Ngành chiếu sáng và hấp lực đầu tư

Lĩnh vực chiếu sáng ở Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Ông Alex Lee, Tổng giám đốc Công ty Stavis (Hàn Quốc), đơn vị vừa tổ chức Triển lãm Công nghiệp chiếu sáng Việt Nam 2012 tại TP.HCM cho biết, tiềm năng và cơ hội đầu tư cho lĩnh vực chiếu sáng khá lớn, bởi Chính phủ Việt Nam đang chủ trương thay các loại đèn truyền thống bằng đèn LED hiện đại, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Đây cũng là xu hướng của công nghệ chiếu sáng toàn thế giới.

Đèn LED là sản phẩm công nghệ mới đáp ứng tiêu chí trên và có rất nhiều công dụng, nhưng thị trường LED Việt Nam dường như vẫn chưa được khai phá. Theo ông Alex Lee, trong giai đoạn đầu, Việt Nam phải kêu gọi đầu tư nước ngoài, nhưng trong tương lai, các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực tận dụng cơ hội này, bởi hiện có khoảng 40% lượng điện tiêu thụ ở Việt Nam hàng năm là dành cho chiếu sáng và Chính phủ Việt Nam đã chủ trương loại bỏ tất cả đèn dây tóc vào năm 2016.

Hiện Công ty Shin Etsu Chemical (Nhật Bản) đang chuẩn bị đưa vào hoạt động 2 dự án đầu tư lớn tại Việt Nam chuyên sản xuất vật liệu công nghệ cao là silicon dùng cho đèn LED và tinh chế đất hiếm để làm các sản phẩm chiếu sáng. Vốn đầu tư cho hai dự án này lần lượt là 38 triệu USD và 26 triệu USD.

Dự án silicon dùng cho đèn LED tại Khu công nghiệp Thăng Long 2 (tỉnh Hưng Yên) dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 3/2013 và dự án thứ hai tại Khu công nghiệp Đình Vũ, (TP. Hải Phòng) cũng sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2013.

Trong khi đó, đại diện Công ty Degree Lighting Store (Thái Lan) cho biết, đầu năm tới, Công ty sẽ mở rộng việc phân phối các sản phẩm chiếu sáng trang trí sang Việt Nam và Lào, sau khi khai trương hệ thống phân phối tại Myanmar ngay trong tháng 12 này.

Theo các chuyên gia, ngành chiếu sáng có nhiều cơ hội đầu tư, vì Việt Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu dân cư mới liên tục ra đời, ngành quảng cáo dùng nhiều bảng ngoài trời, các cửa hàng, nhà hàng chuộng bảng hiệu bằng đèn LED, hệ thống đường xá, cầu cống phát triển nhanh (bao gồm các hầm đường bộ hiện đại đã được đưa vào sử dụng, như ở Hà Nội và hầm Thủ Thiêm, TP.HCM), nên nhu cầu chiếu sáng giao thông là rất cao.

Ông Tian Ji An, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Neo-Neon Việt Nam chuyên sản xuất đèn LED cho biết, Công ty mẹ tại Trung Quốc thành lập Neo-Neon Việt Nam tại Thái Bình vào năm 2007 để mở đường thâm nhập vào thị trường các nước trong khu vực. Công ty cũng có kế hoạch mở rộng nhà máy tại Thái Bình để phục vụ mục đích này.

“Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012-2015 nhằm tiết kiệm 5-8% điện năng tiêu thụ của cả nước. Chúng tôi muốn tận dụng chủ trương này bằng cách đẩy mạnh kinh doanh các loại đèn tiết kiệm điện của mình”, ông Tian Ji An nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thùy Linh, đại diện Công ty TNHH Quảng Thăng (tỉnh Bình Dương) cho biết, Quảng Thăng thành lập năm 2001 để làm thời trang xuất khẩu, nhưng từ 2009 đã hợp tác với các công ty Đài Loan để chuyên lắp ráp và phân phối đèn LED tại Việt Nam vì nhận thấy lĩnh vực mới có nhiều cơ hội kinh doanh hơn. Hiện Quảng Thăng đang đa dạng hóa các sản phẩm đèn LED phục vụ cho nhiều ứng dụng thực tế khác nhau.

Theo Tường Thụy