Bao nhiêu là đủ cho vốn kinh doanh ban đầu?

Trước khi bắt tay vào kinh doanh, bạn cần phải hình dung được lượng tiền bạn cần đầu tư là bao nhiêu?
Tổng mức chi phí cần thiết ban đầu đưa công ty của bạn vào hoạt động phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: lĩnh vực kinh doanh mà bạn tham gia, vị trí đặt trụ sở, dịch vụ và sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp….
Trước khi bắt tay vào kinh doanh, bạn cần phải hình dung được lượng tiền bạn cần đầu tư nếu không bạn sẽ nhanh chóng rơi vào cảnh tũng quẫn và sập tiệm như rất nhiều công ty từng gặp bởi vì việc thiếu vốn kinh doanh là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thất bại của các công ty, đặc biệt là công ty có quy mô nhỏ.
Quá trình ước lượng số tiền cần thiết để tiến hành kinh doanh gồm 2 công đoạn: tính toán số tiền cần thiết để thành lập công ty và tính toán số tiền cần chi cho điều hành và duy trì hoạt động của công ty.
Số tiền cần thiết để đưa công ty vào hoạt động bao gồm các chi phí sau:

– Chi phí nghiên cứu và phát triển: cho dù bạn định tự mình tiến hành nghiên cứu hay thuê một công ty chuyên thực hiện việc này, bạn vẫn phải mất chi phí tìm hiểu về thị trường, phỏng vấn khách hàng, in ấn phẩm về công ty…

– Chi phí chuẩn bị bản kế hoạch kinh doanh: nếu bạn tự mình chuẩn bị bản kế hoạch kinh doanh thì bạn sẽ không phải tiêu tốn xu nào trừ thời gian của bạn, còn nếu bạn cần sự giúp đỡ của các chuyên gia bạn sẽ phải tính tới khoản tiền thuê tư vấn, thuê lập kế hoạch kinh doanh…

– Chi phí phát triển sản phẩm và hàng tồn kho ban đầu: đây là khoản chi phí quan trọng nhất trong số các chi phí ban đầu. Bạn nên tham khảo ý kiến của những người đi trước về chi phí này, đồng thời cũng phải tính đến khoảng thời gian bạn cần để đầu tư phát triển sản phẩm đầu tiên của doanh nghiệp.

– Chi phí quảng cáo và xúc tiến marketing: bạn có thể xây dựng một chiến dịch quảng cáo mở đầu để tạo hứng thú của khách hàng về công ty trước khi mở cửa hoạt động chính thức.

– Vốn pháp định: là số tiền bạn phải có ban đầu theo luật định để thành lập doanh nghiệp.

– Chi phí trụ sở văn phòng, nhà xưởng, trang thiết bị: chi phí này phụ thuộc vào lĩnh vực kinh doanh mà công ty tham gia

– Chi phí tu sửa và trang trí văn phòng trụ sở

– Chi phí thuê nhà xưởng, văn phòng, trang thiết bị…

– Chi phí bản quyền

– Chi phí tư vấn: bao gồm khoản tiền bạn sẽ phải trả cho luật sư khi cần lời khuyên của họ về việc liên doanh, thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hay tập đoàn công ty lớn, chi phí trả cho công việc kế toán tính toán lỗ lãi…

– Chi phí đăng ký chữ ký và con dấu: việc đăng ký con dấu và chữ kỹ khi thành lập công ty cũng tiêu tốn của bạn một khoản tiền.

– Chi phí thiết kế trang Web: chi phí đăng ký trang chủ, thiết kế web, quảng cáo điện tử, chi phí marketing và xúc tiến kinh doanh trên mạng.

– Các chi phí không dự kiến trước được: ‘Lời khuyên dành cho những ai chuẩn bị thành lập công ty là hãy dành ra 10% ngân sách dự kiến cho việc thành lập công ty để đề phòng trường hợp khẩn cấp và các chi phí không dự tính được”.
Chi phí điều hành và duy trì hoạt động của doanh nghiệp gồm:

– Lương nhân viên và tiền công thợ

– Chi phí bảo hiểm:bao gồm phí bảo hiểm trách nhiệm và phí bảo hiểm tài sản để bảo vệ cho công ty. Ngoài ra còn phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho công nhân, bảo hiểm cháy nổ…

– Chi phí thuê nhà xưởng máy móc văn phòng hàng tháng

– Lãi suất tín dụng hàng tháng

– Tiền thuế phải nộp hàng tháng

– Chi phí đào tạo nhân công

– Chi phí bảo hành, bảo dưỡng máy móc thiết bị

– Chi phí quảng cáo, chi phí marketing và xúc tiến kinh doanh.

– Chi phí trả cho việc tiêu dùng các dịch vụ ngân hàng, an ninh
Ngoài ra khi tính toán số tiền cần thiết để tiến hành kinh doanh, bạn nên chú ý đến những lời khuyên bổ ích sau đây:

Tính đến một khoản tiền hợp lý để để phòng bất trắc.

Kinh doanh là công việc đầy mạo hiểm và rủi ro, vì thế lời khuyên là bạn nên để dành số tiền bạn kiếm được trong vòng sáu tháng để phòng khi mất trắng. Nếu bạn là trụ cột trong gia đình, bạn cần phải chắc rằng mình có đủ tiền để trang trải các khoản chi tiêu của gia đình trong vòng ít nhất một năm.

Dự tính cả khoản tiền cần thiết cho cuộc sống sinh hoạt của bản thân và gia đình hàng ngày.
Nếu bạn có cả một gia đình phải nuôi thì trước khi tính toán lượng tiền cần thiết để tiến hành kinh doanh, đừng quên tính cả chi phí sinh hoạt bình thường để đảm bảo cuộc sống cho bản thân bạn và gia đình bạn trong giai đoạn bắt đầu cho đến khi công ty làm ra lãi. Đừng bao giờ nghĩ rằng bạn có thể sống bằng bánh mỳ và nước lã cho đến khi kiếm được đồng tiền đầu tiên. Cuộc sống kham khổ quá có thể làm giảm ý chí phấn đấu và thui chột ý tưởng kinh doanh của bạn.

Chú ý phân tích điểm hoà vốn.
Điểm hoà vốn là điểm mà lợi nhuận bằng với chi phí bạn bỏ ra. Biết được điểm hoà vốn sẽ cho phép biết được số lượng hàng hoá cần bán ra để thu lãi và khoản tiền bạn cần đầu tư vào doanh nghiệp cho đến khi làm ăn có lãi.

Theo kienthuckinhte