Minh bạch và niềm tin

Câu chuyện cựu tổng giám đốc Habubank bị điều xuống làm nhân viên đi thu nợ đang gây xôn xao giới doanh nghiệp. Có vẻ đây là một minh chứng nổi bật cho nhận xét mới đây của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc: Tình trạng tù mù thông tin hiện nay rất phổ biến.

Các doanh nghiệp lớn không minh bạch thông tin trong khi có nhiều vấn đề đáng quan ngại. Bởi thế, doanh nghiệp nhỏ khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp lớn không đòi được nợ, tất yếu sẽ “chết” theo.
Vẫn theo ông Lộc, kết quả cuộc điều tra 8.177 doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam vào giữa tháng 10/2012 cho thấy, chỉ hơn 10% doanh nghiệp thường xuyên dự đoán trước được những sự thay đổi của chính sách vĩ mô. “Minh bạch trong thông tin phải được coi là giải pháp có tính đột phá”- Chủ tịch VCCI nhìn nhận.
Cũng phải thừa nhận một điều, mặc dù nhiều doanh nghiệp phàn nàn về tính khó đoán định của chính sách vĩ mô, vẫn theo ông Vũ Tiến Lộc, nhưng phản ứng của doanh nghiệp trước những tín hiệu đã rõ ràng của thị trường trong nước và quốc tế vẫn rất chậm chạp theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”.
Từ lâu, sự rõ ràng, minh bạch cùng những tín hiệu chính xác của chính sách công đã được coi như yếu tố sống còn trong việc giúp doanh nghiệp hoạch định chiến lược sản xuất- kinh doanh. Thế nhưng, vì sao người đứng đầu tổ chức đại diện cho giới doanh nghiệp Việt Nam lại nhấn mạnh yếu tố minh bạch trong chính sách vào lúc này? Một số chuyên gia nhìn nhận rằng, trong bối cảnh hiện tại, việc củng cố lòng tin cho doanh nghiệp vào thị trường có vai trò quan trọng không kém gì việc đưa ra những giải pháp hỗ trợ. Việc minh bạch về thông tin và chính sách là giải pháp hàng đầu cho việc củng cố lòng tin ấy.
Giới quan sát hiện đang có xu hướng mải mê xem xét các sự kiện hàng ngày và phân tích những thay đổi chính sách. Tuy nhiên, một chuyên gia cảnh báo, hiện đang có xu hướng bỏ qua hoặc quên rằng tình hình hiện nay chủ yếu do thiếu các yếu tố cơ bản của việc điều hành tốt- tính minh bạch là một trong các yếu tố đó- bên cạnh khả năng dự báo, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của tất cả các tác nhân kinh tế trong quá trình tăng trưởng.
Thành thử, khi nói đến chuyện minh bạch rất cần đến cả từ phía Nhà nước và doanh nghiệp, để từ đó có được niềm tin giúp doanh nghiệp trụ vững trước những sóng gió của hôm nay và ngày mai.

Theo Quang Lộc