Chúng ta đòi hỏi CEO kinh nghiệm, bằng cấp, năng lực nhưng thành viên HĐQT chỉ cần trên 18 tuổi. Lương CEO vài trăm triệu còn HĐQT chỉ vài triệu vì cổ đông nghĩ việc của họ rất đơn giản.
Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề đào tạo cho thành viên hội đồng quản trị trong các doanh nghiệp Việt Nam.
Tôi tham gia hội đồng quản trị (HĐQT) của một số công ty và học được rất nhiều từ công việc này. Tôi cũng có dịp để chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của mình về vai trò của Hội đồng quản trị với các doanh nhân trẻ. Tôi tham gia các cuộc họp HĐQT hằng tuần, hằng tháng, hằng quý… tùy thuộc vào kế hoạch làm việc của từng công ty.
Mọi thứ diễn ra ổn thỏa cho đến ngày… một số thành viên HĐQT của ngân hàng bị khởi tố. Tôi bị sốc vì 2 lý do. Thứ nhất, tôi rất kính trọng một vài vị thành viên HĐQT đó. Thứ hai, xưa nay, chủ yếu chỉ có Tổng giám đốc hoặc các cán bộ thừa hành mới bị dính đến pháp luật chứ làm gì có HĐQT.
Về nguyên tắc, HĐQT điều hành công ty bằng nghị quyết chứ không làm cụ thể. Nghị quyết mà cũng sai pháp luật sao? Trước mắt, tôi thấy các thành viên HĐQT trong các công ty mà tôi làm việc đã cẩn trọng hơn rất nhiều. Nội dung biên bản và nghị quyết đã được soi rất kỹ với nhiều góc độ để đảm bảo tính tuân thủ pháp luật. Âu đó cũng là một tín hiệu tích cực.
Suy nghĩ kỹ thì thấy, việc HĐQT sai là hoàn toàn có thể xảy ra. Chúng ta có rất nhiều trường, lớp để đào tạo CEO nhưng chưa có bất kỳ chương trình đào tạo nào dành cho thành viên HĐQT. Mà HĐQT lại là người đi thuê và chỉ đạo CEO. Ở mỗi công ty, chỉ có một CEO nhưng lại có 5-7 thành viên HĐQT. Dường như, nhìn nhận của cổ đông và chính các thành viên HĐQT đều cho rằng, đây là công việc giản đơn. Điều này, cũng thể hiện qua mức thù lao cho công việc này. CEO có thể nhận lương hàng chục triệu đến trăm triệu đồng mỗi tháng nhưng đa số thành viên HĐQT đang nhận thù lao khiêm tốn chỉ vài triệu đồng mỗi tháng.
Chúng ta đòi hỏi rất nhiều thứ ở CEO về kinh nghiệm, bằng cấp, năng lực nhưng với thành viên HĐQT thì đơn giản hơn rất nhiều, chỉ cần trên 18 tuổi là được. Không những vậy, tại nhiều công ty, từ CEO cho đến nhân viên thấp nhất đều được đánh giá kết quả làm việc thông qua các chỉ tiêu KPI cụ thể. Nhưng gần như không có thước đo nào được áp dụng để đánh giá kết quả làm việc của HĐQT.
Chưa kể, một số thành viên HĐQT, đặc biệt là những người đại diện vốn của tổ chức chỉ tham gia cho “có”, thường xuyên vắng mặt tại các cuộc họp hoặc cả năm, không có ý kiến đóng góp giá trị nào cho công ty. Các vị này không hành xử như là người chủ thực sự của công ty. Ngược lại, tại nhiều công ty nhỏ hoặc mang tính gia đình, HĐQT lại can thiệp rất sâu và lấn sân vào công việc điều hành của CEO. Các công ty như vậy thường thiếu tính minh bạch trong quản trị và trong đa số các trường hợp, CEO sẽ ra đi sau một thời gian ngắn vì không thể điều hành được.
Bên cạnh đó, việc kiêm nhiệm đồng thời 2 vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm CEO cũng đang rất phổ biến tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Điều này, pháp luật không cấm nhưng tại nhiều công ty, việc vị lãnh đạo cao nhất vừa “đá bóng, vừa thổi còi” đã ít nhiều tác động đến sự minh bạch và hệ thống kiểm soát trong quản trị doanh nghiệp, cũng như, không phát huy được vai trò và tiếng nói của các thành viên HĐQT.
Trong Diễn đàn CEO 3.0 vừa qua, một đại biểu đã đặt câu hỏi: Chúng ta đang mong muốn có 1 thế hệ CEO 3.0 nhưng đã có được những vị thành viên HĐQT 3.0 hay chưa? Và câu trả lời là chưa. Vậy thì giấc mơ về thế hệ CEO 3.0 vẫn còn xa vời.
Đã đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc thành viên HĐQT là một công việc quan trọng, cần được đào tạo, có cơ chế giám sát thích hợp và đãi ngộ tương xứng. Tôi nghĩ là, cần xem xét việc tổ chức đào tạo bài bản và cấp chứng chỉ cho những ai muốn trở thành thành viên HĐQT các công ty, trước mắt là các công ty đại chúng. Điều này, sẽ đảm bảo việc các thành viên HĐQT hiểu rõ được vai trò, trách nhiệm và các nghĩa vụ, quyền lợi có liên quan. Đồng thời, chúng ta có thể học tập mô hình quản trị công ty hiện đại, trong đó HĐQT sẽ thuê các cá nhân hay ban tư vấn độc lập và chuyên nghiệp về nhân sự, pháp lý, tài chính, chiến lược… để hỗ trợ mình.
Theo strategy