Khi muốn tìm một công việc mới, tôi chăm chút rất nhiều cho bộ hồ sơ xin việc nhưng quả thật, tôi không đoán ra được nhà tuyển dụng sẽ nghĩ gì khi đọc hồ sơ của mình. Và tôi đã quyết định thử đặt mình vào vị trí của họ…
Nếu tôi là một nhà tuyển dụng, tôi sẽ quan tâm đến những điều sau đây, khi đọc một bộ hồ sơ của ứng viên:
Ứng cử viên có đáp ứng yêu cầu công việc?
Đây là câu hỏi không thể thiếu trong quá trình tuyển dụng. Một công ty đang tìm lập trình viên máy tính tất nhiên sẽ không phỏng vấn một ứng viên chỉ có kiến thức về nhân sự.
Tôi sẽ rất thích những bộ hồ sơ biết sắp xếp những kỹ năng và kinh nghiệm theo một trình tự hợp lý, từ đó tôi nhận thấy sự chu đáo cẩn thận của ứng viên. Không nên nộp một bộ hồ sơ chung chung cho tất cả mọi công việc mà bạn theo đuổi. Hãy dành thời gian để tạo ra nét riêng cho bộ hồ sơ, loại bỏ những thông tin không liên quan đến công việc bởi chắc chắn tôi sẽ không đủ kiên nhẫn ngồi đọc những thông tin rườm rà, tối nghĩa.
Tôi thích những con số cụ thể, rõ ràng, nói lên thành tích và những đóng góp của ứng viên ở những công việc trước.
Nhân viên có làm việc lâu dài cho công ty?
Tuyển dụng được một nhân viên tốt là cả một quá trình lâu dài, phức tạp và tốn kém. Khi đã tìm được một ứng cử viên đạt yêu cầu tất nhiên công ty không muốn sớm phải chia tay với họ, rồi lại phải bắt đầu lại công việc tìm ứng viên mới. Thế nên, nếu là tôi, tôi sẽ nhìn vào phần thâm niên làm việc của ứng viên, để xem người này “chung sống” với những công việc trước đây được bao lâu, họ có phải là người thích “nhảy việc” không, hay họ yêu sự ổn định.
Vì vậy, là ứng viên, bạn nên hiểu tâm lý này của nhà tuyển dụng để có một bộ hồ sơ phù hợp. Giả dụ bạn “nhảy” liên tục thì nên có một bộ hồ sơ đi theo trình tự năng lực và kinh nghiệm, còn ngược lại, hãy làm hồ sơ theo trình tự thời gian.
Nhà tuyển dụng cũng muốn sự đảm bảo bạn sẽ cống hiến hết mình cho công việc. Nếu bạn đã từng tham gia các khóa học chuyên môn có được các chứng chỉ liên quan hay là thành viên của một hiệp hội nhà nghề, hãy thể hiện trong hồ sơ bởi đó là một cách chứng tỏ bạn thực sự “sống chết” với nghề mình đã chọn
Ứng cử viên này có chuyên nghiệp hay không?
Tôi mà ngồi duyệt hồ sơ thì tôi sẽ loại ngay những hồ sơ thiếu chuyên nghiệp, mắc những lỗi cơ bản nhất. Chẳng hạn như có lỗi chính tả, viết đơn xin việc không ngay ngắn, câu cú à ơi,…
Một bộ hồ sơ được chuẩn bị tốt có mục tiêu cụ thể sẽ đem lại cho bạn nhiều cơ hội hơn. Khi viết hồ sơ xin việc hãy làm giống tôi, thử đặt mình vào suy nghĩ của nhà tuyển dụng, để bộ hồ sơ của bạn không bị mờ nhạt giữa vô số hồ sơ khác nhé.
Theo Careerbuilder