Trong Marketing, Mobile marketing là một công cụ phù hợp trong các mục tiêu sau đây:
1/ Tăng mức độ nhận biết nhãn hiệu đối với khách hàng.
2/ Tạo ra một cơ sở dữ liệu về những mối quan tâm của khách hàng.
3/ Định hướng sự chú ý của khách hàng vào các sự kiện, các hoạt động mua bán, làm tăng doanh số bán hàng.
4/ Làm tăng sự trung thành của khách hàng đối với nhãn hiệu.
Hiệu quả của mobile marketing, trước tiên có thể nhìn thấy ngay ở số lượng khách hàng sử dụng điện thoại di động ngày nay. Theo số liệu thống kê của Yankee Group, hiện có khoảng 2,4 tỷ thuê bao di động trên thế giới. Còn ở Việt Nam, số thuê bao di động đến cuối năm 2010 cũng đạt xấp xỉ 80 triệu thuê bao, và con số này sẽ còn tăng mạnh.
Quan trọng hơn, điện thoại di động là phương tiện (gần như duy nhất) ở bên cạnh các vị khách hàng suốt 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. Liệu có phương tiện nào trong số báo chí, truyền hình, đài phát thanh, internet, … có thời gian “sở hữu” khách hàng lâu đến thế?
Thêm vào đó, dựa trên cơ sở dữ liệu khách hàng mà các nhà cung cấp mạng có đượcviệc giao tiếp với khách hàng thông qua điện thoại di động có thể được cá nhân hóa cao. Đến đây, xin bạn đừng hiểu nhầm việc giao tiếp với khách hàng chỉ đơn giản là những đoạn tin nhắn giới thiệu sản phẩm – đôi khi được xếp vào tin nhắn rác – mà các khách hàng thỉnh thoảng vẫn nhận được. Ngược lại, việc gửi thông tin cũng như các hoạt động giao tiếp khác với khách hàng nên có sự đồng ý từ trước.
Ngoài ra, trong một chương trình truyền thông hỗn hợp, các phương tiện thông tin di động sẽ hỗ trợ đắc lực cho các phương tiện truyền thống như báo chí, truyền hình, phát thanh, đặc biệt là khả năng liên lạc trực tiếp, duy trì mối quan hệ gắn bó với khách hàng. Trong số các phương tiện truyền thống, thư trực tiếp hay gọi điện thoại cho khách hàng cũng có thể làm được điều này nhưng với chi phí tốn kém hơn nhiều so với việc sử dụng điện thoại di động hiện nay.
Theo Hocmarketing