Không phí hoài tháng năm tuổi trẻ

“Cổ vũ thanh niên lập thân, lập nghiệp không gì hiệu quả bằng chính những người trẻ lập thân, lập nghiệp thành công”, tâm sự của một thủ lĩnh Đoàn Thanh niên trước kỳ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X làm tôi nhớ ngay tới cô gái 25 tuổi đang điều hành Phòng Giao dịch Techcombank Trần Đăng Ninh (Hà Nội).
Ấn tượng đầu tiên với Trần Thị Thanh Thủy là cô gái còn quá trẻ so với vị trí mà mình phải đảm nhận. Tự tin, bản lĩnh và thân thiện là những ấn tượng ban đầu mà bất cứ ai tiếp xúc cũng nhìn thấy ở Thủy, song bản lĩnh ấy là kết quả của sự tôi luyện, phấn đấu không ngừng trong suốt quá trình phấn đấu của cô gái trẻ này.
Với 12 năm làm lớp trưởng, cán bộ đoàn trường và luôn là học sinh xuất sắc trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, ngay từ năm thứ hai học Đại học Ngoại thương, Thủy đã tự nuôi bản thân mình bằng việc làm gia sư, rồi cùng nhóm bạn lập công ty phân phối điện thoại cho một số tỉnh miền Bắc. Đến năm cuối Đại học, Thủy chính thức bước chân vào lĩnh vực ngân hàng, khi được tới 3 ngân hàng lựa chọn. Cuối cùng, với sự ngưỡng mộ dành cho CEO của Techcombank thời bấy giờ, Thủy chọn Techcombank – một ngân hàng có thương hiệu lớn trên thị trường.
Niềm đam mê và tố chất kinh doanh, cộng thêm nỗ lực bản thân, Thủy đã thăng tiến rất nhanh: chỉ sau 11 tháng làm việc ở Techcombank, Thủy được bổ nhiệm làm tổ trưởng của một nhóm kinh doanh tại một chi nhánh lớn. Và chỉ sau 1,5 năm ở vị trí tổ trưởng, với thành tích nổi bật là được bình chọn là 1 trong 3 chuyên viên xuất sắc nhất hệ thống trong 6 tháng đầu năm 2010, Thủy nhanh chóng giành được niềm tin của lãnh đạo và được bổ nhiệm làm Giám đốc Phòng Giao dịch Trần Đăng Ninh, khi tròn 25 tuổi.
Nói về những bước tiến trong sự nghiệp của mình, Thủy không dám nhận mình giỏi, mà chỉ cho rằng, mình là người may mắn. “Có rất nhiều người giỏi, nhưng được làm việc trong môi trường có lãnh đạo hiểu và trân trọng thì không phải ai cũng có được. Tôi may mắn có được một lãnh đạo giỏi, hiểu và trân trọng những gì mình phấn đấu, nỗ lực”, Thủy chia sẻ.
Người lãnh đạo mà Thủy nói đến, cũng là người mà Thủy rất ngưỡng mộ, chính là ông Tạ Kiều Hưng (Giám đốc vùng 3 và cũng là một trong những giám đốc vùng trẻ nhất của Techcombank). Với Thủy, Tạ Kiều Hưng không chỉ là lãnh đạo, mà còn là người thầy, người truyền cảm hứng cho mình.
Và chắc hẳn, ông Tạ Kiều Hưng cũng rất lấy làm tự hào khi dưới sự dìu dắt của mình, chỉ sau 2 năm, Thủy đã đưa Phòng Giao dịch Trần Đăng Ninh trở thành một trong những đơn vị có hiệu quả hoạt động tốt nhất trong khu vực, với tổng tài sản 250 tỷ đồng, lợi nhuận tăng gần gấp 4 lần và đặc biệt có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, làm việc hiệu quả và gắn kết.
Điều đáng nói là, dù tăng trưởng nhanh, song Techcombank Trần Đăng Ninh không dẫm vào “vết xe đổ” tăng trưởng nóng của nhiều chi nhánh, phòng giao dịch khác.
“Phòng Giao dịch này ra đời đúng thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế, vì vậy, chúng tôi đã rút kinh nghiệm từ khó khăn của các đơn vị khác, không phát triển nóng. Tôi luôn nói với nhân viên của mình rằng, điều quan trọng đầu tiên của cán bộ kinh doanh ngân hàng là đạo đức nghề nghiệp, chứ không phải doanh số”, Thủy tâm sự.

Muốn trở thành một chuyên gia
Mơ ước trở thành một CEO trong tương lai, song với Thủy, trở thành CEO không phải vì tiền, mà vì đam mê và trách nhiệm với xã hội. Thủy rất thích câu nói của một CEO lớn: “Nếu nói về tiền bạc, chúng tôi có thừa để sống một cuộc đời thoải mái. Chúng tôi có thể bỏ nhiều triệu đô-la mua biệt thự cho thuê, mỗi tháng thu về hàng tỷ đồng mà không phải đau đầu lo lắng. Nhưng chúng tôi vẫn làm, làm vì đam mê, vì trách nhiệm với hàng ngàn người lao động của mình”.
Đây cũng là lý do khiến Thủy đặc biệt ấn tượng với một vị giám khảo của Cuộc thi “CEO – chìa khóa thành công 2012” mà Thủy tham dự. Đó là ông Thái Quốc Minh, Thường trực HĐQT Công ty Tài chính cổ Vinaconex – Viettel, với lời khuyên dành cho các CEO trẻ rằng, giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp không chỉ ở doanh số, lợi nhuận, mà còn ở giá trị con người, ở chỗ tạo việc làm cho người lao động.
“Tôi mong muốn ngày càng có nhiều CEO như thế. Họ là những tấm gương để tôi phấn đấu. Các doanh nghiệp nước ta đang chạy theo đồng tiền, giá trị ảo nhiều quá”, Thủy chia sẻ. Có lẽ vì điều này, mà việc phát triển đội ngũ nhân viên luôn làm Thủy trăn trở.
“Đi làm đã 5 năm, chưa bao giờ tôi thấy kinh doanh ngân hàng khó khăn như hiện nay. Nhiều ngân hàng phải cắt giảm nhân viên – điều mà tôi lo lắng nhất. Nếu một nhân viên bị cấp trên yêu cầu cắt giảm, thì đó chính là nỗi đau của người quản lý trực tiếp như tôi. Chính vì vậy, tôi luôn nỗ lực để đưa Phòng Giao dịch hoạt động hiệu quả cao nhất. Tôi tin rằng, với những nhân viên tốt như tại Techcombank Trần Đăng Ninh, sẽ không ai bắt chúng tôi phải cắt giảm. Với tôi, một CEO tốt không chỉ để mọi người có việc làm, mà còn nằm ở chỗ tạo ra môi trường để cán bộ của mình phát triển bản thân, thăng tiến trong sự nghiệp”.
Trong tương lai, Thủy mơ ước trở thành một CEO trong lĩnh vực tư vấn, dịch vụ và trở thành một chuyên gia giảng dạy. “Tôi mong muốn trở thành một người điều hành trí tuệ, có tri thức cao để dẫn dắt doanh nghiệp của mình phát triển bền vững. Tôi cũng đang nỗ lực phấn đấu trong sự nghiệp của mình, với mong muốn sau này được đứng trước những người trẻ tuổi để chia sẻ kinh nghiệm của mình”.

Hạnh phúc trong thế cân bằng
Với Thủy, khái niệm hạnh phúc cũng rất giản dị: “Hạnh phúc là có một công việc để làm, có ai đó để yêu thương và có gì đó để hy vọng. Tôi thường tự hỏi mình cho mỗi giai đoạn của cuộc sống rằng, mình có hạnh phúc không? Và giá trị hạnh phúc trong quan điểm của mình luôn làm tôi cân bằng trong cuộc sống”.
Quan điểm về công việc và tình yêu ở Thủy cũng thật thú vị. “Có người nói công việc như quả bóng cao su: khi rớt xuống, nó có thể nảy lên, có thể cao hơn hoặc thấp hơn; còn tình yêu như quả cầu thủy tinh: khi rớt xuống, nó sẽ vỡ thành nhiều mảnh, mà khó có thể nhặt và ghép lại được một quả cầu nguyên vẹn”.
Với cách nghĩ của mình, Thủy luôn quan niệm rằng, với công việc, thì không sợ thất bại khi làm bất cứ việc gì. Thủy thường tự hỏi bản thân, nếu xác suất thành công – thất bại là 50 – 50, thì có gì để mất? Nếu vẫn còn 50% thành công, thì tại sao không làm? Và Thủy nhận ra, mình thành công ngay cả khi thất bại, đó là vì tự hiểu được tại sao mình thất bại. Còn với gia đình, dù công việc chiếm khá nhiều thời gian, song Thủy vẫn tìm được sự cân bằng với việc ngủ muộn hơn và dậy sớm hơn để chăm lo cho tổ ấm của mình.
Thủy nói, cô hài lòng với hạnh phúc hiện tại: có một công việc yêu thích, có một gia đình nhỏ ấm cúng và một ngọn lửa nhiệt huyết nơi trái tim để thắp sáng cho những khát vọng sống mà cô hướng đến. Dù hài lòng với hiện tại, song trong Thủy luôn cháy lên những khát vọng. Thủy nói: “Tôi nghĩ, mỗi con người chỉ có một thời tuổi trẻ, ấy là khi có sức sống mãnh liệt nhất, có hoài bão, lý tưởng và khát vọng. Sự nỗ lực của tuổi trẻ sẽ giúp chúng ta sống hữu ích hơn rất nhiều trong suốt cuộc đời. Vì vậy, tôi luôn cố gắng hết mình để những năm tháng tuổi trẻ không hoài phí và nó là nền tảng cho những khát vọng vươn đến tương lai tốt đẹp, với khát vọng sống đẹp hơn, hữu ích hơn”.
Hiện tại, nữ giám đốc trẻ này đang trên đường tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để hiện thực hóa mục tiêu, giấc mơ trở thành chuyên gia của mình.

Chân dung Trần Thị Thanh Thủy
Mục tiêu về môi trường doanh nghiệp: có những người đồng hành năng động, tham vọng và gắn kết.
Quan niệm sống: người lãnh đạo giỏi là người trong khó khăn, thách thức biết truyền cảm hứng để những người cộng sự của mình tin rằng, họ hoàn toàn có thể vượt qua được những khó khăn thách thức đó.
Sở thích: kinh doanh, đọc sách và đi dạo.
Ghét: xu nịnh, bất công và lười biếng.
Tự đánh giá về bản thân: tự tin, quyết đoán, vui tính
Khả năng nổi trội: truyền cảm hứng cho những người xung quanh để cùng hướng đến mục tiêu.
Quan niệm hạnh phúc: Hạnh phúc là có một công việc để làm, có có ai đó để yêu thương và có gì đó để hy vọng.

Theo Trần Mạnh