Là người mới khởi sự kinh doanh, hẳn bạn còn nhiều điều phải lo nghĩ về tương lai của doanh nghiệp mình. Chúng tôi có ba lời khuyên nhỏ cho những ông chủ đang trên bước đường tìm kiếm thành công.
1. Cẩn thận trong mọi quyết định
Từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành, chúng ta tồn tại trong một môi trường toàn những nguyên tắc. Khi còn bé, cha mẹ nói với chúng ta những việc nên và không nên làm. Họ thay ta quyết định tất cả mọi việc. Khi đến tuổi đi học, thầy cô giáo là người kiểm soát và điều khiển chúng ta. Hoạt động ngoại khóa, chúng ta phải tuân theo mệnh lệnh người phụ trách.
Rồi chúng ta đi làm. Chúng ta tiếp tục phải tuân theo mệnh lệnh của các ông chủ. Công việc ngập đầu, không bao giờ được làm theo ý mình, chúng ta gần như phát điên, và chúng ta quyết định lập một công ty riêng, tự mình làm ông chủ.
Nếu bạn là một trong số “chúng ta” trên đây, tức là bạn đã bắt đầu được tự quyết định và tự làm điều mình muốn. Nguy hiểm bắt đầu nảy sinh. Sau thời gian tù túng, bạn bắt đầu xả hơi trong khi công ty non trẻ đang rất cần người chèo lái. Buổi sáng, ông chủ trẻ băn khoăn: đến công ty hay đi chơi golf? Rồi một cuộc alo cho cậu bạn. Bạn quyết định đi chơi.
Hãy cảnh giác, giờ đây, khi không còn phải làm theo ý người khác, bạn bắt đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho những việc mình làm. Mỗi quyết định của bạn đều có kết quả hoặc tốt hoặc xấu, và nó ảnh hưởng trực tiếp đến công ty bạn, đến bạn.
Nếu sai lầm, bạn có thể phá sản. Do phải chịu ảnh hưởng quá lâu từ người khác, suy nghĩ của bạn có thể chưa chính chắn. Hãy tự đánh giá lại về bản thân, xem xét những lời khen chê của mọi người dành cho mình. Bạn phải là chính bạn với bản chất thật của mình chứ không dựa vào nhận xét của mọi người.
2. Chọn đối tượng để tham khảo ý kiến
Trước khi lập công ty, bạn phải nói cho mọi người biết về kế hoạch kinh doanh của mình. Trong nhiều trường hợp, người đầu tiên góp ý cho kế hoạch đó là cha mẹ bạn. Rủi thay, hai người thân thiết nhất của bạn lại thường có khuynh hướng không ủng hộ quyết định có tính mạo hiểm của con mình. Họ luôn sợ bạn vấp ngã.
Nên chăng, hãy tham khảo ý kiến từ bạn bè trước đã, hãy chọn những người đang làm cùng lĩnh vực bạn đình kinh doanh, tìm kiếm những người có nhiều kinh nghiệm và có tầm nhìn xa trông rộng. Và tự hỏi chính mình, tự thẩm vấn lại khả năng và sở trường của bản thân.
Bố mẹ Bill Gates đã từng rất thất vọng khi cậu con trai không đi theo nghề luật sư như mong muốn của họ. Ngày đó, nếu Bill Gates không quyết tâm đi theo con đường riêng đã chọn, liệu ông có phải là một tỷ phú nổi tiếng toàn cầu như hôm nay?
3. Tầm nhìn chiến lược
Bạn cần có một tầm nhìn chiến lược cũng như sự chuẩn bị sẵn sàng cho sự phát triển của doanh nghiệp mình trong tương lai. Trong quá trình điều hành kinh doanh, hãy luôn ghi nhớ mục đích cuối cùng của doanh nghiệp. Hãy xác định các mục tiêu, thực hiện đúng kế hoạch đã đặt ra và cập nhật, theo sát những thay đổi cũng như các kết quả đạt được.
Đừng sợ thất bại, bởi vì nó là một phần chướng ngại tất yếu mà bạn phải vượt qua trên con đường dẫn đến thành công.
Theo Bwportal.com