10 cách để bứt phá với hồ sơ xin việc online

“Săn” việc trên mạng đương nhiên nhanh chóng hơn, dễ dàng hơn và kinh tế hơn. Và thực tế là, theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây, hơn 40% những người đưa CV lên mạng nhận được những lời hẹn phỏng vấn như ý.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế khác là, cũng như bạn, hàng trăm, hàng nghìn người cũng có ý tưởng tương tự, đưa CV lên mạng và do đó, bạn cũng phải cạnh tranh với hàng trăm, hàng nghìn người mà bạn không biết rõ để giành lấy sự chú ý của nhà tuyển dụng.

Khó khăn là ở chỗ, ngày nay, hầu hết các công ty đều sử dụng những hệ thống tự động scan (ATS) và loại bỏ các hồ sơ không thích hợp. Do đó, nếu bạn không biết sử dụng thành thục các từ khóa mô tả kỹ năng, trình độ và kinh nghiệm của bạn và đặt chúng đúng vị trí trong hồ sơ, CV của bạn sẽ rất dễ bị loại ngay từ vòng đầu.

Vậy làm cách nào để thoát khỏi những “người gác cổng điện tử” này? Hãy ghi nhớ 10 nguyên tắc sau:

– Gây sự chú ý tới nhà tuyển dụng ở mỗi trang mà bạn đưa lên mạng. Cần phải chú ý những điểm như dạng format mặc định của CV, nó nên được viết thẳng trong nội dung email hay được gửi dạng file đính kèm? Bạn gửi nó qua đường email hay đường fax? Liệu nhà tuyển dụng có muốn bạn sử dụng các code để giúp họ nhận ra hồ sơ của bạn đăng tuyển vào đâu không? Nếu có thì cần phải ghi nhớ và đưa chúng vào hồ sơ.

– Không tự biến mình thành kẻ spam CV bằng cách ứng tuyển vào những vị trí mà mình không có khả năng hoặc gửi nhiều CV ở nhiều thời gian khác nhau cho cùng một công việc.

– Hãy gửi nhiều hơn 1 bản CV của mình lên các trang web tuyển dụng để các ông chủ tương lai của bạn có nhiều hơn cơ hội tiếp cận hồ sơ của bạn.

– Cân nhắc kỹ trước khi sử dụng các dịch vụ đăng tuyển có thể ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của bạn với những nhà tuyển dụng, những nhân viên “săn đầu người”, những ông chủ tương lai của bạn.

– Mọi CV bạn gửi đi phải luôn được gửi kèm một lá thư vắn tắt hoặc một bản note (thường không dài quá 2 trang màn hình) trong đó làm nổi bật những thứ mà công việc bạn đang ứng tuyển cần tới, nói cách khác, đó là giấy PR bản thân bạn với nhà tuyển dụng. Bạn cũng cần phải “gia giảm” đủ và đúng chỗ các từ khóa và đảm bảo các phần mềm đọc CV tự động sẽ để mắt tới chúng. Thêm nữa, hầu hết các dịch vụ cung cấp lưu trữ trực tuyến (email) đều không có phần check lỗi chính tả. Do đó, tốt nhất bạn nên soạn CV trên word và copy vào email, nếu cần.

– Trong trường hợp bạn gửi CV với website của công ty mà bạn đăng tuyển, hãy chú ý truy cập thường xuyên vào đó để xem công việc đó đã tuyển dụng được nhân viên chưa, đồng thời “nhắc nhở” nhà tuyển dụng rằng bạn rất quan tâm tới vị trí công việc đó và có đủ khả năng để ứng tuyển.

– Những CV được thiết kế lạ mắt thường trông rất bắt mắt nếu như nó nằm trên ổ cứng. Nhưng chính những CV kiểu này lại thường hay gặp trục trặc nhất khi đăng online. Vì vậy hãy nhớ nguyên tắc: đơn giản. Chọn phông chữ tiêu chuẩn và tránh sử dụng đồ họa hay các bảng biểu trong hồ sơ của bạn. Để nhà tuyển dụng có thể dễ dàng đọc được hồ sơ của bạn, hãy đảm bảo rằng bạn đã căn chỉnh lề trái. Một số trang web cho phép bạn xem bản preview trước khi đưa lên, hãy tận dụng ưu điểm này.

– Không bao giờ nên gửi CV dưới dạng một file attach bởi thông thường, để tránh virus, nhân viên các công ty thường được căn dặn cẩn thận, tránh nhận các file đính kèm nếu như họ không biết người gửi là ai.

– Hãy đảm bảo rằng CV của bạn sử dụng các từ khóa là danh từ bởi hầu hết phần mềm tự động đọc CV mà hầu hết các công ty hiện nay sử dụng để đọc CV của bạn đều “ưa thích” tìm kiếm danh từ hơn động từ. Vì thế, chẳng hạn, thay vì sử dụng “managed projects”, bạn hãy viết “project manager”.

– Cuối cùng, bạn hoàn toàn có thể dùng các từ khóa và từ chuyên ngành để làm nổi bật CV của mình ở ngay đầu bản resume. Điều này đảm bảo sẽ luôn giúp bạn ghi điểm ấn tượng trước nhà tuyển dụng cũng như giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi tên gác cổng công nghệ đáng ghét ATS.

Theo Vieclam.vtv/MSN