Thị trường carbon được xem là công cụ chính để giảm phát thải CO2, một trong 4 loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Hoạt động của thị trường carbon được hỗ trợ bởi 4 cơ chế chính được nêu ra trong Nghị định thư Kyoto, đó là cơ chế buôn bán sự phát thải, cơ chế phát triển sạch (CDM) và cơ chế đồng thực hiện (JI) cơ chế giảm phát thải do phá rừng và thoái hóa rừng (REDD).
Về lý thuyết, các nước đang phát triển nhờ các dự án carbon mà có được sự đầu tư cho bảo vệ môi trường, tiếp nhận kỹ thuật tiên tiến (qua các dự án CDM), đồng thời cũng có thêm một khoản thu nhờ bán các chứng chỉ carbon cho các nước phát triển. Bất chấp mọi lời chỉ trích, thị trường carbon vẫn đang lớn lên từng ngày. Năm 2011, giá trị thị trường này đạt hơn 176 tỷ USD với tổng khối lượng giao dịch 10,3 tỷ tấn carbon.
Việt Nam là nước có nhiều dự án CDM, với 164 dự án được quốc tế công nhận, đứng thứ 4 thế giới. Với 7 triệu tấn CO2 chứng chỉ CERs, Việt Nam đang đứng thứ 9 thế giới về số lượng chứng chỉ CERs.
Đơn vị đi tiên phong trong việc nghiên cứu và xúc tiến các dự án CDM tại Việt Nam có thể kể tới là Công ty cổ phần Năng lượng và Môi trường (RCEE). Trước năm 2008, RCEE đã xây dựng được 10 dự án CDM và trong năm 2008 có khoảng 20 dự án nữa. Hiện RCEE đã xây dựng được 54 dự án CDM.
Bà Lê Thị Bảo Ngọc, Giám đốc Trung tâm Carbon của RCEE dự tính, mỗi năm Việt Nam có thể thu về 24 triệu USD từ những dự án này. Tiềm năng của thị trường này đã được các nhà đầu tư nước ngoài để ý, đặc biệt là khi rừng nhiệt đới có thể lưu giữ khí carbon nhiều hơn 50% so với các loại rừng khác. Điều này đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng nhảy vào thị trường carbon rừng tại Việt Nam.
Một trong số đó, có dự án của Công ty Tài chính Voluntary (Australia) hợp tác với Công ty Vietnam Carbon Echange đầu tư vào dự án carbon rừng tại Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) triển khai trong tháng 8 vừa qua. Theo tính toán, mỗi năm, dự án này hấp thụ 40.000 – 50.000 tấn carbon. Khi sở hữu CERs, nhà đầu tư có thể bán lại cho các công ty của Australia, hoặc bán trên thị trường quốc tế. Đại diện Công ty Vietnam Carbon Echange cho biết: “Sau dự án ở Tam Đảo, chúng tôi sẽ tiếp tục kéo các nhà đầu tư nước ngoài vào dự án carbon rừng tại Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Xuân Sơn (Phú Thọ) và Ba Bể (Bắc Kạn). Chúng tôi hy vọng, 5 năm nữa, sẽ bán được chứng chỉ carbon rừng”.
Gần đây nhất, Viện Điều tra quy hoạch rừng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đã khởi động Dự án tính toán trữ lượng carbon và đánh giá sự biến đổi của rừng. Ông Nguyễn Phú Hùng, Phó viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng cho hay: “Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang rất muốn mua CERs của Việt Nam. Tuy nhiên, các nghiên cứu tính toán trữ lượng carbon ở Việt Nam triển khai còn rất ít. Do đó, rất khó trả lời với đối tác là chúng ta sẽ bán được bao nhiêu”. Theo ông Hùng, để đánh giá chính xác, Viện đang xây dựng đề án tính toán trữ lượng carbon từ rừng Việt Nam và tìm các nơi có tiềm năng xây dựng dự án CDM và REDD. Kinh phí dự kiến khoảng 1.600 tỷ đồng. Nếu việc tính toán trữ lượng carbon được đẩy nhanh, sẽ giúp đẩy nhanh quá trình bán trữ lượng carbon, giúp tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân.
Với tiềm năng từ thị trường cacbon, về phía cấp độ quốc gia, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ phê duyệt Đề án Quản lý phát thải các khí gây hiệu ứng nhà kính và kinh doanh tín chỉ ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, giá CERs trong các dự án CDM hiện nay đã sụt giảm nghiêm trọng, nếu năm 2008, giá khoảng 20 euro/chứng chỉ, thì thời điểm hiện nay là 1 euro/chứng chỉ do Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn trong năm nay và các bên đang lo ngại sẽ có những quốc gia trên tổng số 35 nước công nghiệp phát triển sẽ không cam kết thực hiện các quy định của Nghị định.
Ông Hiếu, người trực tiếp tham dự các phiên đàm phán về biến đổi khí hậu của đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 18 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP18) và Hội nghị lần thứ 8 các bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP8) tại Doha (Qatar) từ ngày 24/11 đến 7/12/2012 cho biết: “Bức tranh về thị trường cacbon sẽ lạc quan hơn, do theo quy định giữa các bên trong hội nghị Doha sắp tới là các nước phát triển, có nền kinh tế nổi trội phải đưa ra cam kết giảm phát thải khí nhà kính định lượng theo cả dạng các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và khi họ có mục tiêu và thực hiện những mục tiêu này, thì cầu sẽ tăng, làm cho cán cân cung – cầu cân bằng trở lại.
Chúng tôi hy vọng rất lớn vào vòng đàm phán tại hội nghị Doha và những cam kết có thể thực hiện”.
Trên thực tế, dòng “tài chính carbon” chảy vào nước ta thực ra chưa nhiều. Tuy nhiên, đây lại là một cơ hội để chúng ta dần tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi từ các nước đi trước.
Thị trường carbon cũng giống như các thị trường khác, một khi đã được hình thành, thì sẽ vận hành liên tục. Chúng ta không có cách nào khác là phải tìm cách nắm bắt và điều khiển nó. Câu hỏi đặt ra đối với Việt Nam về sân chơi (thị trường) carbon, giống như đã từng đặt ra đối với sân chơi toàn cầu hóa, không phải là chúng ta có tham gia hay không, mà là chúng ta sẽ tham gia như thế nào. Lý thuyết kinh tế đã chỉ ra đầy đủ các khuyết tật của thị trường, vấn đề là chúng ta sẽ làm gì để hạn chế được các “khuyết tật” của thị trường carbon.
Theo Hải Hà