IBM – văn hóa được tạo ra từ giá trị con người

“Người ta hỏi liệu tôi có sa thải một nhân viên vừa mắc sai lầm gây thiệt hại cho công ty 600.000 USD hay không. Tôi trả lời là không, mà thực ra tôi đã chi 600.000 USD để đào tạo cậu ấy. Vậy tại sao tôi lại để cho công ty khác tận dụng mất kinh nghiệm của cậu ấy cơ chứ?”.

Trên đây là trích đoạn trong cuốn sách của tác giả Kevin Maney, viết về Thomas Watson – người sáng lập IBM, do Alpha Books dịch và phát hành.
Thomas Watson Sr. (Watson Cha), người mà tên tuổi đã gắn liền với 3 chữ cái IBM danh tiếng đã nói như thế. Được coi là người đưa IBM lên bục vinh quang, Watson đã đi cùng IBM tới tận cuối đời mình và để lại rất nhiều bài học quý trong phong cách lãnh đạo và kinh doanh của ông.
Một trong những bài học quý giá đó là cách xây dựng văn hóa công ty đặc sắc nhằm phát huy tối đa tiềm năng của mỗi thành viên cho sự lớn mạnh không ngừng của IBM.
Trước Watson, rất ít người chú ý đến việc kết hợp văn hóa truyền thống với những giá trị để hình thành nên một tổ chức thống nhất. Một vài công ty khác đã bỏ ra hàng túi tiền để kết hợp văn hóa với kinh doanh, nhưng về cơ bản các thương gia không cho văn hóa là một vấn đề quan trọng hay là một chiến lược.
Nền văn hóa của IBM mang một nét mới – kế thừa tối đa những gì đã có từ trước. Trên con đường phát triển của mình, văn hóa của IBM trở thành một vấn đề then chốt đối với những thành công của công ty.
IBM không phải là một công ty tốt nhất thế giới trong kinh doanh, cũng không phải là công ty có sự đổi mới công nghệ tốt nhất. IBM không sản xuất tốt bằng các công ty cạnh tranh sáng tạo khác, nhưng vẫn có khả năng đè bẹp họ. IBM giỏi chế tạo, nhưng Ford Motor còn giỏi hơn họ. Thậm chí Bộ phận bán hàng vốn được ca ngợi nhiều nhất của IBM với những nhân viên bán hàng thông minh hay một số công nghệ đặc biệt cũng không có một chút lợi ích phi văn hóa nào giống như ở các công ty khác.
Điều làm cho IBM tốt hơn bất kì một công ty nào trên thế giới là họ đã biết tạo ra và quản lý một nền văn hóa dính kết, mạnh mẽ và thành công – văn hóa đoàn thể. Ngược lại, nền văn hóa đó cũng đang kết liền với từng mảng trong hoạt động kinh doanh của họ và hướng các nhân viên của họ phát triển lên phía trước bằng những phương pháp mà các đối thủ cạnh tranh không thể vượt họ được.
Con người
Watson không bao giờ ngồi yên và nói “Này, hãy tạo ra một nền văn hóa” hay ra lệnh rằng nền văn hóa đó phải có nét đặc trưng này hay nét đặc trưng khác. Trong khoảng trống văn hóa của C-T-R (Công ty máy tính đếm ghi, nơi làm việc cũ của Watson), Watson bắt đầu gây ấn tượng mạnh mẽ cho toàn công ty với chính phẩm chất cá tính riêng của mình. Hầu hết các nhân viên làm việc dưới thời của ông đều biết đến “Định đề về con người” của Waston.Trên một tấm giấy rộng ông viết các chức danh công việc theo thứ tự lần lượt từ trên xuống:
The Manufacture (Nhà sản xuất)
General Manager (Tổng giám đốc)
Sales Manager (Giám đốc bán hàng)
Sales Man (Nhân viên bán hàng)
Services Man (Nhân viên phục vụ)
Factory Manager (Giám đốc sản xuất)
Factory Man (Công nhân sản xuất)
Office Manager (Giám đốc văn phòng)
Office Man (Nhân viên văn phòng)
Sau đó, Watson gạch bỏ tất cả các ký tự của các chữ trong các chức danh trên chỉ để lại chữ “Man” (con người). Sử dụng các mẹo quảng cáo, Watson nói tất cả mọi người trong công ty đều quan trọng và mọi người là bình đẳng như nhau.
Watson nói tiếp: “Chúng ta là con người, con người đứng cạnh bên nhau, vai kề vai, tất cả làm việc cho một lợi ích chung”.
Sự hài hòa giữa giá trị và phong cách của ông đã khiến mọi người rất dễ chia sẻ hoặc sở hữu giá trị và phong cách đó. Nét văn hóa cơ bản đó của ông đã thấm sâu vào toàn bộ công ty. Watson hiểu rất rõ tầm quan trọng của nó, ông ủng hộ, hâm nóng nó đến một mức độ cao chưa từng có. Đến những năm 1930, mọi người thường nói rằng, không thể tách rời và phân biệt đâu là Watson, đâu là IBM.

Theo VnExpress