Nền tảng cho phát triển bền vững

Sau khi cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ thảo luận các nội dung liên quan đến việc làm sao để khôi phục sự năng động của nền kinh tế tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), đến lượt Chính phủ và các đối tác phát triển tập trung chia sẻ các vấn đề về tạo lập nền tảng cho phát triển bền vững tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) cuối kỳ, tổ chức vào ngày 10/12 tới tại Hà Nội.

“Chúng tôi sẽ cùng phân tích, đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2012, những ưu tiên trong năm 2013, các định hướng chính sách để tăng cường hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, các vấn đề liên quan đến giáo dục và kỹ năng, nhằm đặt nền móng cho một nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thành công, cũng như sửa đổi chính sách đất đai cho sự phát triển bền vững và toàn diện… cũng sẽ được trao đổi tại Hội nghị CG lần này”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đồng chủ tọa Hội nghị CG cho biết.

Với chủ đề như vậy, có thể nói, Hội nghị CG là một sự tiếp nối hoàn hảo cho những nội dung đã được thảo luận tại VBF. Nếu như tại VBF, theo ông Christopher Jeffery, đồng Chủ tịch Liên minh VBF, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư đề cập nhiều hơn tới các vấn đề liên quan đến cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, như cải cách thuế, hải quan, cơ sở hạ tầng, hệ thống tài chính – ngân hàng, nâng cao tính minh bạch và quản trị công ty…, thì tại CG, sẽ là các vấn đề liên quan tới chính sách điều hành kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn, cũng như trung và dài hạn.

“Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành quả nhất định, kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn, lạm phát đã được kiềm chế, dự trữ ngoại hối đã tốt hơn, thặng dư cán cân vãng lai cũng đã xuất hiện, nhưng vẫn còn quá nhiều rủi ro cần phải lưu tâm”, ông Deepak K.Mishra, Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam bình luận và cho rằng, những rủi ro mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt, đó là mức lạm phát cơ bản vẫn cao, mức dự trữ ngoại tệ vẫn thấp so với các quốc gia khác, việc nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc tài khóa quá sớm có thể sẽ khiến lạm phát tăng trở lại…

“Chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng xấu đi; nợ công tăng nếu tính cả dự phòng của các ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước cũng là một rủi ro. Việc Việt Nam triển khai chậm trễ và kém hiệu quả các cải cách về cơ cấu, kể cả việc giải quyết nợ xấu trong ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước cũng đang là vật cản tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam”, ông Mishra nói.

Thực tế, theo Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, thì dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện khoảng 2,3 tháng nhập khẩu, song vẫn quá thấp so với mức 7,1 tháng nhập khẩu của Hàn Quốc, 7,2 tháng của Indonesia, 8,7 tháng của Thái Lan, hay 13 tháng của Philippines.

Tương tự như vậy, phân tích xu hướng giá cả thị trường các mặt hàng tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng thời gian qua, như giáo dục, y tế, may mặc, thực phẩm…, ông Mishra cho rằng, việc kiểm soát giá cả bằng các biện pháp hành chính có thể giúp ổn định giá cả trong thời gian ngắn hạn, nhưng lại làm cho lạm phát tăng cao và mất ổn định trong trung hạn.

Các khuyến nghị này, trên thực tế, cũng đã được nhắc tới tại VBF. Tại đó, ông Simon Andrew, Giám đốc khu vực của Công ty IFC, đã đề cập đến các kế hoạch hành động sớm của Việt Nam, để có thể tăng trưởng ổn định trong thời gian tới.

“Đây là thời điểm mà Việt Nam phải ra quyết định và có các hành động sớm, nếu không sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam khi chỉ vừa bước qua ngưỡng của quốc gia có thu nhập trung bình”, ông Simon Andrew nói và nhấn mạnh việc Việt Nam phải tập trung cải cách khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.

Theo ông Simon Andrew, nợ xấu cần phải sớm được xử lý. Tương tự như vậy, nếu quản trị công ty không tốt, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của khu vực doanh nghiệp nhà nước không được cải thiện, thì Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn lớn.

Trong khi đó, theo bà Keiko Sato, Giám đốc Điều phối danh mục đầu tư và hoạt động dự án Việt Nam của WB, để nền kinh tế có thể phát triển hiệu quả và bền vững hơn, Việt Nam phải khắc phục tình trạng suy giảm năng lực cạnh tranh, đồng thời tập trung cải cách thể chế, chính sách. “Thể chế hiện chưa theo kịp sự thay đổi nhanh của nền kinh tế. Các bất cập trong quản trị của khu vực công vẫn còn tồn tại. Chi tiêu công chưa có hiệu quả. Việt Nam thực hiện phân cấp mạnh mẽ, nhưng trách nhiệm giải trình, tính minh bạch chưa cao… Đó là những trở ngại lớn mà Việt Nam phải tiếp tục cải cách”, bà Sato nói.

Theo Nguyên Đức