Sự xuất hiện của Robert Trần, CEO Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny châu Á trong mục Spirit of Innovation của Giải thưởng Asian Innovation Awards 2012 do Tạp chí Wall Street Journal Asia (Mỹ) phối hợp với Global Entrepolis (Singapore) vừa công bố không phải là một tin quá bất ngờ.
1. Trong giới kinh doanh tại Việt Nam, Robert Trần vẫn được nhắc đến như một người tiên phong, tạo ra những bước đột phá và đổi mới cho nhiều mô hình kinh doanh mà ông đang quản lý.
Ngay khi biết Robert Trần trở thành ứng cử viên cho Asian Innovation Awards 2012, nhiều người biết ông đã tin vào một chiến thắng. Nhất là khi câu chuyện mang tên Clickcious, công ty do ông quản lý đã được Tạp chí Công nghệ Red Herring (Mỹ) đưa vào Top 100 công ty châu Á hoạt động hiệu quả và tăng trưởng nhanh nhất, được chính Red Herring giới thiệu với Wall Street Journal Asia.
Nói một chút về Clickcious với tiền thân là VietCore, một công ty trong lĩnh vực IT chuyên gia công phần mềm và cho thuê các thiết bị điện tử. Trong mắt khách hàng, VietCore khi đó đơn giản là một công ty cho thuê máy chiếu, có nghĩa là phần lợi nhuận hoàn toàn dựa vào giá dịch vụ được đánh giá rất thấp.
“Tôi trở thành Chủ tịch của VietCore khi Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny mua cổ phần và trở thành cổ đông chi phối của VietCore. Mọi việc phải thay đổi để tìm kiếm lợi nhuận. Bước một, tôi quyết chuyển hướng hoạt động, đưa VietCore trở thành một công ty quảng cáo tương tác phi truyền thống mang tên Clickcious. Nhân sự cắt giảm từ 130 xuống chỉ còn 6 người chủ chốt”, ông kể.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà vị chủ tịch này phải đối mặt là tư duy của người làm kỹ thuật đang ghim chặt cả CEO và đội quân của VietCore trước đây trong quan niệm giới hạn về marketing. Họ quá chú tâm đến máy móc, kỹ thuật, mà quên đi nhu cầu thực sự của khách hàng, điều mấu chốt quyết định thành công trong kinh doanh của một doanh nghiệp…
Hiện tại, Clickcious đang thực hiện quảng cáo tương tác cho khách hàng tại các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng và hệ thống nhà hát ở TP.HCM. Quỹ Đầu tư mạo hiểm General Atlantic cũng đã bày tỏ ý muốn đầu tư vào Clickcious, khi công ty này đạt được mục tiêu hoà vốn sau 6 tháng chuyển đổi…
2. Hiện giờ, Robert Trần đang ở Mỹ, với nhiệm vụ mới được phân giao là phụ trách thị trường Mỹ của Tập đoàn Robenny. Mục tiêu của Tập đoàn Robenny là mở cánh cửa thị trường Bắc Mỹ cho các doanh nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tầm ngắm của tập đoàn này là các doanh nghiệp Thái Lan, Campuchia, Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia… và tất nhiên là có cả doanh nghiệp Việt Nam.
Nhưng trong bối cảnh hiện tại, với những dư âm nặng nề của tình hình khó khăn vẫn đang đeo đuổi cả nền kinh tế cũng như nhiều doanh nghiệp, có cảm giác như cuộc cạnh tranh để mở cửa thị trường Bắc Mỹ ít nhiều sẽ là thách thức khó vượt qua với doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng biết đâu, với mối duyên tình sẵn có, những câu chuyện đổi ngôi kiểu Clickcious sẽ còn được Robert Trần viết tiếp trong cuốn sách dài kỳ của mình, với vai trò là chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp.
Chia sẻ suy nghĩ đầy cảm tính này với Robert Trần và nhận được cầu trả lời thẳng thắn, chuyên nghiệp đúng chất “tư vấn gia”: “Với doanh nghiệp Việt Nam, trước khi bước vào các thị trường có yêu cầu cao hơn, điều đầu tiên doanh nghiệp phải làm là đảm bảo hiểu rõ và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng các thương hiệu, sản phẩm của mình. Thiếu tiêu chí này, việc bước chân ra ngoài sẽ vô cùng khó khăn, kể cả với những thương hiệu già đời”.
Khi Robert Trần đưa thương hiệu nữ trang Vietnam Crestylla tới Mỹ, thương hiệu này đã có tuổi đời 30 năm. Nhưng đó không phải là điều kiện để bước chân vào kinh đô thời trang thế giới, khi tư duy, cách làm việc mang tính giới hạn địa phương. “Điều quan trọng nhất là quan điểm, mong muốn của người đứng đầu doanh nghiệp trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường mang tính quốc tế”, ông chia sẻ về yêu cầu phải thay đổi nguyên tắc và tư duy quản trị trong doanh nghiệp Việt Nam.
Rất tiếc, đây lại là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt. Thậm chí, ngay cả khi ý tưởng luôn song hành với các kế hoạch kinh doanh, thì tính sáng tạo, khả thi của những ý tưởng này thường bị giới hạn bởi sự e dè trước khả năng rủi ro, hay sự eo hẹp trong kinh phí.
“Có nhiều doanh nghiệp hiểu rất rõ việc phải làm, nhưng họ phân vân trong quyết định chi trả. Ví dụ, để tiết kiệm chi phí xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm, nhiều doanh nghiệp thực hiện theo kiểu 2 dồn 1, trong khi đáng ra thương hiệu doanh nghiệp do đội quản trị và bộ phận nhân sự thực hiện, còn thương hiệu sản phẩm do đội marketing làm. Hệ quả là, tiết kiệm lại trở thành lãng phí, khi mục tiêu kinh doanh không đạt được”, ông phân tích.
3. Soi lại tiêu chí của những cá nhân, doanh nghiệp đạt Giải thưởng Spirit of Innovation mà Wall Street Journal Asia đưa ra, thì tính nhảy vọt về tư tưởng và sự sáng tạo được đề cao. Thậm chí, những cá nhân, tổ chức giành được giải này được đánh giá là “kẻ chủ mưu của trí tưởng tượng, khai thác sức mạnh công nghệ để chuyển đổi cách chúng ta nghĩ, cách chúng ta kinh doanh”.
Trở lại sự thành công của Clickcious, chắc chắn, những kết quả kinh doanh qua các con số chỉ là một trong những điều kiện cần để Ban tổ chức Giải thưởng Wall Street Journal Asia cân đong các ứng cử viên. Điều kiện đủ, quan trọng hơn, có thể cũng chính là một điểm cộng để Robert Trần chiến thắng trong mục Spirit of Innovation của giải thưởng lần này, đó là ông đã hoá giải thành công tư duy kỹ thuật của CEO và đội ngũ VietCore, chuyển thành tư duy kinh doanh của Clickcious, với mục tiêu hỗ trợ khách hàng giải quyết chuyện xây dựng và kích hoạt thương hiệu, chứ không còn đơn thuần là cho thuê thiết bị. Chính Rober Trần cũng cảm thấy phấn khích bởi thành công trong chuyển dịch tư tưởng của đội ngũ nhân sự của VietCore dưới bộ cánh mới mẻ của Clickcious.
Dù không quá ngạc nhiên khi Rober Trần nhận được giải thưởng này, nhưng có thể thấy, chiến thắng trước Ban giám khảo là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu là minh chứng cho sức sáng tạo không giới hạn mà CEO Robert Trần cổ suý…
Trò chuyện với Robert Trần
Năm 2013 với ông sẽ thế nào? Sẽ bận rộn hơn. Tôi vừa được một công ty dược thú y mời quản lý 5 thị trường quốc tế của họ, bao gồm Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan và Australia. Nhưng tôi lại thích như vậy, vì sẽ được đi đây, đi đó nhiều hơn nữa.
Ông nghỉ ngơi và giải trí thế nào? Ngủ 3 tiếng một ngày. Do các múi giờ khác nhau, nên để các đội ở các quốc gia khác nhau phối hợp với nhau nhịp nhàng, tôi thường kết thúc công việc vào 6 giờ chiều, tập thế dục 2 giờ và tiếp tục làm việc vào buổi tối.
Ông không có thú vui gì đặc biệt sao? Có chứ. Đó là thể thao và xem phim. Có lẽ vì công việc phải đi nhiều nơi, có cơ hội biết nhiều chỗ, nên công việc cũng có thể xem là thú vui.
Có thể gọi ông là người chuyên vực dậy doanh ghiệp không? Tôi muốn là một chuyên gia tư vấn doanh nghiệp hoặc một nhà đầu tư hơn.
Theo Anh Hoa – Khánh An