Động lực là khát vọng dấn thân

Không bằng lòng với thành công trong lĩnh vực thiết kế nội thất, doanh nhân Nguyễn Liên Phương dấn thân vào địa hạt mới – thành lập Học viện Doanh nhân LP Việt Nam, với khát vọng xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt đủ tầm vóc, vươn ra biển lớn.

Hành trình doanh nhân – tự nhiên như nước về xuôi!
Ước mơ trở thành hoạ sĩ từ tấm bé đã đưa đẩy Nguyễn Liên Phương – chàng trai sinh ra ở xứ Thanh vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Năm 1984, sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Gắn bó với phấn trắng, bảng đen 15 năm, những tưởng đã yên ấm với nghề giáo, nhưng khát khao sáng tạo đã không để ông bình yên với nghề dạy chữ. Ước mơ về một thương hiệu Việt Nam được thừa nhận trên thị trường cứ như ngọn lửa âm ỉ, chỉ đợi dịp cháy lên.
Năm 1990, ông đặt những viên gạch đầu tiên để hiện thực hoá ước mơ đó, khi xây dựng Trung tâm Nghiên cứu ưng dụng, thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội. Đây chính là cơ sở để ông bước chân ra thị trường nước ngoài và tìm hiểu cách thức làm ăn của những nền kinh tế phát triển.
Năm 1998, chi nhánh đầu tiên của Công ty cổ phần LP Việt Nam được thành lập tại Sydney (Australia), với mục tiêu nghiên cứu thị trường hàng Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. 10 năm sau, năm 2008, ông mới chính thức ra mắt Công ty cổ phần LP Việt Nam tại Hà Nội, lĩnh vực kinh doanh chính là sáng tạo, sản xuất và xuất khẩu sản phẩm mỹ thuật trang trí (Art décor) với thương hiệu LP tới trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Nhớ lại “hành trình doanh nhân” của mình từ những năm đầu tiên, Nguyễn Liên Phương cho rằng, đó là một hành trình tự nhiên, như nước chảy xuôi.
“Tôi học về thiết kế, là nghề gắn liền với việc tạo ra các sản phẩm cụ thể. Mà sản phẩm thì lại liên quan đến thị trường. Do đó, tôi đi vào nghiên cứu thị trường, người tiêu dùng, xu hướng, công nghệ, chất liệu tạo nên sản phẩm, rồi đi vào kinh doanh và trở thành doanh nhân một cách rất tự nhiên”, ông nói.
Thành công đến với ông từ việc sáng tạo, thổi hồn cho những thứ tưởng chừng bỏ đi, như vỏ trấu, cọng rơm, đến quả trứng, con ốc thành sản phẩm nội thất bày tại tư gia của lớp người giàu có hay những khách sạn 5 sao.
Sản phẩm nội thất LP – “Made in Vietnam” của anh đã hiện diện tại hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, với doanh thu nhiều triệu USD, ổn định qua nhiều năm. Cách nghĩ, cách làm đó đã tạo nên một doanh nhân Nguyễn Liên Phương thực sự khác biệt trong kinh doanh.

Khát vọng dấn thân
Sau hơn 10 năm kinh doanh và thành công với lĩnh vực sáng tạo, thiết kế nội thất, năm 2010, Nguyễn Liên Phương một lần nữa lại làm người ta trầm trồ ngạc nhiên khi cho ra mắt “Học viện Doanh nhân LP Việt Nam”, với mô hình “Kinh tế hình ảnh”, mà ở thời điểm đó, nhiều người chưa từng nghe qua khái niệm này.
Lý giải về mô hình kinh tế lạ lẫm này, ông cho biết: quá trình 15 năm nghiên cứu xu hướng phát triển của thị trường thế giới, LP Việt Nam phát hiện ra rằng, thị trường hiện đại đòi hỏi 2 yếu tố phát triển song song, là công nghệ và nghệ thuật.
Theo doanh nhân Nguyễn Liên Phương, có những minh chứng rất hùng hồn về việc kết hợp công nghệ và nghệ thuật để kinh doanh, như Steve Jobs chẳng hạn. Ông đã kết hợp hoàn hảo yếu tố nghệ thuật và công nghệ để tạo nên những sản phẩm của Apple, chinh phục cả thế giới. Hoặc gần đây, Samsung cũng đi theo khuynh hướng này.
“Tôi muốn tổng kết những nghiên cứu thị trường thế giới thành mô hình gọi là Kinh tế hình ảnh với 3 trụ cột là: công nghệ – quản trị – cái đẹp, tương ứng với 3 giá trị chân – thiện – mỹ trong đời sống. Công nghệ và cái đẹp tự nó chưa làm nên doanh nghiệp, phải có thêm kỹ năng quản trị mới tạo nên một doanh nghiệp phát triển bền vững. Ngược lại, nếu chỉ cạnh tranh thuần tuý về công nghệ sẽ không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại. Công nghệ phải được trưng bày dưới một hình thức quyến rũ. Những yếu tố này nằm ngoài công nghệ, nhưng lại tham gia vào quá trình kinh doanh, đem lại giá trị cho người tiêu dùng và quyết định sự thành công của doanh nghiệp”, ông tâm sự.
Điều ám ảnh Nguyễn Liên Phương là, cách đây 20 năm, Việt Nam mong trở thành một con rồng châu Á giống Nhật Bản, Hàn Quốc, với công nghiệp điện tử, ô tô, chế tạo…. Nhưng thời gian qua đã chứng minh, đó không phải là lựa chọn hợp lý.
Theo ông, Việt Nam có thể học người Hàn Quốc, Nhật Bản rất nhiều, như về công nghệ, kỹ năng quản trị…, nhưng không học được mô hình của họ. Mô hình kinh tế thành công với nguồn gốc sâu xa là nền tảng văn hoá.
Văn hoá của Nhật Bản, Hàn Quốc là duy chí, với ý thức dân tộc vô cùng mạnh mẽ. Còn Việt Nam có một nền văn hoá duy tình, lấy cái gốc nông nghiệp trồng cấy làm trọng. Ngay cả việc Việt Nam muốn xây dựng nền “kinh tế tri thức” cũng rất khó thành công, bởi nền tảng của kinh tế tri thức là sáng tạo công nghệ.
“Chỉ có rất ít nền kinh tế có thể sản xuất được công nghệ mới và bán cho các nước khác ứng dụng vào sản xuất. Vậy chúng ta có thể thành công từ đâu? Có nhiều mô hình kinh tế phát triển tốt mà không hề có công nghiệp hoá hay kinh tế tri thức. Singapore, Hồng Kông là những ví dụ nổi bật. Họ không có công nghiệp, nông nghiệp hay sáng tạo công nghệ nhưng vẫn phát triển tốt. Đó là vì họ phát triển dịch vụ”, Nguyễn Liên Phương dẫn giải.
Một nền kinh tế khác mà ông cho rằng, đã thành công từ cách riêng, đó là Thái Lan. Không ai nghĩ Thái Lan là một nước công nghiệp, mặc dù hiện nay các tập đoàn công nghiệp lớn đều hiện diện tại Thái Lan, với sản lượng sản xuất đồ công nghiệp rất lớn. Thái Lan hiện đang xuất khẩu đến 40% toàn bộ ổ cứng máy tính của thế giới. Thành công của Thái Lan đến từ việc họ làm dịch vụ cho các tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới. Họ không tham gia vào các hoạt động sáng tạo công nghệ, mà chỉ ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất và làm dịch vụ cho các hãng sản xuất một cách hoàn hảo.
“Theo tôi, cần nhìn ra bản chất của nền kinh tế Việt để biết bắt đầu tái cơ cấu từ đâu, tại sao chúng ta lại thất bại trong giai đoạn vừa qua và nếu chúng ta không thay đổi, không lựa chọn đúng thì sẽ tiếp tục thất bại”, doanh nhân Nguyễn Liên Phương tâm tư.

Vì một cộng đồng doanh nhân Việt Nam lớn mạnh
Quan điểm của Học viện Doanh nhân LP Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp hiện đại được cấu thành từ 2 yếu tố. Một là thành quả của việc nghiên cứu; hai là sự thu phục nhân tài.
Trong khi đó, những năm vừa qua, đa số doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu từ việc đầu tư, bằng tiền, bằng những nguồn lực cố định, rồi hình thành lĩnh vực kinh doanh. Ở đó, bóng dáng của đội ngũ nhân lực hạn chế và khả năng nghiên cứu cũng rất hạn chế, thậm chí là chưa có.
“Có nhiều doanh nghiệp thuê rất nhiều lao động, nhưng vẫn không có một đội ngũ đúng nghĩa, có khả năng cùng thực hiện một sứ mạng, tầm nhìn, chiến lược và xây dựng thương hiệu. Về bản chất quản trị hiện đại, chúng ta đang đứng ở mức sơ khai so với tầm vóc của các đối thủ thời kỳ hội nhập và những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu đặt ra. Đó là lý do dẫn đến những khó khăn của các doanh nghiệp thời điểm hiện tại”, ông lý giải.
Nguyễn Liên Phương cho rằng, lý do sâu xa nhất, căn bản nhất, là đội ngũ doanh nhân của chúng ta còn yếu, chưa đủ khả năng để hội nhập. Trong khi đó, bản chất của một doanh nhân hiện đại là có khả năng kinh doanh trong một môi trường biến động toàn cầu, chứ không chỉ riêng ở một thị trường nào.
“Ngay tại Việt Nam, doanh nhân của hàng trăm quốc gia khác nhau vẫn tìm thấy cơ hội làm ăn. Vậy tại sao doanh nhân Việt Nam lại khác biệt với phần còn lại (?!). Phải đặt vấn đề là, một người chưa có đủ nguồn lực, kỹ năng ra biển lớn mà bị ném ra biển lớn thì có tồn tại được không?”, Nguyễn Liên Phương đặt câu hỏi.
Có lẽ vì trăn trở ấy, vừa qua, Học viện Doanh nhân LP Việt Nam đã đề xuất và giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp “Mô hình Đàn chim bay”, nhằm kết nối cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, tạo nên sức mạnh trong kinh doanh, đặc biệt trong việc vươn ra chiếm lĩnh và chinh phục thị trường thế giới.
Theo Nguyễn Liên Phương, khủng hoảng kinh tế đang diễn ra với số đông doanh nghiệp, nhưng không phải tất cả. Trong khủng hoảng, vẫn có không ít doanh nghiệp Việt Nam đã thực sự trưởng thành, có thể trở thành nguồn cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển và chinh phục thị trường thế giới. Đặc biệt là ở 2 lĩnh vực là nông sản thực phẩm và du lịch. Những Vinamilk, Trung Nguyên, Masan Group, Vingroup, Sun Group, Doji Group hay Thiên Minh Group… hoàn toàn có thể cạnh tranh ngang ngửa với thị trường thế giới, nếu có cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hậu thuẫn phía sau.
“Khủng hoảng kinh tế cho chúng ta biết chính xác mình đang ở đâu. Theo tôi, cái gốc của tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc nền kinh tế là tái cấu trúc con người, làm lại đội ngũ để thích ứng với những biến đổi của thời cuộc. Doanh nhân phải là trung tâm của công cuộc tái cấu trúc đó. Muốn vậy, họ phải có niềm đam mê, khát vọng dấn thân, khát khao chinh phục thị trường toàn cầu, góp phần mang lại cho cộng đồng xã hội một cuộc sống tốt đẹp hơn”, doanh nhân Nguyễn Liên Phương chia sẻ.

Theo Hà Quang