Càng khó, tôi càng hứng thú

Gặp Dương Quốc Nam, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất – thương mại – dịch vụ hoàng nam (phố xinh) tại đêm trao Giải Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu 2012, nghe tâm sự của ông về bí quyết “vững tâm” và “truyền lửa” trong mọi tình huống, tôi mới phần nào giải mã được mức tăng trưởng tới 30 – 50% của Phố Xinh trong thời điểm không nhiều doanh nhân muốn chia sẻ về kết quả kinh doanh.

Sống trong một gia đình chuyên làm nghề mộc và buôn bán đồ gỗ, nên từ nhỏ, Dương Quốc Nam đã có duyên với nghề mộc và sớm có máu kinh doanh.

“Khoảng năm 1985 – 1986, tình cờ xem những tấm ảnh của cô tôi chụp tại các siêu thị và trung tâm thương mại ở Mỹ gửi về, tôi thấy thèm. Hàng hóa nhiều vô kể, cách bài trí thật đẹp. Nhìn lại cửa hàng của gia đình, vừa nhỏ bé, vừa luộm thuộm. Nhân viên thì ai cũng có thể làm được, thậm chí cả người nấu bếp thấy có khách cũng lên bán hàng”, Dương Quốc Nam kể về giấc mơ xây dựng mô hình bán hàng như siêu thị khi khởi đầu sự nghiệp Phố Xinh vào năm ông tròn 28 tuổi.

Với số vốn 100 triệu đồng, năm 2001, ông Nam thành lập Công ty Hoàng Nam và mở siêu thị nội thất Phố Xinh ở đường Ba Tháng Hai (TP.HCM). “Vạn sự khởi đầu nan! Mặt bằng đã thuê, nhưng siêu thị trống trơn, chẳng có đối tác nào hợp tác. Chỉ trong vòng 1 tháng, mắt tôi thâm quầng, tóc rụng đầy gối, sụt gần 5 kg”, ông Nam kể.

Hoá ra, việc hiện thực hoá một giấc mơ đẹp hoàn toàn không dễ dàng, nhất là vào thời điểm đó, phương thức hợp tác kinh doanh theo kiểu bắt tay cùng kiếm lời chưa quen thuộc với các doanh nghiệp Việt Nam. Chấp thuận chia sẻ nhiều quyền lợi hấp dẫn cho đối tác, cam kết thanh toán đúng hạn, chia sẻ chiến lược kinh doanh của Phố Xinh về tính tiện dụng, đẹp, sang trọng, độc đáo và gần gũi với từng ngôi nhà Việt, hàng hoá bắt đầu được chuyển về, lấp dần từng không gian và được bài trí bắt mắt… Ngày khai trương đã được chọn nhằm ngày đẹp – 15/9/2001.

Chắc trong lịch sử sau này của Phố Xinh, thời điểm này sẽ được làm đậm hơn, không chỉ bởi đó là ngày đầu tiên một thương hiệu mới về siêu thị nội thất ra đời, mà còn bởi bài học về marketing kinh điển. 11/9/2001, nước Mỹ bị khủng bố. Cánh cửa vừa mở ra, lại có nguy cơ bị đóng kín nếu người khai sinh ra Phố Xinh không chớp lấy cơ hội truyền thông. “Lúc ấy, sự kiện 11/9 đang là tâm điểm, tôi quyết định thực hiện quảng cáo trên truyền hình vào thời điểm trước và sau bản tin thời sự. Ngay lập tức, thương hiệu Phố Xinh được nhiều người biết đến, khách đến mua hàng ngay ngày khai trương đông nghịt. Dự đoán doanh thu 1 tháng khoảng 1 tỷ đồng, vậy mà chỉ trong ngày khai trương đã thu được 700 triệu đồng”, ông Nam kể.

Tất nhiên, đó chỉ là một bước thuận đầu tiên. Mấu chốt để Phố Xinh đến với người tiêu dùng là nhờ sự khác biệt, chuyên nghiệp của hệ thống siêu thị nội thất mà Dương Quốc Nam đã cất công học hỏi từ các chuyến đi nước ngoài, từ các quyết định đầu tư máy móc, mời chuyên gia Italy, Singapore, Trung Quốc…, những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực nghệ thuật trang trí nội thất đến để tư vấn, đào tạo công nhân, chuyển giao công nghệ…

Từng bước vượt qua khó khăn, Phố Xinh đã phát triển 2 nhà máy sản xuất và hệ thống 11 siêu thị trang trí nội thất tại TP.HCM và Hà Nội. Sản phẩm của Phố Xinh không chỉ tiêu thụ trong nước, mà còn xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và châu Á.

Nhìn lại, chính hội nhập kinh tế của đất nước đã tạo điều kiện, động lực để Phố Xinh xuất hiện. Nhưng cũng chính hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng cũng tạo thêm nhiều thách thức cho thương hiệu Việt này.

Khi các tập đoàn nội thất nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam, nhất là hệ thống siêu thị nội thất Index Livingroom bắt đầu hoạt động, nhiều người lo ngại, Phố Xinh sẽ gặp khó khăn. Nhưng ông Nam bình tĩnh và chuẩn bị cho bài toán cạnh tranh với những thương hiệu lớn. “Trước khi Asleey (Mỹ), Esp (Thái Lan) và Index Livingroom vào Việt Nam, tôi đã nghiên cứu kỹ điểm mạnh và yếu của họ, để cân nhắc bước đi. Họ đến trung tâm, tôi sẽ hướng về ngoại tỉnh…”, Dương Quốc Nam chia sẻ.

Đúng như kế hoạch, khi các công ty nước ngoài tập trung phát triển thương hiệu ở TP.HCM và Hà Nội với sản phẩm dành cho phân khúc khách hàng cao cấp, thì Phố Xinh mở rộng thương hiệu ra các tỉnh, thành phố và các nước trong khu vực, như Lào, Myanmar, áp dụng chiến lược phục vụ 24/24, gửi thông tin đến từng khách hàng để thông báo sản phẩm mới, tư vấn cách dùng sản phẩm, đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá. Đặc biệt, dù ở thời điểm nào, ngay cả trong giai đoạn khó khăn hiện tại, Phố Xinh luôn tuân thủ chiến lược “đổi mới”, đó là không để khách hàng bước chân vào siêu thị cảm thấy nhàm chán và quen thuộc…

Để làm được điều đó, cả bộ máy phải vào cuộc. Nhất là trong lúc khó khăn như hiện tại, nếu một nhân viên xao nhãng, thì chất lượng dịch vụ mang tính phục vụ cao mà Phố Xinh đang theo đuổi sẽ không thể thực hiện được. Chế độ với người lao động được thay đổi, tinh thần làm việc được xốc lại, tâm huyết và niềm tin kinh doanh được các cấp lãnh đạo truyền lửa tới từng nhân viên…

“Hiện tại, mục tiêu lớn nhất, mà cũng là nét mới trong chiến lược thay đổi của Phố Xinh đang được thực hiện tại Hà Nội và Đà Nẵng, đó là đưa Phố Xinh trở thành một siêu thị lớn, nơi không chỉ bán tủ, giường, bàn ghế…, mà còn có cả những vật dụng nhỏ nhất cần thiết cho một ngôi nhà, như chén, bát, drap, gối, bình hoa, rèm cửa…, phục vụ số đông người tiêu dùng”, ông Nam nói và cho biết, đây cũng là xu hướng của các siêu thị nội thất lớn ở nước ngoài.

Thêm một lần bài học kinh điển về marketing được ông Nam áp dụng. Kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp thu hẹp diện tích, trả lại mặt bằng kinh doanh, giá thuê mặt bằng có diện tích lớn đang giảm, Phố Xinh tranh thủ cơ hội mở rộng với chi phí thấp. “Nếu không chớp thời cơ này, để khi kinh tế hồi phục mới thực hiện, thì các kế hoạch này sẽ khó thực hiện hơn nhiều”, ông Nam nói. 

Có thể Nhà hàng “Con gà trống” mà ông vừa đầu tư hơn 1 năm nay cũng nằm trong chiến lược tận dụng cơ hội trong thách thức. Nhà hàng này chuyên các món ăn mang hương vị Khơ-me, nhưng cũng là không gian thể nghiệm các ý tưởng riêng trong thiết kế, từ nội thất đến vật dụng, món ăn… Biết đâu, “Con gà trống” của Dương Quốc Nam đang sẵn sàng tiếng gáy, mở màn một thương hiệu mới trong lĩnh vực ẩm thực….

Trò chuyện với Dương Quốc Nam

Mở thêm nhà hàng, có vẻ như anh đang đầu tư lệch hướng?

Đầu tư mới, nhưng không lệch hướng. Quan điểm của tôi là đã đầu tư là phải am hiểu và có khái niệm rõ ràng.

Nhưng nhiều doanh nghiệp đang thất bại vì đầu tư vào lĩnh vực không chuyên?

Để đảm bảo nguồn vốn cho Phố Xinh, tôi không lấy lợi nhuận từ Phố Xinh để đầu tư vào nhà hàng.

Anh tâm đắc nhất điều gì?

Đó là được nghe khách hàng truyền miệng, mách nước cho nhau: “Chị cứ đến Phố Xinh, có tất cả nhu cầu chị cần”.

Triết lý sống và kinh doanh của anh?
Tôi không ngại khó và càng khó, tôi càng hứng thú.
Triết lý sống của tôi là “lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

Theo Vy Minh Quân