Nhà đầu tư châu Âu chuyển sang thế thụ động

Thay vì chủ động thích ứng với môi trường đầu tư hiện nay, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư châu Âu có xu hướng thụ động, chờ sự thay đổi của chính sách trước khi quyết định triển khai kế hoạch đầu tư.

Đó là nét nổi bật đáng chú ý trong Sách Trắng 2013 của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa được công bố cuối tuần qua.

Sách Trắng 2013 có nhan đề “Các vấn đề thương mại/đầu tư và kiến nghị của Cộng đồng Doanh nghiệp châu Âu”. Tại buổi giới thiệu Sách Trắng 2013, đại diện EuroCham nêu rõ: “Năm ngoái, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một số cải cách nhằm cải thiện, nâng cao môi trường kinh doanh trong một số lĩnh vực, nhưng cần cải thiện nhiều hơn nữa. Như chúng tôi đã đề cập trong Chỉ số Môi trường kinh doanh dưới đánh giá của các doanh nghiệp (DN) châu Âu về Việt Nam như một điểm đến đầu tư, chỉ số này đã tiếp tục giảm trong năm nay. Lần đầu tiên, chỉ số này đã tụt xuống dưới mức trung bình (50 điểm). Do đó, chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm đến một số vấn đề (là những quan ngại lớn của các DN châu Âu). Cụ thể, có 3 vấn đề được nhắc lại trong Sách Trắng 2013, đó là giá, vai trò của cơ quan nhà nước và vấn đề về sở hữu trí tuệ”.

Kiến nghị ngày càng nhiều

Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham thừa nhận, nhiều DN châu Âu đang có xu hướng chấp nhận chờ đợi sự thay đổi chính sách của Chính phủ Việt Nam để có một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn, thay vì chủ động có biện pháp thích nghi với môi trường kinh doanh vốn chưa thực sự thuận lợi.

Theo ông Preben Hjortlund, tỷ lệ giữa số kiến nghị được Chính phủ Việt Nam đáp ứng (nhằm điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN Liên minh châu Âu – EU) so với số kiến nghị được EuroCham đưa ra là không cao.

Theo Sách Trắng 2013, EuroCham kiến nghị Việt Nam cần giảm sự giám sát của các cơ quan nhà nước. Cụ thể về giá, các nhà đầu tư đến từ EU kỳ vọng được tự thiết lập giá trong các khuôn khổ thông thường, thay vì việc điều chỉnh giá phải được cơ quan nhà nước phê duyệt như hiện nay. Nguyên nhân là với giá cả một số mặt hàng theo quy định của Việt Nam hiện nay, thì nhà đầu tư không bù đắp nổi kinh phí đầu tư, kinh doanh, đặc biệt trong một số lĩnh vực như điện, xăng dầu, xi măng, dược phẩm…

Theo ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch EuroCham, để thúc đẩy mô hình đầu tư hợp tác công – tư (PPP), Việt Nam cần phải giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có việc tránh những cú sốc về giá. “Chính phủ Việt Nam phần nào đã thành công trong việc kiểm soát giá cả thị trường và được đánh giá cao. Tuy nhiên, việc này sẽ không phù hợp với các dự án đầu tư lâu dài”, ông Tomaso Andreatta nói.

Vấn đề thứ hai liên quan đến việc giảm vai trò của các DN nhà nước, do các DN này được nhận nhiều ưu đãi, nhưng hoạt động không hiệu quả dẫn đến làm cạn kiệt vốn của hệ thống ngân hàng và cản trở sự tăng trưởng của nền kinh tế. “Vì vậy, Chính phủ cần tiến hành cổ phần hoá các DN nhà nước càng sớm càng tốt để có được một thị trường cạnh tranh hơn và hoạt động theo cơ chế thị trường”, đại diện EuroCham đề nghị.

Vấn đề trọng tâm còn lại trong kiến nghị của EuroCham là nâng cao sự bảo vệ đối với quyền sở hữu trí tuệ. Theo Sách Trắng 2013, Việt Nam đang cạnh tranh với các quốc gia khác dựa trên giá nhân công thấp; Việt Nam mong muốn chuyển dịch sang các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ giá trị gia tăng cao, thì đi kèm cần phải có sự bảo hộ thực chất quyền sở hữu trí tuệ khi các nhà đầu tư nước ngoài đưa công nghệ vào Việt Nam.

Thay đổi là yêu cầu bắt buộc

Ông Preben Hjortlund công nhận, dù tỷ lệ đáp ứng của Chính phủ Việt Nam đối với kiến nghị của EuroCham qua các năm chưa cao, nhưng phần nào vẫn đáp ứng được sự kỳ vọng của EuroCham.

Theo EuroCham, trong trung hạn, các thành viên EuroCham vẫn lạc quan và sẵn sàng đầu tư khi môi trường kinh doanh Việt Nam có dấu hiệu được cải thiện. “Các DN EuroCham có nhiều kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, nhưng họ chờ đợi những cải cách tích cực, trước khi triển khai. Với hơn 800 DN thành viên, EuroCham vẫn đánh giá cao môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong trung và dài hạn”, Chủ tịch EuroCham cho biết.

Điều khiến Chủ tịch EuroCham hài lòng là ông đã làm việc với các quan chức Chính phủ Việt Nam tại Hà Nội và “một số quan chức đã hiểu được tình hình và cam kết sẽ hành động để thay đổi. Điều quan trọng là Việt Nam sẵn sàng cho những cải cách tích cực”. 

Các DN EuroCham vẫn sẽ kiên trì với các kiến nghị của mình và Robert Bosch Việt Nam là một ví dụ điển hình.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc của Robert Bosch Việt Nam cho biết, Robert Bosch hiện khá hài lòng với những tín hiệu tích cực của Chính phủ Việt Nam về việc Công ty xin được hưởng ưu đãi cho toàn bộ dự án đầu tư và được hưởng quy chế DN công nghệ cao.

“Đoàn làm việc liên ngành đã có chuyến tham quan nhà máy của Robert Bosch tại Đồng Nai mới đây và sẽ có tờ trình Chính phủ về những kiến nghị của Robert Bosch trong tuần này. Cho dù không biết chính xác nội dung tờ trình, nhưng chúng tôi rất tin tưởng kiến nghị của Robert Bosch sẽ được chấp nhận, vì thái độ rất tích cực của các đoàn làm việc của Chính phủ với Công ty trong thời gian qua”, ông Huệ nói.

Hiện tại, Robert Bosch Việt Nam chuyên sản xuất dây truyền lực trong hộp số tự động cung cấp cho các nhà sản xuất xe ô tô và phục vụ xuất khẩu. Tính đến nay, Robert Bosch đã đầu tư 100 triệu USD, có kim ngạch xuất khẩu đạt 170 triệu USD/năm, năng lực sản xuất đạt 1,7 triệu sản phẩm/năm. Dự kiến từ nay đến năm 2015, Robert Bosch sẽ có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, Robert Bosch vẫn chưa được xếp vào DN công nghệ cao để hưởng ưu đãi theo luật định. Ngoài ra, nhà máy hiện tại của Robert Bosch ở Đồng Nai cũng như phần dự kiến mở rộng thêm cũng không được hưởng ưu đãi. Robert Bosch đã kiến nghị với Chính phủ Việt Nam và qua chuyến thăm nhà máy của Robert Bosch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã chỉ đạo Công ty nêu rõ các kiến nghị để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt, vì các điều chỉnh về thuế và ưu đãi đầu tư liên quan đến nhiều bộ, ngành và thuộc thẩm quyền của Chính phủ. 

Ngoài ra, đại diện EuroCham cũng cho biết, các kiến nghị trong Sách Trắng 2013 sẽ được đưa vào nội dung trong các vòng đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU. Dự kiến, vòng đàm phán thứ hai sẽ diễn ra vào tháng 1/2013.

Theo Hải Long