Mặc dù là tháng cuối năm nhưng thị trường chưa thực sự sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 11 chỉ tăng 0,83% so với tháng 10- mức tăng thấp so với quy luật của những năm trước.
Sức mua vẫn thấp
Sức mua vẫn thấp
Theo Tổ Điều hành thị trường trong nước, trong tháng 11, sức mua chưa được cải thiện nhiều. Một số mặt hàng tiêu thụ tốt hơn chủ yếu là do yếu tố mùa vụ, như xi măng, sắt thép, phân bón, thực phẩm… Giá hàng hóa nhìn chung không có biến động lớn, một số mặt hàng tăng giá nhẹ do tính mùa vụ như phân bón, lúa gạo, may mặc… Một số mặt hàng có xu hướng giảm giá nhẹ như thực phẩm…
Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 11 đạt 201.577 tỷ đồng, tăng 0,83% so với tháng 10. Trong đó, ngoài nhóm du lịch tăng thấp (0,36%), các nhóm hàng còn lại có mức tăng tương đối đồng đều khoảng 0,82- 0,87%.
Ông Vũ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)- nhận xét: Nhìn vào mức tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa qua từng tháng, thực tế cho thấy xu hướng giảm dần đều. Tháng 11 tụt giảm cả về tốc độ tăng doanh thu và lượng hàng bán ra, chỉ khoảng 6,3%, trong khi mức tăng của các tháng trước khoảng 6,7- 6,8%.
Tồn kho hàng hóa tăng
Sau nhiều tháng nỗ lực giải phóng hàng tồn kho, đến tháng 10, chỉ số tồn kho giảm còn 20%, nhưng sang tháng 11 đã tăng lên khoảng 22%. Trong đó, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,4% so với tháng 10 và tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia Tổ điều hành thị trường trong nước, tuy tồn kho tháng 11 cao hơn tháng 10 và cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng tập trung chủ yếu ở một số ngành hàng phục vụ tiêu dùng dân cư chuẩn bị đón Tết, như: Bia tăng 29,3%, thuốc lá tăng 5%, may trang phục tăng 11,7%; xe động cơ tăng 4,4%, xe máy tăng 38%… Tuy nhiên, tồn kho một số ngành hàng lại giảm mạnh như: Đường giảm 36,2%; thiết bị dẫn điện giảm 27,7%…
CPI khống chế dưới 8%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 11 tháng đã tăng 6,52%. Tổ Điều hành thị trường trong nước dự báo: Vào dịp cuối năm, nhu cầu một số nhóm hàng hóa bắt đầu tăng vào dịp Noel và Tết Dương lịch. Tuy nhiên, với sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong công tác bảo đảm nguồn hàng và bình ổn thị trường, tỷ giá USD/VND tương đối ổn định, cộng với sức mua còn yếu…, giá hàng hóa trong nước sẽ không tăng đột biến. CPI tháng 12 sẽ chỉ tăng khoảng 0,5- 0,7%, CPI cả năm tăng khoảng 7- 7,2%. Như vậy, CPI cả năm chắc chắn được khống chế dưới mức 8% theo đúng mục tiêu của Quốc hội đặt ra.
Theo Bộ Công Thương, để tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất nhằm bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, trong thời gian tới, cần tiếp tục tập trung vào các nhóm lương thực, thực phẩm, đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ Chính phủ đã đưa ra. Đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ, giảm tồn kho theo Nghị quyết số 13/NQ-CP. Thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao theo Chỉ thị 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm.
UBND các tỉnh, thành phố cần thực hiện ngay các giải pháp cân đối cung – cầu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các địa phương chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan có liên quan tăng cường phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, không để xuất hiện dịch bệnh lây lan nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm trong dịp Tết…
Đến ngày 12/11, đã có 43/63 địa phương có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng Tết, trong đó 21 địa phương bắt đầu thực hiện ứng vốn hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong dịp Tết, với tổng số tiền lên tới 1.178,6 tỷ đồng.
Theo Thanh Hương