Nhiều doanh nghiệp Việt Nam thành lập công ty ở nước ngoài và bước đầu có lợi nhuận, tuy nhiên vẫn thiếu sự hỗ trợ từ chính sách.
Doanh nghiệp Việt mở nhiều nhà máy tại nước ngoài
Được khởi công tại Campuchia cách đây ba năm với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD, công suất 350.000 tấn/năm, nhà máy phân bón quốc tế Năm Sao Campuchia (xã Somrongthom, huyện Kiên Svay, tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia) vừa đưa vào hoạt động từ 25/12/2012. Đây là nhà máy sản xuất phân bón NPK và hữu cơ vi sinh đầu tiên có máy móc hiện đại cũng như quy mô lớn ở Đông Nam Á, do Tập đoàn quốc tế Năm Sao Việt Nam (sở hữu 90% vốn điều lệ) liên doanh với Công ty Đầu tư và phát triển Campuchia.
Ông Trần Văn Mười – chủ tịch Tập đoàn quốc tế Năm Sao – cho biết, Năm Sao còn đang xúc tiến xin cấp phép đầu tư khai thác mỏ kali ở Lào và mở thêm nhà máy sản xuất phân bón tại Myanmar.
Tương tự, tại Venezuela, Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang (DQC) đang tất bật với dự án xây dựng khu liên hợp sản xuất đèn chiếu sáng tiết kiệm. Đây là dự án có tổng số vốn đầu tư dự kiến 300 triệu USD, được Điện Quang liên doanh với Tập đoàn Dầu khí công nghiệp Venezuela xây dựng. Đến nay công trình đã triển khai và hoàn tất giai đoạn I, đưa vào vận hành từ tháng 8/2011 với công suất hiện tại 12 triệu bóng đèn/năm. Khi hoàn tất hai giai đoạn, tổng công suất thiết kế của nhà máy này sẽ lên đến 74 triệu bóng đèn/năm.
Thị trường mới mở Myanmar cũng bắt đầu đặt dấu chân của doanh nghiệp Việt. Ngoài những tập đoàn nhà nước thì doanh nghiệp tư nhân cũng đã đến gây dựng cơ sở. Tính đến nay đã bước sang năm thứ 4 tập đoàn tư nhân CT Group có mặt tại Myanmar.
Ông Trần Kim Chung – chủ tịch tập đoàn – cho hay: “Bên cạnh hoạt động thương mại hiện nay, CT Group đang tiến sâu vào thị trường này bằng lĩnh vực đầu tư. Ngoài hai dự án bất động sản tại thủ đô Yangon với tổng vốn đầu tư hơn 150 triệu USD, chúng tôi đang xúc tiến xây dựng hai nhà máy sản xuất bột mì và sản xuất mì gói tại đây”. Trong đó, nhà máy sản xuất bột mì có tổng vốn đầu tư 20 triệu USD với công suất sản xuất 90.000 tấn bột/năm, nhà máy sản xuất mì gói có tổng vốn đầu tư 3 triệu USD, công suất 2.500 tấn mì/năm.
Đã thu được thành công
Với việc đầu tư và kinh doanh tại bảy quốc gia ở ba châu lục là Lào, Campuchia, Đông Timor (châu Á); Haiti, Peru (châu Mỹ) và Mozambique, Cameroon (châu Phi), Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) hiện đạt quy mô thị trường 110 triệu dân. Tại các thị trường này, Viettel đã xây dựng được hạ tầng mạng lưới với tổng số hơn 11.000 trạm thu phát sóng 2G và 3G, xấp xỉ 59.000km cáp quang, đứng số 1 về hạ tầng mạng lưới tại Lào, Campuchia, Haiti, Mozambique.
“Tại các thị trường quốc tế, doanh thu của Viettel đạt trên 600 triệu USD. Hiện chúng tôi đang phát triển hạ tầng mạng lưới tại Peru và Đông Timor để chuẩn bị kinh doanh trong năm 2013. Ngoài ra tại Nigeria, Burkina Faso, Myanmar, Cuba, đặc biệt là châu Phi, Viettel cũng đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư” – ông Lê Đăng Dũng, phó tổng giám đốc Viettel, nhấn mạnh.
Trong năm 2011, Viettel đã chuyển về nước 40 triệu USD lợi nhuận từ những thị trường nước ngoài. Đến năm 2012, số tiền chuyển về tăng gần gấp đôi, đạt khoảng 76 triệu USD.
Với 65.000ha cao su trồng ở Campuchia và 30.000ha ở Lào, Tập đoàn Cao su Việt Nam đang bắt đầu hái những quả ngọt đầu tiên. Tại Lào, mẻ cao su đầu tiên được khai thác, trong năm 2012 lợi nhuận đạt được 38 tỷ đồng. Sang năm 2013 tổng diện tích khai thác sẽ tăng lên 9.000ha, nâng sản lượng khai thác tăng gấp đôi.
“Để phục vụ khai thác mủ cao su, chúng tôi đã xây dựng nhà máy chế biến mủ với công suất 12.000 tấn/năm tại Lào. Tới đây tập đoàn sẽ xây dựng nhà máy công suất 5.000 tấn/năm tại Campuchia. Theo kế hoạch đến năm 2015 thì bắt đầu xây dựng những nhà máy có công suất gấp đôi” – ông Phạm Văn Thành, trưởng ban kế hoạch đầu tư của tập đoàn này, cho biết.
Doanh nghiệp vẫn thiếu liên kết hỗ trợ
Đầu tư ra thị trường nước ngoài, nhiều doanh nghiệp cho biết họ vẫn còn thiếu sự hỗ trợ từ chính sách. Theo ông Trần Kim Chung, hiện thủ tục hành chính và cơ chế tín dụng chưa hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đầu tư ra nước ngoài. Ngay trong việc xin cấp phép đầu tư ra nước ngoài đối với các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng cũng mất thời gian quá lâu.
Ngoài ra ông Chung cho biết hiện số lượng các ngân hàng trong nước vươn ra nước ngoài để lập doanh nghiệp hoặc lập chi nhánh còn quá ít, hiện mới có Ngân hàng Đầu tư phát triển VN (BIDV), Sacombank… thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Điều này cũng làm các nhà đầu tư của Việt Nam gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án.
Chủ một doanh nghiệp tư nhân đang đầu tư mạnh tại thị trường nước ngoài kể đơn vị này mở hai nhà máy sản xuất tại nước ngoài nhưng quy định ở nước sở tại là phải có tiền mới cấp dự án, trong khi đó Việt Nam lại quy định có dự án mới cấp tiền.
“Nên dù làm ăn đàng hoàng nhưng chúng tôi cũng phải tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài để có được giấy phép đầu tư” – vị này nói. Tiềm lực và khát vọng của doanh nghiệp Việt là có thật. Tuy nhiên, nếu các chính sách trong nước không kịp thay đổi để hỗ trợ doanh nghiệp thì nhiều cơ hội vàng sẽ bị vuột khỏi tầm tay.
Theo dddn