Lợi ích cá nhân và văn hóa công ty

Tập đoàn tài chính Goldman Sachs, với bề dày lịch sử 143 năm, quy mô lớn thứ 9 ở Mỹ, vừa qua đã bị cựu CEO, Greg Smith phanh phui những bê bối gây chấn động dư luận.
Ngày 14/3/2012 Tờ “New York Thời báo” đưa tin Greg Smith, Cựu CEO của Goldman Sachs ngay sau khi từ chức ngày 14/3/2012 đã tố cáo và phanh phui những bê bối tồn tại trong Ban lãnh đạo Tập đoàn này làm dư luận ở Mỹ và thế giới bàng hoàng.
Tờ báo cho biết Greg Smith từng tốt nghiệp Trường đại học Standford, sau đó vào làm việc cho Goldman Sachs tới nay được 12 năm. Thời gian qua, Smith được bổ nhiệm làm CEO của Goldman Sachs kiêm phụ trách nghiệp vụ sinh lời cổ phiếu Mỹ ở Khu vực Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi. Sau khi từ chức, Smith đã gặp gỡ báo giới trong đó có tờ “Thời báo New York” tố cáo những hành vi tiêu cực vô đạo đức, không có văn hóa doanh nghiệp của Ban lãnh đạo, chủ yếu là nhằm Chủ tịch Tập đoàn Goldman Sachs là Lloyd Blankfein và Tổng Giám đốc điều hành Gary D.Cohn.
Trong thư tố cáo với báo giới, Smith viết: “Tôi rất lo ngại về hành vi vô đạo đức và thiếu văn hóa doanh nghiệp của Ban lãnh đạo hiện nay, vì nó là mối đe dọa tiềm tàng có thể làm Goldman Sachs sụp đổ. Tôi rất ngạc nhiên với tư cách là người lãnh đạo một hãng tầm cỡ thế giới mà Lloyd Blankfein và Gary D.Cohn lại rất coi thường đạo đức cơ bản ngành nghề và văn hóa doanh nghiệp.” 
Smith cho biết trong nhiều lần họp Ban lãnh đạo, những người này thường gọi khách hàng của mình là “bọn muppet” (một lũ ngu si). Trong cuộc họp họ không thảo luận làm thế nào bảo vệ quyền lợi và lợi ích của khách hàng mà chủ yếu thảo luận làm thế giới để bóp nặn được nhiều tiền của khách hàng.
Smith nói: “Điều ngạc nhiên là đây không chỉ một hai lần mà trong thời gian làm việc 12 năm ở Goldman Sachs, tôi thường xuyên nghe thấy họ rủa khách hàng của mình như vậy. Là nười phụ trách hai Quỹ dự phòng lớn của Goldman Sachs, là Giám đốc của 5 Công ty quản lý Quỹ lớn của Mỹ, là Trưởng ban cố vấn của ba Công ty quản lý Quỹ lớn ở Trung Đông, Châu Á với tổng tài sản của khách hàng do tôi quản lý tới trên 1.000 tỉ USD. Đó là chưa kể tài sản khách hàng mà các chi nhánh của Goldman Sachs ở các châu lục khác quản lý. Vậy mà, ban lãnh đạo hãng lại coi thường, dùng lời ác độc rủa khách hàng của mình – những người đưa lại tài sản kếch sù cho họ. 
Trong thời gian 12 năm ở Goldman Sachs, tôi đã chứng kiến 5 nhân vật lãnh đạo chóp bu của hãng từng coi khách hàng là những “tên ngốc nghếch”. Khi nghe họ đối xử với khách hàng như vậy, tôi lạnh toát cả người và thấy phản cảm vô cùng. Những nhân vật lãnh đạo chóp bu mà không có đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, lại thêm hành vi tham nhũng thì sớm muộn doanh nghiệp đó sẽ sụp đổ cho dù họ có bề dày lịch sử và tài sản to lớn như thế nào. Nhiều hãng quy mô lớn ở Mỹ và thế giới thời gian qua đã sụp đổ do thiếu đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp là tấm gương lớn. Ngoài ra Ban lãnh đạo Goldman Sachs còn che giấu những thông tin về sự thua lỗ của Công ty, đưa ra thông tin lãi giả tạo để lừa dối và lấy uy tín của khách hàng”
Ngay sau khi thư ngỏ của Greg Smith được báo giới công bố, ngày 14/3/2012 giá cổ phiếu của Goldman Sachs trên thị trường chứng khoán đã sụt giảm 3,4% tới 2,15 tỉ USD và dư luận Mỹ cũng như trên thế giới đã mạnh mẽ lên án Ban lãnh đạo hãng này.
Ngay lập tức, Chủ tịch Tập đoàn Goldman Sachs Lloyd Blankfein và Tổng Giám đốc điều hành Gary D.Cohn liền phản ứng. Họ tỏ ra thất vọng về hành vi của Greg Smith đối với Công ty, người đã được Goldman Sachs ưu ái nay lại phản chủ. Trong thư gửi nhân viên và khách hàng, Lloyd Blankfein cho biết 89% nhân viên của hãng đều thừa nhận họ đã tận tâm phục vụ khách hàng. Tiêu chuẩn cao nhất của hãng là sự thành công của khách hàng, lời lẽ buộc tội của Greg Smith là không có cơ sở và chỉ là hành vi bôi nhọ công ty.
Tuy nhiên có những bằng chứng cho thấy năm 2007 Goldman Sachs bị Viện kiểm sát bang Connecticut tiến hành điều tra về những hành vi gian lận và thông tin giả của Goldman Sachs làm khách hàng thua thiệt tới 1 tỉ USD. Tháng 3/2010 khi Hy Lạp lâm vào khủng hoảng nợ công, Goldman Sachs đã làm cố vấn giúp Chính phủ nước này che giấu khoản nợ công của nhà nước và đẩy Hy Lạp sa lầy vào nợ công nguy hiểm như hiện nay.
Bản thân Goldman Sachs vừa qua cũng tuyên bố do thua lỗ, nên năm 2011 phải cắt giảm kinh doanh 14%, tới 22,6 tỉ USD, sa thải hơn 2.400 nhân viên và cắt giảm 21% tiền lương cho nhân viên.
John Parcell, nguời sáng lập hãng Parcell của Anh cho rằng: “Không có lửa làm gì có khói. Thư tố cáo của Greg Smith có căn cứ nhất định, vì vậy đây là đòn giáng vào Ban lãnh đạo cũng như hãng Goldman Sachs.” 
Paul Volcker, cựu Chủ tịch FED của Mỹ nói giờ đây Goldman Sachs phải minh bạch và công khai hơn nữa với khách hàng mới hy vọng xóa bỏ được “vết nhơ” về văn hóa doanh nghiệp. Đây cũng là bài học đắt giá đối với Goldman Sachs.
Jack Diamond, CEO của Morgan Chase nói: “Qua sự kiện này, Công ty sẽ trau dồi hơn nữa văn hóa doanh nghiệp của mình và không lợi dụng sự kiện này để cạnh tranh với Goldman Sachs”.
Tờ “Thời báo New York” ngày 14/3/2012 cho biết qua sự kiện về Goldman Sachs, các Tập đoàn tài chính ở Phố Wall Street đều cho rằng nếu Greg Smith cứ im lặng thì có thể tìm được chức vụ cao ở công ty khác. Việc tố cáo Goldman Sachs rõ ràng không hãng nào dám nhận Smith vào làm. Dám hy sinh lợi ích bản thân để phanh phui nội bộ của Goldman Sachs là việc làm táo bạo. Đây cũng là bài học chung về văn hóa doanh nghiệp cho các Công ty.

Theo strategy