Làm gì nếu bạn đang đi một đôi giày quá cỡ?

Vì một lý do nào đó, trưởng phòng của Linh phải ra đi, Linh là người được chọn ngồi vào chiếc ghế trống đó. Quá sung sướng và háo hức, Linh quên mất rằng trưởng phòng của cô từng là một ngôi sao, còn cô chỉ là một nhân viên dạng “tầm tầm”; cô đang xỏ chân vào một đôi giày quá lớn.

Nếu bạn cũng rơi vào trường hợp của Linh, bạn nên làm gì?
Thận trọng với ký ức
Nên hiểu và thông cảm cho sự trung thành xen lẫn những nuối tiếc mà các đồng nghiệp dành cho người trưởng phòng đã ra đi. Đừng vì ghen ghét mà cố gắng đánh sập hình tượng của người cũ trong họ bằng những lời chê bai, đố kị.
Thận trọng khi đề xuất thay đổi
Khi đã quá quen với cách làm của người cũ, mọi người sẽ không dễ dàng thuận theo những cách tân của bạn. Nếu định đưa ra những thay đổi, hãy thận trọng và kiên nhẫn. Thuyết phục mọi người đi theo cái mới vì lợi ích chung. Đảm bảo rằng bạn không cách tân với mục đích hạ bệ người cũ.
Học hỏi
Dù bạn có sắp phát ốm vì phải nghe nói về người đi trước, hãy nhẫn nhịn học hỏi những phẩm chất và năng lực nổi bật của họ, những cái đã giúp họ thành công trong công ty và lấy được lòng mọi người.
Hoan nghênh những ý tưởng mới 
Khi bạn chưa quen với các nhân viên, thậm chí nhiều nhân viên mới hôm qua còn là tổ trưởng của bạn, hôm nay họ chưa thể phục bạn, hãy tổ chức họp mọi người lại, cho phép họ phát biểu ý kiến, bày tỏ bức xúc, thể hiện ý tưởng,… Một vài người trước đây có thể bị “sấp bóng” trưởng phòng, nay bạn hãy cho họ cơ hội thể hiện mình.
Nhớ rằng cách nhanh nhất để lấy lòng nhân viên là hãy làm mọi việc vì họ và vì lợi ích chung.
Tạo bản sắc riêng
Đừng thấy người đi trước là ngôi sao mà cố gắng trở thành bản sao của họ. Bạn có cá tính và năng lực riêng, vậy hãy tạo cho chúng đất sống. Hãy là chính mình. Bạn có thể không thể đánh đổ tượng đài cũ, nhưng hãy cố gắng xây nên một tượng đài mới, bên cạnh đó, của riêng mình. Đừng cố gắng đi một đôi giày quá khổ mà hãy chọn cho mình một đôi giày mới vừa vặn hơn.

Theo CareerBuilder