Hàng hóa muốn để người ta mua nhiều thì bao bì, kiểu dáng phải đẹp, sang trọng. Song để “mặc áo mới” cho hàng Việt quả thực không dễ bởi doanh nghiệp (DN) Việt Nam vừa thiếu vốn vừa thiếu cả cách làm chuyên nghiệp.
Các DN Việt Nam không chỉ biết mà biết rất rõ tầm quan trọng của việc đầu tư vào bao gói, mẫu mã sản phẩm nhưng đa số bất lực vì không đủ tiềm lực kinh tế. Các sản phẩp của DN nước ngoài thường đẹp, tinh tế là do họ có lực, nếu đi vay ngân hàng chỉ phải trả lãi 2%/năm, trong khi DN Việt Nam vừa nghèo vốn lại phải chịu mức lãi suất trên dưới 20%/năm, tức cao hơi 10 lần thì lấy đâu ra sức lực để “may cho hàng Việt chiếc áo mới”, đừng nói chiếc áo ấy hợp thời trang!- bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) nhìn nhận.
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các DN hiện đang giảm đa dạng hóa và đổi mới mẫu mã sản phẩm hàng hóa ở mức đáng báo động. Hiện tại, sức mua trên thị trường rất yếu, trong khi hàng hóa của các DN nhỏ và vừa lại không có sức hút từ kiểu dáng, mẫu mà lại phải cạnh tranh với hàng lậu hàng nhái nền khả năng tồn tại càng yếu.
Tại thị trường nội địa, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) chất lượng kém hơn hàng Việt nhưng ăn đứt về kiểu dáng, mẫu mã và không ngừng thôn tính thị trường, bằng chứng như hàng may mặc, đồ chơi trẻ em, đồ gỗ…
Đơn cử như ngành gỗ, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietforest), thị trường trong nước đang bị các sản phẩm gỗ xuất xứ từ Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan chiếm lĩnh. Kết quả điều tra của Vietforest gần đây cho thấy, chỉ có khoảng 20% doanh số tiêu thụ đồ gỗ của DN Việt Nam tại thị trường nội địa, 80% thuộc về các DN Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan.
Ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Pisico thừa nhận, điều khó khăn hiện nay của DN chế biến gỗ khi phát triển ở thị trường nội địa là thiết kế mẫu mã, chọn phân khúc và xây dựng hệ thống phân phối. Trước đây các DN gỗ Việt Nam chủ yếu sản xuất phục vụ cho xuất khẩu nên không chú trọng vào khâu thiết kế, chỉ làm theo hợp đồng. Giờ muốn chiếm lĩnh tại thị trường nội địa thì không đủ lực để đầu tư cho thiết kế, khâu phân phối vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.
DN tư nhân Trang Minh (quận Tân Phú), chuyên sản xuất các loại quần áo thời trang cho đối tượng tuổi mới lớn cho hay, mỗi năm DN này chỉ đầu tư khoảng 200 triệu đồng để nhờ thiết kế mẫu mã mới. Tuy nhiên, bà Kha Thị Thủy, chủ DN tư nhân Trang Minh nói rằng, hàng sản xuất ra vẫn rất khó cạnh tranh được với hàng Trung Quốc về màu sắc, khả năng đổi mẫu mã nhanh và rẻ.
Trong lĩnh vực xuất khẩu, nhiều năm nay hạt tiêu của Việt Nam luôn đứng đầu về xuất khẩu của thế giới, nhưng thực tế tại nhiều thị trường người tiêu dùng lại không biết hạt tiêu đó có xuất xứ tại Việt Nam. Ông Đỗ Hà Nam, chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, do nhiều DN nhỏ và vừa không làm được thương hiệu và xuất trực tiếp nên phải bán hàng thông qua trung gian, như vậy hàng Việt chất lượng cao nhưng giá trị thương mại thu về đích thực thấp.
Gạo cũng là mặt hàng xuất khẩu số một thế giới hiện nay, tuy vậy khi xuất khẩu đi các nước gạo Việt lại được đóng gói bằng tiếng Trung Quốc, Thái Lan. Đại diện Công ty xuất khẩu gạo Võ Thị Thu Hà (Đồng Tháp) cho biết, do DN trong nước xuất khẩu qua đối tác trung gian, đối tác này in tên công ty, lô gô của họ lên bao bì, việc họ xuất đi đâu DN Việt Nam không biết nhưng biết rõ là giá trị của hạt gạo Việt khi qua trung gian xuất đi sẽ cao hơn giá DN trong nước thu về.
Chiếc áo đẹp chưa hẳn là do chất liệu vải, cách may mà do gắn trên đó thương hiệu đã có tiếng. Ở nước ngoài không thiếu sản phẩm mà vỏ ngoài chiếm đến 70% số tiền nhưng vẫn bán chạy cho người tiêu dùng khắp thế giới, còn ở Việt Nam công nghệ phát triển bao gói cho hàng hóa có lẽ còn lâu mới được thực hiện, nhất là trong tình cảnh làm ăn thua lỗ hiện nay.
Theo Thế Vĩnh – Thùy Dương