chỉ duy trì vốn nhà nước nhưng không chi phối hoạt động của Cty CP.
Tạo môi trường pháp lý, với các chính sách cụ thể để khuyến khích việc giải thể và hợp nhất các Cty xi măng yếu kém, hình thành các Cty xi măng lớn.
Hiện tượng thiếu minh bạch, che dấu thông tin, hạch toán giảm lỗ trên Báo cáo tài chính với mục đích cố gắng bảo toàn vốn Nhà nước cũng là cản trở lớn cho quá trình tư nhân hóa. Có thể lấy việc cổ phần hóa TCty Miền Trung (Cosevco) năm 2011 như một ví dụ điển hình. Đối với các Cty được bảo lãnh vay vốn nước ngoài để đầu tư: Để việc tư hữu hóa, tái cơ cấu có thể thực hiện được thì Bộ Tài Chính và/hoặc NHNN cần đảm bảo tiếp tục duy trì việc bảo lãnh cho chủ đầu tư mới. Đây là điều kiện tiên quyết để tiến hành bán cổ phần Cty đó. Đối với khoản nợ vay dài hạn tại các ngân hàng: Tái cơ cấu khoản nợ vay qua việc (a) Kéo giãn thời gian trả nợ thêm đủ để Cty mới có thể thực hiện việc tái cấu trúc và trả nợ vay (b) Giảm áp lực trả nợ bằng cách xóa nợ đối với các khoãn lãi vay quá hạn cũ (lãi phạt, bằng 150% lãi vay thông thường) và (c) Xem xét bổ sung hạn mức vay vốn lưu động cho DN mới thành lập sau khi M&A. Làm được điều này, ngân hàng sẽ tránh tổn thất lớn hơn.

Thứ hai, tạo môi trường pháp lý, với các chính sách cụ thể để khuyến khích việc giải thể và hợp nhất các Cty xi măng yếu kém, hình thành các Cty xi măng lớn, chấm dứt tình trạng cạnh tranh hỗn loạn hiện nay. Chủ trương của Bộ Xây dựng là khuyến khích các nhà đầu tư có nghề và có tiềm lực tài chính thực hiện mua lại và hợp nhất các nhà máy xi măng yếu kém. Chủ trương này cần được cụ thể hóa bằng các chính sách cụ thể. Đây là giải pháp căn cơ và được xem là tối ưu nhằm tập trung hóa và cải thiện tình hình hoạt động và tài chính hệ thống các nhà máy hiện mang tính phân tán và manh mún.
Thứ ba, cần xem xét điều chỉnh Quy hoạch 1488 nhằm “tiết cung” xi măng. Hiện tại, TCty Xi măng VN, Hiệp hôi sản xuất VLXD đã có kiến nghị lên Bộ Xây dựng và Chính phủ xem lại Quy hoạch 1488, không cần thiết quy hoạch đến năm 2030, đến nay vẫn chưa có phản hồi.

Theo Nguyễn Quang Thuân