Những người đàn ông nổi tiếng thế giới đương nhiên có những bài học nằm lòng, những bí quyết trong cuộc sống để đưa họ tới thành công.
Hoàng tử William – Hãy sinh ra trong một gia đình Hoàng gia
Danh tiếng và thành đạt nhiều khi không đến từ việc nỗ lực học tập và lao động, đối với những người may mắn, thành công của họ đơn giản là “sướng từ trong trứng sướng ra”. Cứ lấy Hoàng tử William của nước Anh làm ví dụ. Sinh ra trong gia đình hoàng tộc của một đất nước có tầm ảnh hưởng thế giới, chẳng khó khăn gì William có thể thu hút được sự chú ý của cả thế giới. Bài học ở đây là hãy chấp nhận rằng cuộc sống không công bằng và nhiều khi kết quả ta đạt được sẽ không tương xứng với công sức ta bỏ ra. Đó là bài học đầu tiên mà một người đàn ông mạnh mẽ cần phải chấp nhận. Nếu muốn mọi sự chảy trôi, không mất nhiều công sức mà vẫn được như ý, hãy tự hỏi: Tại sao mình không sinh ra là hoàng tử?!
Larry David – Hãy thương lấy những sai lầm
Mỗi người đều có một danh sách dài những yếu điểm, thất bại, sai lầm mà họ muốn quên đi thậm chí là tìm mọi cách để che giấu. Đó là mảng tối tồn tại trong mỗi con người và nó ảnh hưởng tới nội tâm của chúng ta. Chúng ta thường phóng đại những yếu điểm và sai lầm của mình lên rồi tự làm mình hoang mang lo lắng. Đó là gót chân Asin mà ta sợ người khác biết được. Nhưng cuộc sống sẽ đơn giản hơn, thành công sẽ dễ đạt được hơn nếu ta biết cách chấp nhận, thậm chí yêu thương, trân trọng những sai lầm ngốc nghếch ta từng phạm phải thay vì sợ hãi che giấu nó.
Larry David nổi tiếng là người hay để ý để tứ với những chi tiết vụn vặt, ông yêu cầu bản thân cũng như những người khác khi xuất hiện trước công chúng phải thật hoàn hảo. Trong mắt ông, ai cũng có vô số những lời nói hớ, những hành động không chỉnh chu. Biết được yếu điểm của mình, ông chuyển hướng mục tiêu của sự săm soi: Ông tự săm soi chính mình và những tác phẩm hài kịch mà mình tạo ra, nhờ thế mà những bộ phim hài hay nhất trong lịch sử điện ảnh Mĩ đã ra đời.
Ông biến sự soi mói, khó tính và cách nói chuyện cộc cằn của mình thành ưu thế khi lấy nó ra làm cách tếu táo ở những chương trình giao lưu trên truyền hình, Larry vì thế rất được khán giả yêu thích bởi sự thẳng thắn và chân thật. Không có tính cách này, David không còn là David. Vì sự khó tính và cộc cằn của mình, ông đã trở thành một trong những nghệ sĩ hài hước nhất của Mĩ.
Jack Dorsey – Chẳng tội gì không quảng cáo bản thân
Đã từng có thời, người Mĩ cũng tin rằng “hữu xạ tự nhiên hương”. Những ai thích quảng cáo bản thân, thích nói về mình và chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình quá nhiều đều bị coi là “thùng rỗng kêu to”, khó mà thành công được. Nhưng cách suy nghĩ đó đã trở nên lỗi thời khi Jack Dorsey sáng tạo ra trang Twitter.
Ý tưởng của Dorsey rất đơn giản, anh chỉ muốn tạo ra một trang mạng xã hội ở đó mọi người có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình trong giới hạn 140 từ. Ý tưởng này đã góp phần thay đổi diện mạo ngành truyền thông Mĩ. Giờ đây, những bạn trẻ muốn thể hiện bản thân, những người nổi tiếng muốn gia tăng ảnh hưởng đều sẽ lập một tài khoản Twitter và chia sẻ suy nghĩ của mình trước một hiện tượng hoặc sự kiện xảy ra trong cuộc sống. Nếu bạn là người hay suy nghĩ và chiêm nghiệm, có nhiều suy nghĩ hay ho thú vị, bạn có thể sẽ trở nên nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng bằng cách sử dụng Twitter. Nó là cách để PR bản thân nhờ chiếc máy tính mà chúng ta ngày ngày phải gắn chặt để học tập và làm việc. Càng ngày Twitter càng được sử dụng rộng rãi và khiến người ta tin rằng mỗi cá thể là một sự độc đáo riêng có với cả những điểm tốt và điểm xấu.
George Clooney – Cứ vui đi, đừng buồn phiền làm gì
Cách hữu hiệu để kìm bước tiến của bản thân là hãy lo lắng thật nhiều và liên tục thay đổi hướng đi.
Không ai có thể phủ nhận thành công của tài tử George Clooney, ông luôn xuất hiện trước công chúng với hình ảnh vui vẻ thoải mái nhất, trong từng vai diễn và trong mọi phút giây đời thường. Ông không bao giờ tỏ ra lo lắng hoặc bận tâm vì những vấn đề rắc rối xảy ra. Ông muốn mọi người thấy rằng mình đang tận hưởng từng phút giây cuộc sống và thành công đến với Clooney theo cách đó. Ông tìm được niềm vui ngay cả khi phải đối mặt với những tai tiếng hay khó khăn trong sự nghiệp.
Ông hay dùng hình ảnh ví von để nói về thành công của mình: Nếu một người làm nghề vắt sữa bò luôn đau đáu muốn trở thành người đưa thư, anh ta sẽ không bao giờ cảm nhận được niềm vui trong công việc hiện tại và không bao giờ đạt tới đỉnh cao trong công việc của mình. Muốn thành công phải yêu lấy những gì mình đang làm.
Julian Assange – Dám đương đầu
Nếu bạn tuân theo mọi quy tắc trong cuộc sống ngoan ngoãn như một chú cừu, bạn sẽ không thể tiến xa. Người thành công dám làm trái luật chơi và đặt cược vào những vận hội đến trong đời.
Julian Assange là người đã lập nên trang WikiLeaks. Nhiều năm trước, ông chỉ là một nhà báo bình thường. Nhưng từ khi ông tạo ra website này và tiết lộ những thông tin mật của chính phủ Mĩ, cái tên Julian Assange đã khiến dư luận xôn xao, thế giới kinh ngạc, ông trở thành một trong những nhà báo có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Dĩ nhiên cái giá phải trả cho sự nổi tiếng “ngược dòng” này không hề nhỏ và cũng gây ra không ít tranh cãi. Cuộc sống của Julian có lẽ sẽ yên ả hơn rất nhiều nếu ông không cho ra đời trang WikiLeaks, nhưng cuộc đời cũng như một bản nhạc, muốn có nốt thăng phải có nốt trầm. Thăng trầm sẽ khiến cuộc sống trở nên đáng sống và thú vị hơn nhiều thay vì một nhịp sống nhàm tẻ như một đường thẳng.
Mark Zuckerberg – Đừng “xoắn quẩy” vì những gì người khác nói
Đã đến thời mà bàn phím có thể biến những người bình thường thành những nhà phê bình lỗi lạc. Khi cuộc sống riêng tư giờ đây được công khai trên các trang mạng xã hội, những người xung quanh có thể dễ dàng bình luận về bạn. Hậu quả là chúng ta thường để ý quá nhiều tới những gì người khác nói. Facebook đã trở thành hiện tượng văn hóa trong nhiều năm nay, người sáng tạo ra nó ban đầu vẫn mai danh ẩn tích trong cộng đồng mạng. Một bộ phim có tên The Social Network ra đời và quảng cáo rầm rộ cho Facebook cùng người sáng lập ra nó – Mark Zuckerberg. Trong phim anh được khắc hoạ như một Bill Gates thứ hai. Lúc đó, Facebook chưa phổ biến như bây giờ và nhiều người nghĩ rằng “thằng cha này bị điên”. Nhưng Mark không lăn tăn trước những bình luận tiêu cực của mọi người về mình.
Anh đón nhận tất cả những ý kiến đó, thậm chí còn đồng tình vói chúng. Anh công nhận rằng bộ phim có nhiều chi tiết chưa đúng sự thật, nhưng không thể phủ nhận nó là một bộ phim hay và khiến Zuckerberg được mọi người biết tới. Năm 2011, dư luận đã không còn bàn tán về bộ phim mà thay vào đó cái tên Zuckerberg không ngừng được nhắc tới – một trong những tỉ phú trẻ nhất thế giới. Giờ đây có ai dám nghĩ Zuckerberg là một kẻ điên dồ, ngạo mạn? Đừng tốn thời gian lo lắng về những gì người khác nghĩ về bạn. Khi họ tốn thời gian để tán phét, bình luận về bạn, hãy sử dụng thời gian thông minh hơn họ để đạt được điều mình muốn.
Steve Jobs – Cải tiến, đừng bắt chước
Nhiều thập kỷ trước đây, Steve Jobs là người đầu tiên trình làng chuột máy tính và hệ điều hành kiểu mới khiến những chiếc máy tính trở nên dễ dàng sử dụng. Đồng thời, những cải tiến của Apple cũng khiến giá thành của những chiếc máy tính có hình quả táo cắn dở trở nên quá đắt và nhiều đối tượng khách hàng không thể mua nổi. Trong quá trình hoàn tất bảng mã cho hệ điều hành kiểu mới này, thiên tài máy tính Bill Gates đã được nhận vào công ty. Gates nhanh chóng nắm được các thông tin và tìm ra cách xử lý cho những vấn đề phát sinh. Ông cho ra đời hệ điều hành Windows của riêng mình với giá thấp hơn nhiều so với Apple. Máy tính của Apple không thể cạnh tranh với Windows xét trên tiêu chí giá thành.
Khi có nhiều công ty sản xuất phần bắt đầu xuất hiện ồ ạt trên thị trường, chất lượng bắt đầu trở thành vấn đề nóng, bởi sản phẩm tới tay khách hang thường không đáp ứng được kỳ vọng của họ. Apple thì khác, họ cho ra những sản phẩm chất lượng cao với những tính năng hoàn hảo. Máy tính dần trở nên quan trọng trong công việc và khách hàng nhận ra rằng chất lượng những sản phẩm của Apple xứng đáng với giá của nó. Apple trở thành công ty sản xuất máy tính thuộc hàng “đại gia”.
Nhưng Jobs không hài lòng ở đó, ông vẫn tiếp tục cải tiến sản phẩm để có những cách tân mới mẻ khác với sự ra đời của iPod, iPhone, iPad. Chúng dần trở thành một phần cuộc sống của người sử dụng. Dù có vô số công ty ăn theo và cho ra máy nghe nhạc MP3, điện thoại thông minh cảm ứng, máy tính bảng…, những công ty này vẫn không thể nào bì nổi tần xuất cải tiến và phát minh khủng của Apple.
Trong nhiều năm, Job được coi là người thành công thứ hai sau Gates, nhưng những nỗ lực không ngừng để cải thiện sản phẩm của mình thay vì đi sau và nhái theo những sản phẩm của người khác đã khiến Jobs trở thành nhân vật quyền lực hàng đầu trong ngành sản xuất máy tính. Bài học ở đây là: Nếu bạn muốn đạt được thành công, giành được quyền lực và có tầm ảnh hưởng lớn, đừng nhìn xem xung quanh mọi người đang làm gì. Hãy tự tạo ra con đường của bạn và khiến người khác phải đi theo mình. Không ai có thể trở thành số 1 nếu họ cố gắng để làm giống một ai đó, khi đó dù cố gắng thế nào, họ cũng chỉ là số 2.
Theo strategy