Những con đường để gia nhập đội ngũ lãnh đạo (P.1)

Mỗi thời điểm và hoàn cảnh khác nhau sẽ đòi hỏi những kỹ năng lãnh đạo khác nhau. Vậy, bạn cần tự chuẩn bị gì nếu muốn quản lý tốt sự nghiệp trong tương lai?

Đâu là những năng lực mà các vị giám đốc tương lai cần phải tập trung phát triển khi họ lựa chon công ty, nhiệm vụ hay công việc? Và họ cần rèn luyện những kỹ năng gì để có thể phát triển lên một đẳng cấp mới?
Đây không phải là những câu hỏi dễ trả lời, bởi chúng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như chức năng, địa lý, ngành nghề, và tất nhiên còn phụ thuộc vào cả công ty nơi bạn làm việc. Dù hiện nay chúng ta có thể hoàn toàn xác định được các công ty cần gì, nhưng việc xác định những kỹ năng hữu ích trong tương lai thì chỉ mang tính chất suy đoán.
Tuy nhiên, sau khi xem xét một nghiên cứu về quá trình quản trị trong khoảng một thập kỷ qua do công ty Heidrick & Struggles thực hiện và tiến hành phỏng vấn rất nhiều nhà quản lý hàng đầu về những yêu cầu đối với lãnh đạo cấp cao trong quá khứ, hiện tại và tương lai, chúng tôi đã tìm ra một số dấu hiệu rõ ràng liên quan đến những công việc đẳng cấp lãnh đạo.
Một phát hiện đáng chú ý là: Khi một người đã thăng tiến đến các chức vụ lãnh đạo thì kiến thức chuyên môn sẽ kém quan trọng hơn kỹ năng lãnh đạo và sự hiểu biết sâu sắc về những vấn đề cơ bản trong kinh doanh.
Giám đốc thông tin cần phải biết sáng tạo ra những mô hình kinh doanh; giám đốc tài chính phải xây dựng được các chiến thuật quản lý rủi ro; giám đốc nhân sự cần phải biết thiết kế một kế hoạch kế nhiệm và một cấu trúc tài năng có thể mang lại vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Nói cách khác, những kỹ năng giúp bạn leo lên được những chức vụ đó sẽ không đủ để giúp bạn đảm nhận một trọng trách mới.
Hiện nay, các thành viên trong ban điều hành cấp cao được kỳ vọng không chỉ hỗ trợ các CEO xây dựng chiến thuật kinh doanh mà còn đóng góp ý kiến của họ trong quá trình đưa ra các quyết định.
Ngày nay những lãnh đạo cấp cao phải đáp ứng nhiều kỳ vọng mới.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đi vào chi tiết hơn về xu hướng trên và phân thích những phát hiện mới về kỹ năng cần thiết khi đảm nhận 7 trọng trách điều hành cao cấp: Giám đốc thông tin (CIO), Giám đốc tiếp thị và bán hàng (CMO & CSO), Luật sư trưởng (GC), Giám đốc chuỗi cung ứng (CSCMO), Giám đốc nhân sự (CHRO) và Giám đốc điều hành (CEO).
Chúng tôi sẽ phân tích những năng lực mà các công ty đã tìm kiếm trong quá khứ, những đòi hỏi ở hiện tại và những yêu cầu mới trong khoảng thời gian một thập kỷ tới. Mục đích là giúp các nhà quản lý tham vọng có được bức tranh rõ ràng cho những động thái tiếp theo.
Giám đốc thông tin (CIO)
Cuối những năm 80 đến giữa những năm 90 của thế kỷ trước, hầu hết các chức vụ quản trị công nghệ thông tin hoặc là được thăng chức theo quy trình chuẩn từ nhà phân tích kinh doanh lên giám đốc; hoặc là chịu trách nhiệm về chuyên môn với vốn kinh nghiệm nhất định. Giám đốc là chức vụ cao nhất.
Nhưng vào cuối khoảng thời gian đó, khi các cơ hội phát triển trên web bùng nổ, các công ty bắt đầu tìm kiếm những phương pháp áp dụng công nghệ mang tính chiến thuật hơn- sử dụng Internet để tìm kiếm những thị trường mới, thu hút khách hàng mới và thực hiện các quá trình hiệu quả hơn.
Một giám đốc IT điển hình thời đó không cần quá giỏi về chiến thuật kinh doanh hay có những tư tưởng về bức tranh tổng thể rộng lớn. Các phòng ban công nghệ đã trở nên quá cứng nhắc và có tầm nhìn thiển cận nên không thể ứng phó nhanh chóng với những thách thức và cơ hội kinh doanh mới.
Trên khía cạnh địa lý và ngành nghề, các rào cản nghiêm trọng (về tư cách lãnh đạo cũng như năng lực) đã phát sinh giữa lĩnh vực công nghệ và kinh doanh. Do vậy, những nhà quản trị hiếm hoi có thể cân bằng hai thái cực trên đã được “săn đón” nhiều nhất.
Từ giữa đến cuối những năm 90, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hiểu biết về kinh doanh của các nhân viên IT, chức vụ CIO chính thức được bổ nhiệm. CIO là một giám đốc cấp cao, không chỉ có kiến thức về những công nghệ mới mà còn có thế áp dụng những công nghệ này vào chiến thuật kinh doanh. Những thành viên mới của ban quản trị này có thể giữ vai trò trung gian của mối quan hệ phức tạp giữa các lãnh đạo kinh doanh với phòng IT.
Họ quan tâm ít hơn tới công nghệ, quan tâm nhiều hơn tới việc tạo ra lợi thế cạnh tranh và tập trung nhiều hơn vào quyền lãnh đạo cũng như tính hiệu quả của tổ chức. Khi “toàn cầu hóa” xuất hiện, các nhà quản lý IT phải giải quyết các quá trình tiêu chuẩn và hội nhập tại các công ty hoạt động đa ngành và các khu vực địa lý khác nhau.
Cho đến năm 2008, khi tín dụng bắt đầu cạn kiệt thì doanh nghiệp lại cần phải chuyển đổi một lần nữa. Các giám đốc IT giờ đây phải đưa ra những quyết định phức tạp dựa trên những phân tích rất nghiêm ngặt về lợi nhuận đầu tư.
Công việc này không chỉ cần quản lý tốt các dự án mà quan trọng hơn là phải quản lý tốt các dự án đầu tư hợp lý. Nó đòi hỏi người lãnh đạo phải hiểu được mức độ phức tạp ngày càng tăng của công việc kinh doanh và làm thế nào để bốn nhân tố: chiến thuật IT, chiến thuật kinh doanh, quản lý rủi ro và tài chính có thể tương tác.
Trong những năm tới, chúng tôi hy vọng nhu cầu về sự kết hợp phức tạp giữa các kỹ năng của CIO sẽ tăng lên. Các công ty sẽ tìm kiếm những CIO “lai”- những người không chỉ có kiến thức kinh doanh mà còn có kinh nghiệm phân tích, thiết kế tổ chức và cơ sở hạ tầng, đồng thời cũng biết cách liên kết cả hệ thống để hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu.
Trong nhiều trường hợp, những kiến thức về quảng cáo sẽ là một điểm cộng. Kiến thức bán hàng và tiếp thị được coi là một lợi thế đối với các sáng kiến kinh doanh thương mại điện tử cũng như quản lý chuỗi cung ứng và hậu cần.
Mẫu CIO được mong đợi nhất là những người có trí óc sắc bén trong việc sử dụng biển thông tin khổng lồ mà họ thu thập được để hỗ trợ quá trình phát triển của công ty. CIO của một công ty sản phẩm tiêu dùng toàn cầu đã từng nói: “Hiện đang có sự bùng nổ thông tin ở quanh ta, nhưng chúng tôi tự tin là có đủ sáng suốt để nhận lấy cơ hội này và tận dụng nó như một lợi thế cạnh tranh. Cách chúng tôi chia sẻ ý tưởng và nhận phản hồi của khách hàng rất mới mẻ và thú vị”.

Theo vef