Những doanh nhân Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ được biết đến với thành công lớn khi tuổi đời còn rất trẻ. Phía trước họ, tiềm năng lớn nhưng thách thức cũng không hề nhỏ.
Tờ Financial Times dành riêng bài viết về những ngôi sao trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam cũng như những thách thức mà ngành công nghiệp non trẻ này phải đối mặt. Diễn đàn Kinh tế VN – báo VietNamNet trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.
Tài năng và tiềm năng
Tại thời điểm Lê Hồng Minh từ bỏ sự nghiệp tài chính đầy triển vọng của mình năm 2005 để theo đuổi niềm đam mê đối với lĩnh vực kinh doanh game điện tử, anh chưa có hình dung về tương lai phía trước.
Chàng trai 35 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, từng học Đại học Monash (Úc). Anh đã có 4 năm làm việc cho PwC và VinaCapital. Thành lập Vinagame – công ty Game trực tuyến được anh cho là một sự thử sức.
“Tôi là một người ưa mạo hiểm”, Lê Hồng Minh cho biết
7 năm sau, sự mạo hiểm đó đã được đền đáp xứng đáng. Doanh thu năm nay của VNG sẽ vượt mức 100 triệu USD, chiếm một nửa tổng doanh thu cả thị trường Internet Việt Nam. Thậm chí VNG còn nhận được sự đầu tư của cả ngân hàng hàng đầu thế giới Goldman Sachs.
Sự xuất hiện của VNG thực sự là một bước tiến lớn tại Việt Nam. VNG đã thu hút 18 triệu người dùng, chiếm đến 60% thị trường nội địa.
Thành lập công ty vào thời điểm mà tại Việt Nam kinh doanh trực tuyến còn là một khái niệm mơ hồ và quá mới mẻ. Và hầu như không có ai có kinh nghiệm về lập trình game. Nhìn trước sự phát triển chóng mặt của thị trường Internet, Lê Hồng Minh quyết định gom vốn để thành lập công ty.
Những game trực tuyến của Vinagame như Swordsman Online được đăng ký từ công ty phần mềm Trung Quốc, dành được sự quan tâm đặc biệt của giới trẻ Việt. Công ty đã đa dạng hóa hoạt động kinh doanh khi phát triển mạng xã hội, thông tin, website nhạc trực tuyến và đổi tên thành tập đoàn VNG.
Trong khi hệ thống giáo dục tại Việt Nam còn yếu kém, việc kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực Internet… Việt Nam được biết đến với sản phẩm lúa gạo hơn là những công ty Internet hay các nhà phát triển phần mềm. Thế nhưng Lê Hồng Minh là một trong số ít những doanh nhân công nghệ tuổi đã đánh thức giới trẻ yêu công nghệ của Việt Nam.
Doanh nhân Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc công ty PeaceSoft, cũng là một người có tiếng trong giới công nghệ Việt Nam. Khi còn là một học sinh trung học, phải tiết kiệm tiền ăn sáng đề mua sách về lập trình. Thành lập công ty cổ phần giải pháp phần mềm PeaceSoft và hoạt động khá thành công, vào năm ngoái, Ebay đã để mắt đến PeaceSoft và quyết định mua 20% cổ phần công ty. Ông chủ của PeaceSoft là một chàng trai trẻ sinh năm 1981.
Hồ Minh Đức, cùng bốn người bạn thân từ thuở nhỏ sáng lập ra cỗ máy tìm kiếm tiếng Việt đầu tiên tại Việt Nam. Công ty Socbay của anh có trụ sở tại một căn phòng nhỏ tại Hà Nội. Đức cho biết, anh và các bạn của mình muốn vận dụng sự hiểu biết của mình về văn hóa Viêt, ngôn ngữ Việt để tạo ra một cỗ máy tìm kiếm bằng tiếng Việt cho những người Việt – một sản phẩm tốt hơn so với các đối thủ nước ngoài.
Năm 2006, Google đã đề cập với họ về việc mua lại công ty với giá 5 triệu USD đồng thời mời họ về làm việc với mức lương 8.000 USD/tháng.
“Nếu gia nhập Google, chúng tôi có thể đã học hỏi được rất nhiều, tuy nhiên chúng tôi đã quyết định từ chối bởi cái giá mà họ đưa ra quá thấp và thực sự chúng tôi mong muốn phát triển ngành công nghệ thông tin bằng tiếng Việt để đáp ứng nhu cầu của công dân Việt Nam”, Đức cho biết.
“Tại Việt Nam, bạn cần sự kết nối”, Phùng Tiến Công – một doanh nhân công nghệ 32 tuổi cho biết. Anh chính là người thành lập ra các website âm nhạc và là nhân vật được giới yêu công nghệ khâm phục. Gần đây, anh đảm nhận chức phó Tổng Giám đốc tập đoàn MV – tập đoàn phát triển ứng dụng điện thoại di động.
Chỉ 10 năm trước thôi, việc sở hữu một chiếc điện thoại di động hay máy tính được cho là điều quá xa xỉ tại Việt Nam thì ngày nay, smartphone hay iPad tràn ngập trên các đường phố Hà Nôi, TP Hồ Chí Minh chẳng khác gì London hay New York.
Thách thức
Phải khẳng định một thực tế là Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Chỉ 10 năm trước thôi, việc sở hữu một chiếc điện thoại di động hay máy tính được cho là điều quá xa xỉ tại Việt Nam thì ngày nay, smartphone hay iPad tràn ngập trên các đường phố Hà Nội, TP.HCM chẳng khác gì Luân Đôn hay New York.
Tuy Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng, nhưng các nhà tiên phong trong lĩnh vực công nghệ tại đây lại phải đối mặt với rất nhiều thử thách. Trước tiên là trình độ giáo dục và đào tạo công nghệ thông tin chưa phát triển, chính vì thế nhiều người trong số họ phải tự học, tự mày mò.
Hồ Đức Minh cho biết, mặc dù được học công nghệ thông tin tại một trường đại học nhưng anh và các bạn của mình tự học là chính. Thầy cô chỉ dạy họ lý thuyết mà thôi.
Bên cạnh đó, các nhà chức trách lo ngại, Internet sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi của giới trẻ đồng thời áp dụng những rất nghiêm ngặt đối với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến. Việt Nam hạn chế dịch vụ game trực tuyến và các website phổ biến trong đó có Facebook.
Một số doanh nhân thừa nhận họ cảm thấy khá áp lực trước sự quản lý quá chặt chẽ của nhà nước và lo sợ, chính phủ sẽ cho đóng cửa hoạt động kinh doanh của họ sau những năm nỗ lực gây dựng.
Những chính sách của nhà nước đã khiến cho các nhà kinh doanh công nghệ của Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh trước những đối thủ nước ngoài.
Henry Nguyễn (tức Nguyễn Bảo Hoàng) Tổng Giám đốc Điều hành IDG – Tập đoàn có đầu tư vào VNG và Socbay bày tỏ, “những quy định của Việt Nam có vẻ rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài nhưng lại không công bằng cho các doanh nghiệp trong nước”.
Các doanh nhân đang lo lắng về tốc độ phát triển của công nghệ. “Công nghệ phát triển nhanh chóng mặt và đổi mới liên tục, và các công ty trong nước phải đối mặt với nhiều bất lợi khi mà nguồn lực thì hạn chế. Chúng tôi không có đủ nhân lực, kinh nghiệm và môi trường thuận lợi để phát triển”.
Các doanh nghiệp như VNG, cần đổi mới nhưng họ lại không có nguồn nhân lực chất lượng cao. Mặc dù cũng có những cá nhân điển hình nhưng nhân viên tại VNG lại không có thời gian giành cho việc thư giãn hay để nghĩ đến những điều to lớn phía trước.
Theo VEF