Doanh nghiệp…”hụt hơi”

Kết thúc năm 2012 đầy khó khăn, bên cạnh hàng loạt doanh nghiệp đồng thanh báo lỗ, một số ít doanh nghiệp may mắn hơn khi hoạt động có lãi, dù “hụt hơi” khá dài so với kế hoạch lợi nhuận đưa ra từ đầu năm.

Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai (HOM) vừa công bố mức lợi nhuận dự kiến năm 2012 là 90 tỷ đồng. So với kế hoạch lợi nhuận cả năm được Đại hội cổ đông thông qua là 163 tỷ đồng, Công ty chỉ đạt trên 65% kế hoạch.

Theo ông Trần Minh Sơn, người công bố thông tin của HOM, năm 2012, HOM không đạt chỉ tiêu cả về lợi nhuận và doanh thu. Nguyên nhân là, trong khi giá các nguyên liệu đầu vào như điện, than đều tăng, thì giá bán xi măng vẫn giữ nguyên. Ngoài ra, tỷ trọng sản phẩm xi măng PCB30 và clinker trên tổng sản phẩm bán ra tăng (các sản phẩm này có giá bán thấp hơn giá bán bình quân tổng sản phẩm).

Một người “anh em” của HOM trong Tổng công ty Công nghiệp xi măng (Vicem) là Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (BCC) cũng cho biết, năm 2012, dù đạt mục tiêu sản xuất 3 triệu tấn clinker và tiêu thụ 4 triệu tấn sản phẩm, nhưng nhiều khả năng, BCC khó đạt các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đề ra.

Năm 2012, BCC đặt kế hoạch doanh thu là 4.000 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm 2011, mục tiêu lợi nhuận đạt 145 -150 tỷ đồng, tăng gấp 3 so với mức lợi nhuận 46 tỷ đồng năm 2011. Đưa ra mục tiêu lợi nhuận lớn như vậy, BCC kỳ vọng, công suất dây chuyền sản xuất mới được đưa vào vận hành đã vượt 100% công suất thiết kế vào cuối năm 2011, nên năm 2012 sẽ đẩy được sản lượng tăng khá. Nhưng sức mua thị trường đã giảm khoảng 10% so với cùng kỳ, đã phá vỡ kế hoạch của BCC.

Ông Lê Huy Quân, người công bố thông tin của BCC cho biết thêm, sức cầu xi măng của thị trường giảm sút mạnh trong năm 2012 cũng là nguyên nhân khiến BCC gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh.

Tuy không đạt chỉ tiêu lợi nhuận, nhưng các doanh nghiệp xi măng nêu trên vẫn còn may mắn khi còn có mức tăng trưởng dương. Trong bối cảnh thị trường khó trong, khó ngoài như hiện nay, ngay cả Xi măng Hà Tiên 1 (HT1), một thương hiệu xi măng nức tiếng tại phía Nam, cũng đã liên tục báo lỗ do hàng bán chậm, chi phí tài chính quá cao. Năm nay, dù chưa hết năm, nhưng HT1 cũng đã lỗ gần 30 tỷ đồng.

Trước tình hình kinh doanh không thuận lợi của các doanh nghiệp xi măng, thì các doanh nghiệp cung cấp nhiên liệu cho sản xuất xi măng, trong đó có than, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành của xi măng, cũng gặp phải hệ luỵ lớn. Đơn cử, Công ty cổ phần Than Hà Tu (THT) vừa chính thức thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh năm 2012, với lợi nhuận trước thuế từ 55 tỷ đồng xuống 21,5 tỷ đồng, doanh thu từ 1.926 tỷ đồng xuống 1.457 tỷ đồng.

Theo đại diện THT, việc điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh xuất phát từ tình trạng kinh doanh của ngành than gặp nhiều khó khăn như giá bán giảm, hàng tồn kho lớn, khiến Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã quyết định giảm 5% giá bán than, 15% sản lượng đất đá bốc xúc của các đơn vị thành viên. Quyết định này làm thay đổi đáng kể chỉ tiêu kinh doanh mà TKV đã ký với THT, khiến lợi nhuận của Công ty giảm mạnh, chỉ còn gần 15,7 tỷ đồng.

Ông Phùng Văn Tuyên, người công bố thông tin của THT cho biết, THT đang nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để có thể đạt lợi nhuận 21,5 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận này, THT rất khó đảm bảo chi trả cổ tức 16-18% như kế hoạch.

Những công bố về tình trạng “hụt hơi” các chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp cho thấy hình ảnh rõ nét nhất về tình trạng sức khỏe của doanh nghiệp trong năm 2012. Với thực tế này, nhiều khả năng, năm 2013, các doanh nghiệp sẽ xây dựng kế hoạch kinh doanh sát thực tế hơn.

Điều này cũng phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế về triển vọng kinh doanh năm 2013. Theo đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, năm 2013 chưa phải là năm phù hợp để mở rộng phát triển, mà sẽ tiếp tục là một năm tái cấu trúc và quá trình này sẽ kéo dài thêm 2-3 năm nữa.

Theo Thế Hải