Thử tìm đáp án cho câu hỏi đang khiến bao người trăn trở.
Các sinh viên mới ra trường thường phân vân trước 2 sự lựa chọn: đầu quân về cho những công ty start up với mức lương tương đối nhưng cơ hội thăng tiến cao, môi trường nhiều thử thách hay nộp đơn dự tuyển vào những tập đoàn lớn, công việc ổn định nhưng không có nhiều sự đột phá.
Công ty khởi nghiệp là những công ty mới bắt đầu còn các tập đoàn đã có lịch sử hình thành lâu năm, mạng lưới rộng trải dài qua nhiều quốc gia như Unilever hay P&G… Làm việc trong các tập đoàn lớn là niềm mơ ước của đa số các bạn trẻ hiện nay. Điều này lý giải tại sao những chương trình quản trị thực tập viên tỉ lệ chọi thường lên tới 1/100 người ở các công ty Nestley, Pepsico ….
“Làm trong các tập đoàn mọi thứ thường đã được sắp xếp và chạy theo quy trình nhất định nên nhân viên thường có miêu tả về trách nhiệm công việc khá rõ ràng. Những tổng công ty lớn cũng thường có nhiều tiềm lực tài chính để trả lương và đầu tư vào các khóa đào tạo cho nhân viên ở bên ngoài hay những chuyến đi thường niên cho cả công ty (hay còn gọi là corporate perks)”, chị Cao Phương Hà, CEO của Jobstreet.com Việt Nam, cho biết về ưu điểm của những tập đoàn lớn.
“Ngoài ra vì tổng công ty thường đã hoạt động nhiều năm và có hiệu quả nên nhân viên mới thường được tiếp cận và học hỏi những cách quản lý khá bài bản cũng như những kĩ năng và kiến thức từ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm. Cũng phải thừa nhận, làm việc cho các công ty lớn cũng giúp CV của bạn đẹp hơn”, chị Hà cho biết thêm.
Tuy nhiên, chị Hà cũng lưu ý thêm các bạn trẻ một số hạn chế của các tập đoàn lớn : “Làm việc cho các tập đoàn vì việc phân chia công việc và trách nhiệm khá rõ ràng nên cũng có thể trở nên gò bó. Nhiều bạn, đặc biệt là nhân viên cấp dưới có thể cảm thấy mình như chiếc vít nhỏ trong cả bộ máy khổng lồ và khó thấy được đóng góp của mình cho doanh nghiệp một cách rõ ràng”.
“Trong các tập đoàn đôi khi có thất bại hay trả giá tính ra “rẻ” hơn so với tự lập, đồng thời các tập đoàn lớn sẽ giúp em tăng cường các mối quan hệ. Làm trong các công ty khởi nghiệp thì em sẽ phải thường xuyên đương đầu với khó khăn, nhưng điều này sẽ giúp em phát huy hết năng lực vốn có của bản thân.” – chị Lê Huỳnh Kim Ngân, Founder & CEO của Action, cho biết.
Nếu các tập đoàn lớn giống như một mặt nước phẳng lặng thì công ty khởi nghiệp lại là một nơi đầy mạo hiểm. “Ở nơi đó, nhân viên thường thấy đóng góp của mình tương đối rõ hơn. Các bạn thường phải làm việc nhiều hơn ở diện rộng hơn và do đó, cơ hội làm nhiều việc với các tính chất khác nhau, cơ hội di chuyển giữa các ban ngành và kinh nghiệm tích lũy, học hỏi thực tế cũng nhiều hơn” – chị Hà cho biết thêm.
Thực tế là, công ty khởi nghiệp đầy khó khăn và rủi ro. Đặc biệt là trong thời kì kinh tế đi xuống như hiện nay, sinh viên lại càng có xu hướng tìm những bến đỗ vững chắc cho cuộc đời.
Theo số liệu thống kê nửa đầu năm 2012, có hơn 26.000 doanh nghiệp sau khi khởi nghiệp đã phải giải thể, phá sản và ngừng hoạt động.
Khi bắt đầu khởi nghiệp, bản thân những người thành lập cũng phải hy sinh rất nhiều thời gian, mối quan hệ gia đình, bạn bè…Làm việc thâu đêm là chuyện thường xuyên diễn ra.
Nhưng khởi nghiệp trong một chừng mực nào đó, nhiều khi có ý nghĩa lớn hơn làm thuê cho tập đoàn. Nếu không có những người trẻ quyết liệt, sống hết mình vì đam mê thì giờ này thế giới đã không có iPhone, iPad và Facebook để kết bạn, chém trái cây, chơi Angry Bird…
Ngay ở Việt Nam cũng có thể tìm thấy những câu chuyện khởi nghiệp rất quen thuộc như cà phê Trung Nguyên của Đặng Lê Nguyên Vũ, tập đoàn FPT của Trương Gia Bình, gạch Đồng Tâm của Bầu Thắng…
Những câu chuyện khởi nghiệp của họ có thể khác nhau từ khởi đầu đến thất bại đầu tiên, nhưng điểm chung duy nhất chính là sự cố gắng quyết liệt không ngừng nghỉ sẽ được đền đáp xứng đáng
Theo nhipcaudautu