DN không đặt nặng lợi nhuận và kế hoạch kinh doanh năm mới

Khả năng sinh lời trên tài sản của doanh nghiệp thấp, nếu đặt chỉ tiêu lợi nhuận cao, HĐQT sẽ không dám hy sinh để tăng trưởng lâu dài.
Những ngày cuối tháng 12 năm trước và đầu tháng 1 là thời điểm doanh nghiệp bắt đầu chốt quyền họp Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) cho năm tới.
Không ít Hội đồng quản trị (HĐQT) đã gồng mình nhận áp lực lợi nhuận từ ĐHCĐ năm ngoái và rồi nửa cuối năm 2012 phải xin điều chỉnh giảm hoặc…không xin giảm dù chắc chắn không thể hoàn thành. Kế hoạch ĐHCĐ đầu năm giao phó, đối với không ít doanh nghiệp, chỉ là hình thức. Vượt kế hoạch thì HĐQT xin thưởng, thua thì hiếm thấy doanh nghiệp nào có phương án phạt.

Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch 2013 giảm lợi nhuận
Những chỉ tiêu kinh doanh 2013 đã bắt đầu được HĐQT các công ty vạch ra. Tất nhiên, ĐHCĐ sẽ phán quyết cuối cùng thông qua hay không nhưng những kế hoạch từ HĐQT cũng đã cho thấy xu hướng khá mới năm nay: Chỉ tiêu lợi nhuận không còn là số 1.
Tại nghị quyết của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Sacom (SAM), có lẽ khi đưa ra bản dự thảo kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận dự kiến giảm 21% so với thực hiện năm 2012 thì HĐQT cũng đã chịu không ít áp lực. Đề ra kế hoạch kinh doanh thấp, HĐQT của SAM đã yêu cầu ban điều hành có những giải trình chi tiết xây dựng kế hoạch trình lên HĐQT trước khi trình ĐHCĐ 2013. Đặc biệt, HĐQT thống nhất không cho phép ban điều hành đi vay ngân hàng để đầu tư cho các dự án bất động sản.
Một số hạng mục kinh doanh chính như giãn tiến độ cho phù hợp với tình hình sử dụng nguồn vốn, hạng mục ưu tiên…đều đã được HĐQT tính tới.
Không nhiều lời giải thích cho kế hoạch 2013 khá dè dặt với 190 tỷ đồng doanh thu (với lượng cao su thành phẩm tiêu thụ 1.100 tấn), lợi nhuận trước thuế 23 tỷ đồng giảm 38,8% so với ước thực hiện năm 2012, HĐQT Công ty cổ phần cao su Thống Nhất (TNC) đã dành hơn 2/3 Nghị quyết để bàn chi tiết về Xí nghiệp chế biến nông sản Phước Hưng, Nhà máy chế biến thức ăn gia súc Hưng Long đến việc thanh lý vườn cây cao su trồng tái canh…
Ngoài SAM, TNC, đã không ít doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh của từng mảng, khó khăn, thách thức, định hướng…đều được đặt lên bàn cân để soi xét.

Giảm lợi nhuận để tái cấu trúc
Chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận là một trong những chỉ tiêu hàng đầu mà hầu hết cổ đông quan tâm. Mùa đại hội năm nào cũng xoay quanh: lãi bao nhiêu, cổ tức bao nhiêu nhưng ít cổ đông quan tâm: trong năm doanh nghiệp đã làm được những gì để “thay máu”.
Mọi lựa chọn tái cấu trúc đều phải đánh đổi. ROA (tỷ suất sinh lời trên tài sản) của các doanh nghiệp hiện nay rất thấp. Để tạo ra tài sản có mức sinh lợi tốt hơn hiện nay, doanh nghiệp buộc phải giảm lợi nhuận để tái cấu trúc. Nếu luôn đặt trên vai doanh nghiệp áp lực lợi nhuận thì họ sẽ không dám hy sinh.
Vấn đề tái cấu trúc toàn diện doanh nghiệp để đạt được hiệu quả cao hơn về lâu dài là điều cần làm. Tất nhiên, yếu tố lợi nhuận là điều không thể thiếu nhưng trong bối cảnh hiện nay, có lẽ, cổ đông cần đòi hỏi nhiều hơn HĐQT và lãnh đạo công ty về kế hoạch kinh doanh tỉ mỉ ngay từ trong ĐHCĐ hơn là chỉ yêu cầu thông số chung chung doanh thu, lợi nhuận.

Theo dddn