Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Bioscope Việt Nam: Tôi rất hay ngơ ngác

Vẻ ngơ ngác, vốn tỷ lệ thuận với những ý tưởng đang nung nấu trong con người Đặng Việt Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Bioscope Việt Nam, chắc sẽ còn kéo dài cùng với các kế hoạch kinh doanh ý tưởng công nghệ của Bioscope.

Chỉ làm những sản phẩm bán được
Tưởng chừng rất khó để khái quát đơn giản về sản phẩm của một doanh nghiệp công nghệ, vậy mà người điều hành của Bioscope, cha đẻ của các ý tưởng và những dự án mà Công ty đang triển khai, diễn nôm rất rõ: phải mới và bán được.

Mới thì quá rõ, nhưng bán được không phải lúc nào cũng là vế đối chỉnh, nhất là khi ở Việt Nam, cả giới khoa học và doanh nghiệp đều e dè khi nói đến thị trường công nghệ, đặc biệt là kinh doanh hàng công nghệ mang thương hiệu Việt. Không hẳn vì các sản phẩm này quá chuyên sâu, không thể cầm nắm, khó mô tả trực quan, mà có lẽ, vì thị trường công nghệ tại Việt Nam và ngay chính các doanh nghiệp công nghệ trong nước chưa gây dựng được một chân dung dễ nắm bắt cho số đông. Bản thân Đặng Việt Hùng cũng phải đối mặt với định kiến rằng, Việt Nam vẫn là vùng lõm của sóng công nghệ toàn cầu và rằng, không phải cái gì mới cũng bán được.

Vậy mà, với Bioscope, mọi việc lại có vẻ thuận lợi. Mới thành lập từ giữa năm 2011, với sản phẩm là công nghệ, sản phẩm mới giúp điều trị một số bệnh và vấn đề y tế phổ biến ở Việt Nam, nhưng quá nửa sản phẩm mới của Bioscope bán được ngay trong tháng đầu tiên. Số hồ sơ đăng ký bằng sáng chế đã lên tới con số cả chục. Vẫn còn nhiều ý tưởng đang được ấp ủ để triển khai cho các năm tiếp theo… Quan trọng là, vốn thu hồi rất nhanh để quay vòng cho việc nghiên cứu và ứng dụng các ý tưởng mới.

“Khi có ý tưởng, chủ yếu là các công thức phục vụ cho ngành hoá dược, chúng tôi nghiên cứu thị trường, khả năng thương mại hóa ý tưởng. Tiếp đó, đặt vấn đề với đối tác nước ngoài hoặc các nhà nghiên cứu trong nước để tổ chức nghiên cứu, ứng dụng hoặc chuyển giao công nghệ. Vốn đầu tư ban đầu và bao tiêu sản phẩm, chúng tôi đảm nhận toàn bộ”, anh Hùng chia sẻ về cách cho ra đời một sản phẩm công nghệ mà Công ty đang áp dụng.

Trên nguyên tắc mới và bán được, anh Hùng và đồng sự lựa chọn những ý tưởng vừa sức, cả về nhân lực và vật lực, để thời gian nghiên cứu và thương mại hoá sản phẩm là ngắn nhất, không bị đọng vốn, không đòi hỏi đầu tư quá lớn. “Ở Bioscope, chúng tôi thường nói: có nhiều công nghệ để làm, quan trọng là chọn cái nào làm trước”, anh Hùng chia sẻ.

Từ người tìm đường…

Tôi rất thích quan điểm kinh doanh của anh Hùng, rằng kinh doanh là tìm được một con đường, hoặc sẽ làm nên một con đường mới. Tất nhiên, đi cùng với đó sẽ là thách thức, thậm chí rủi ro khó né tránh của những người mở đường. Riêng với Đặng Việt Hùng, chặng đường làm nên một con đường mới khá vất vả.

Học ngành dược, nhưng công ty đầu tiên do anh lập ra lại là một doanh nghiệp công nghệ thông tin. Lý do là đam mê công nghệ thông tin và không ngừng suy nghĩ các ý tưởng liên quan đến lĩnh vực này. Năm 2004, con đường mới mà Hùng và người em cùng góp vốn tiến hành là phát triển trang web cho doanh nghiệp. “Khi đó, nhiều vị giám đốc sau khi nghe giới thiệu trang web như một danh thiếp điện tử đã lắc đầu quầy quậy, vì ‘thế thì lộ hết thông tin’. Vất vả mãi không có lối ra, chúng tôi lại phát triển hệ thống thương mại điện tử. Lúc đó, chẳng mấy người mua bán trên Internet…”, anh Hùng nhớ lại lúc khó khăn ban đầu.

Rút khỏi doanh nghiệp công nghệ thông tin sau một khoản thâm thủng ngân sách gia đình to đùng, anh Hùng lọ mọ xây dựng hệ thống phần mềm bán hàng tự động. Bằng độc quyền sáng chế được cấp, anh hào hứng triển khai kinh doanh. Phần mềm có thể thay thế đội ngũ bán hàng hùng hậu, tạo ra doanh thu khoảng 100 triệu đồng/tháng, nhưng lại không đủ để gánh chi phí cho một doanh nghiệp. Lại thất bại, bằng sáng chế cất vào tủ… cùng với lời càm ràm của gia đình, “sao không đi làm bình thường như trước cho sướng cái thân”…

“Nhưng có thất bại đó, tôi mới thấm thía một thực tế là, kinh doanh không được chỉ làm cái mình muốn, không chỉ nắm được công nghệ, mà quan trọng là nắm được thị trường. Tôi tự nhận mình là người có nhiều ý tưởng, nên cũng tự răn phải từ từ và chắc chắn”, anh Hùng tâm sự.

Cuối cùng, Bioscope là con đường mà anh Hùng đã tìm thấy sau hơn 10 năm lựa chọn, thử nghiệm…

… đến mục tiêu hàng đầu

Tính tuổi đời, Bioscope còn quá trẻ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Hơn thế, mục tiêu “bán được và thu hồi vốn nhanh” mà Bioscope đã làm được theo quan điểm kinh doanh của người điều hành Đặng Việt Hùng cũng chỉ là bước khởi đầu đơn giản nhất.

“Làm công nghệ thì rất khó nói trước, vì chỉ khi các ý tưởng thành công mới có chuyện để nói. Nhưng tôi có niềm tin về con đường và cách đi mà tôi đang dẫn dắt Bioscope, đó là gắn kết thị trường, ý tưởng và giới nghiên cứu”, anh Hùng nói.

Câu chuyện về những thành công của doanh nghiệp công nghệ Israel mà anh Hùng đã từng cộng tác đang là một hình mẫu vừa sức với Bioscope. Anh kể, doanh nghiệp đó chỉ có vỏn vẹn 5 người, gồm 3 nhà nghiên cứu, 2 người phụ trách tiếp thị, nhưng doanh thu của họ lên đến 60 triệu USD/năm, với tốc độ tăng trưởng 50%/năm. Họ không có nhà máy, nhưng nghiên cứu của họ được công bố trên các ấn phẩm nghiên cứu khoa học danh tiếng, sản phẩm của họ đang được ứng dụng trên toàn cầu, được các nhà sản xuất tìm mua.

“Chúng tôi đang theo đuổi mô hình nghiên cứu – ứng dụng như vậy. Tôi không nghĩ chúng ta thiếu nhân lực. Các nhà nghiên cứu của Việt Nam nhiều, nắm giữ công nghệ khá tốt, muốn hợp tác với các doanh nghiệp. Chúng tôi có thị trường và đối tác chuyển giao công nghệ, đối tác sản xuất nguyên liệu. Hơn hết, chúng ta có thị trường là các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm hướng phát triển mới, giá trị gia tăng mới cho sản phẩm”, anh Hùng nói.

Hoá ra, “ổ khoá” của thị trường công nghệ không phải quá khó để tìm chìa. Sự cao siêu của công nghệ mới được hoá giải bởi tư duy thuần thị trường, đó là quy luật cung – cầu. Nói một cách đơn giản, Bioscope xây dựng ý tưởng, khảo sát thị trường, hợp tác nghiên cứu, tiến hành đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế và cuối cùng là bán được các công thức, cung cấp nguyên liệu cho các nhà sản xuất làm ra sản phẩm cuối cùng.

Điều quan trọng nhất với một công ty kinh doanh sản phẩm công nghệ, theo anh Hùng, mọi sáng tạo đều phải được đăng ký bảo hộ ngay từ khi khởi động và chi phí phải là cạnh tranh nhất.

Lại một bài toán khó phát sinh. Thói quen mua công nghệ của doanh nghiệp không phải là phổ biến. Trong nghiên cứu vừa công bố của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về sức cạnh tranh về công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam, hơn 60% doanh nghiệp Việt Nam không mua công nghệ vì giá đắt. Số doanh nghiệp còn lại muốn mua mua, nhưng không chắc chắn vì tài chính có thể không cho phép.

“Tôi xác định rõ khách hàng của mình để cân nhắc, lựa chọn công nghệ mới, nhưng rẻ. Cũng nhờ cách làm này, chúng tôi có cơ hội hiểu được thị trường của công nghệ có liên quan đang diễn tiến ra sao, sức cạnh tranh như thế nào…”, Đặng Việt Hùng tính toán.

Điểm thuận cho Bioscope và cho cả Đặng Việt Hùng là anh đã có thời gian khá lâu làm việc ở các vị trí khác nhau trong ngành dược, và có nhiều năm tham gia nghiên cứu khoa học. Bởi vậy, anh hiểu được các mô hình nghiên cứu, có thông tin thị trường và quan hệ tốt với khách hàng, các đối tác trong và ngoài nước.

“Rất khó cắt nghĩa, nhưng tất cả những gì chúng tôi đang đặt mục tiêu cho Bioscope là, sản phẩm công nghệ phải mới, bán được và giúp khách hàng tạo lợi thế cạnh tranh bền vững”, anh Hùng khẳng định.
Hiện tại, Bioscope vẫn kiên trì tìm kiếm, hợp tác nghiên cứu những công nghệ, sản phẩm mới, phù hợp và bán được tại Việt Nam. Có một điều rất hay là, hình như lúc kinh tế khó khăn, mọi người quan tâm hơn đến công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh, giảm chi phí. Thêm một điểm thuận cho Bioscope và Đặng Việt Hùng trên con đường tìm lối đi mới.

ĐỐI THOẠI VỚI ĐẶNG VIỆT HÙNG

Anh làm thế nào để phát triển ý tưởng thành sản phẩm bán được?

Có hai cách. Thứ nhất là hợp tác với các đối tác nước ngoài. Thường thì họ có tư duy marketing rất tốt. Những sản phẩm của họ thường bán được ngay.

Hai là ký hợp đồng với các nhóm nghiên cứu lớn trong nước để nghiên cứu thị trường, sản phẩm… và xây dựng ý tưởng.

Làm thế nào để có sản phẩm mới?
Đặt hàng với các nhà khoa học về yêu cầu nghiên cứu và bảo hộ sáng chế. Tôi học được cách làm này từ các giáo sư và đối tác nước ngoài.

Đầu tư vào công nghệ khó không?
Khó. Kinh doanh công nghệ đòi hỏi đồng thời cả năng lực kinh doanh và năng lực công nghệ.

Anh tự thấy mình là người thế nào?
Tôi thấy mình là người bình thường.

Nhiều lúc, vợ hỏi sao trông ngơ ngác. Lúc đó, tôi đang có ý tưởng mới. Mà theo vợ tôi, thì tôi rất hay ngơ ngác.

Theo Khánh An