20 năm trước, luật sư trưởng không hề có quyền lực hay tầm ảnh hưởng gì, chỉ trừ một số ngoại lệ rất hiếm. Từ luật sư của công ty luật chuyển sang làm cố vấn pháp luật của doanh nghiệp xem là một lựa chọn “mềm”; và các luật sư riêng này thường được coi là những thành viên hạng hai trong đội ngũ pháp lý chuyên nghiệp.
Luật sư trường (GC)
20 năm trước, họ làm việc ít hơn và cũng kiếm được ít hơn. Họ chú ý tới việc tuân thủ luật pháp, thảo các hợp đồng, xem xét tài liệu và giải quyết các vấn đề của nhân viên. Những vấn đề quan trọng và khó nhằn nhất thường được chuyển cho các cố vấn bên ngoài.
Cũng như với giám đốc tài chính, do quản lý rủi ro ngày càng được quan tâm nên vai trò của luật sư trưởng cũng ngày càng được mở rộng. Các rủi ro về an ninh hay danh tiếng công ty đã trở thành vấn đề trung tâm đối với các lãnh đạo cấp cao. Các công ty bắt đầu tìm kiếm những người lão luyện trong việc đoán trước và giảm thiểu những nguy cơ đó trước khi chúng bị phơi bày ra trước công chúng. Nhiều luật sư trưởng cũng trở thành ứng cử viên sáng giá cho vị trí giám đốc điều hành, chứng tỏ họ có vai trò ngày càng tăng với tư cách là một cộng sự của doanh nghiệp.
Ngày nay, để có thể đảm đương chức vụ này, một luật sư cần phải có kinh nghiệm đàm phán với các cơ quan pháp lý và giám sát kinh doanh. Ví dụ như ở Mỹ có Bộ Tư Pháp, Cơ quan điều tiết tài chính, Ủy Ban Chứng Khoán, Ủy Ban Thương Mại Liên Bang, Bộ Quốc Khố, Cơ quan điều chỉnh tiền tệ. Và nếu luật sư công ty ngày xưa chỉ cần hiểu luật lệ trong nội bộ công ty thì ngày nay các CEO yêu cầu họ phải am hiểu cả những luật lệ tại các quốc gia khác.
Luật sư trưởng sẽ báo cáo trực tiếp lên giám đốc điều hành và là cố vấn cao cấp cho các CEO và ban quản trị. Để quản lý các công ty luật bên ngoài, họ phải phát triển những thế mạnh mới về kiến thức kinh doanh và chiến thuật, kỹ năng tài chính và hợp tác. Họ cũng cần nhanh nhạy trong việc cung cấp các biểu phí mới mà vẫn duy trì chất lượng dịch vụ pháp lý. Bà Amy Schulman, luật sư trưởng của Pfizer đã minh họa một mô hình mới nhạy bén hơn. Bà đã tái tổ chức ban pháp lý của công ty và khởi xướng thành lập Pfizer Legal Alliance gồm 19 công ty luật thu phí hàng năm và được kỳ vọng sẽ chia sẻ thông tin về các vấn đề pháp lý của Pfizer. Mới đây bà Schulman đã trở thành lãnh đạo của hãng Pfizer Nutrition, chuyên cung cấp sữa cho trẻ sơ sinh và những sản phẩm khác cho trẻ em tại hơn 60 quốc gia.
Nhìn chung, các cố vấn pháp lý của công ty sẽ cần động lực và kỹ năng giải quyết rất nhiều thách thức mới phát sinh như sao chép nội dung bất hợp pháp, tính bảo mật và các vấn đề môi trường. Mặc dù vị trí này sẽ ngày càng thu hút cộng sự cấp cao của các công ty luật, nhưng các công ty vẫn chuộng luật sư riêng hơn, vì họ hiểu cách quản lý con người cũng như tài chính của một bộ phận pháp lý và biết cách cộng tác với các thành viên khác của ban quản trị.
Để giúp sinh viên ra trường sẵn sàng đối mặt với những thách thức mới, các trường luật đã bắt đầu tổ chức các khóa học về pháp luật quốc tế và kinh doanh. Khả năng ngoại ngữ và kiến thức về các nền văn hóa khác nhau cũng là những kỹ năng mới mà các luật sư trưởng nên có.
Giám đốc chuỗi cung ứng
Hai thập kỷ trước, việc quản lý chuỗi cung ứng bao gồm một số ngành không có liên kết một cách hệ thống. Tuy nhiên, khi công ty phát triển ra toàn cầu, việc giải quyết riêng lẻ các khía cạnh khác nhau của SCM như mua bán và lưu kho bắt đầu trở nên đắt đỏ và kém hiệu quả. Thách thức giảm chi phí buộc các SCMO phải theo đuổi chiến lược tìm nguồn cung ứng và xây dựng quan hệ hợp tác với các nhà cung cấp. Do vậy, CEO chuyển sang tìm kiếm những SCMO có thể mang lại hiệu quả chi phí và tinh thông quản lý cũng như outsourcing (thuê ngoài). Vậy nhưng ngay cả 10 năm trước vẫn rất hiếm thấy các SCMO báo cáo trực tiếp lên CEO.
Kể từ đó, vai trò của các SCMO đã thay đổi. Ngày nay, quản lý chuỗi cung ứng bao gồm các quá trình đầu cuối như: Lập kế hoạch, tìm nguồn hàng, sản xuất/ hoạt động và các công việc hậu cần để tìm ra các giải pháp kinh tế. SCMO được kỳ vọng là sẽ thấu hiểu cả bốn chức năng trên và tạo ra một môi trường chia sẻ kiến thức cũng như hợp tác một cách trôi chảy.
Tính bền vững cũng nhanh chóng trở thành một đòi hỏi cấp bách đối với những người đảm đương chức vụ này. Các công ty nhận thấy họ có thể tạo ra giá trị bằng cách thực hiện và chia sẻ các chiến thuật phát triển bền vững qua chuỗi cung ứng, từ nhà cung cấp tời khách hàng. Xu hướng này giúp các nhà quản lý tạo dựng được tính minh bạch và cộng tác nhiều hơn trong toàn bộ chuỗi cung ứng, đồng thời cũng thu được nhiều lợi nhuận hơn cho công ty.
Trong tương lai, các SCMO cũng vẫn sẽ theo đuổi mục tiêu giảm chi phí thông qua việc tìm nguồn cung ứng đa dạng hơn bao giờ hết, cả ở trong và ngoài nước. Họ sẽ cần phải quản lý các vấn đề hậu cần và vận chuyển đường dài, phải tính đến các nhân tố bên ngoài khó dự đoán mà sẽ có ảnh hưởng lớn đến chi phí như bất ổn chính trị hay giá dầu tăng. Do phải cộng tác với các CIO để tìm ra phương hướng tiếp cận mới với khách hàng và nhà cung ứng, các SCMO cũng sẽ phải am hiểu công nghệ. Bên cạnh đó, họ cũng phải có cái nhìn toàn cảnh, có thể tham gia vào việc đưa ra các quyết định chiến thuật và quản lý cấp cao.
Khi họ đáp ứng được tốc độ thay đổi chóng mặt, công ty sẽ liên tục điều chính các mô hình kinh doanh. Để sửa đổi các phương thức cung ứng cho phù hợp, các SCMO sẽ cần những kinh nghiệm về thiết kế tổ chức. Kinh nghiệm quốc tế cũng sẽ trở nên quan trọng hơn khi phân phối toàn cầu phổ biến và cạnh tranh hơn. SCMO cần phải thấu hiểu các thị trường mới nổi để có những đổi mới phù hợp. Ví dụ, những thách thức về hậu cần và phân phối ở Ấn Độ phức tạp đến mức các biện pháp thông thường đều thất bại ở đó.
Theo vef