Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MISA Lữ Thành Long nhận định, làm sản phẩm là bài toán cực kỳ khó, vô cùng thách thức. Theo ông Long, để phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt, điều kiện cần đầu tiên là doanh nghiệp có đủ đam mê, đủ sức sáng tạo cũng như có đủ sự “vật vã” để tạo ra một sản phẩm tốt cho xã hội hay không?
Đây là những chia sẻ của ông Lữ Thành Long với báo chí bên lề Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019 do Bộ Thông tin & Truyền thông chủ trì tổ chức.
Từ thực tế của doanh nghiệp mình, ông Lữ Thành Long khẳng định: “Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để giải quyết các bài toán lớn cho đặc thù Việt Nam mà các doanh nghiệp nước ngoài không thể làm được. Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam cũng hoàn toàn có thể làm chủ và ứng dụng thành công các công nghệ mới nhất của Blockchain, AI, Machine Learning… vào các sản phẩm. Bản thân MISA không chỉ làm sản phẩm sử dụng tốt tại Việt Nam mà còn có thể bán được ra nước ngoài, ví dụ như phần mềm quản lý nhà hàng MISA CukCuk đã có mặt tại 10 nước như Đức, Myanmar, Mỹ, Nhật…(vào thời điểm năm 2019)”.
Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để giải quyết các bài toán lớn cho đặc thù Việt Nam mà các doanh nghiệp nước ngoài không thể làm được.
Tuy nhiên, theo ông Long, để phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt, điều kiện cần đầu tiên là doanh nghiệp có đủ đam mê, đủ sức sáng tạo cũng như có đủ sự “vật vã” để tạo ra một sản phẩm tốt cho xã hội hay không? “Về phía Chính phủ, tôi nghĩ rằng không có một chính sách nào tuyệt vời hơn là Chính phủ chính là một thị trường chi tiêu, giúp làm bệ đỡ cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt đứng vững và từ đó bước chân ra thế giới”, ông Long nêu quan điểm.
Nhấn mạnh việc làm sản phẩm công nghệ là bài toán cực kỳ khó, vô cùng thách thức, vị Chủ tịch Công ty phần mềm đã có bề dày hơn 25 năm phát triển các sản phẩm thuần Việt lý giải, khi làm một dự án, doanh nghiệp chỉ cần hoàn thành dự án đó theo đơn đặt hàng của đối tác là đủ; còn khi làm một sản phẩm công nghệ thì doanh nghiệp phải nghĩ đến chuyện làm sao để cả xã hội sử dụng được sản phẩm này, làm sao để cạnh tranh được với những sản phẩm trong nước khác và cả sản phẩm nước ngoài. Vì thế, đây là một bài toán vô cùng khó, đòi hỏi những người làm sản phẩm phải có sự sáng tạo, đồng thời cũng phải rất am hiểu đặc thù của thị trường Việt thì mới có thể tạo ra sản phẩm giải bài toán Việt có hiệu quả mà lại cạnh tranh được với nước ngoài.
Khi làm một dự án, doanh nghiệp chỉ cần hoàn thành dự án đó theo đơn đặt hàng của đối tác là đủ; còn khi làm một sản phẩm công nghệ thì doanh nghiệp phải nghĩ đến chuyện làm sao để cả xã hội sử dụng được sản phẩm này.
Chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp công nghệ muốn chuyển hướng sang làm sản phẩm, ông Long cho rằng, việc đầu tiên là phải xuất phát từ nhu cầu xã hội. “Những doanh nghiệp công nghệ Việt muốn làm sản phẩm cho xã hội thì việc đầu tiên là phải tự lĩnh lấy sứ mệnh giải quyết những nhu cầu rất Việt Nam, việc giải quyết thành công những nhu cầu cấp thiết của xã hội sẽ là bàn đạp để doanh nghiệp bước chân ra khu vực và thế giới”, ông Long nhấn mạnh.
Theo ông Long, công nghệ thay đổi liên tục, hôm nay chúng ta thành công ở đỉnh cao ngày hôm nay, điều đó không có nghĩa rằng ngày mai chúng ta vẫn thành công. Do đó, cuộc đua của các doanh nghiệp công nghệ ngày càng rút ngắn về mặt thời gian, đòi hỏi doanh nghiệp ngay khi đang triển khai sản phẩm này thì đã phải có hàng loạt nghiên cứu cho sản phẩm mới bắt kịp với xu thế của thế giới, bắt kịp được nhu cầu của xã hội trong tương lai.
Vị Chủ tịch MISA cũng chia sẻ thêm, hiện nay khi bắt đầu làm một sản phẩm, người ta không còn nghĩ đến chuyện chỉ là sản phẩm đáp ứng nhu cầu của một địa phương, bởi với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet, thế giới trở nên phẳng hơn bao giờ hết. Vì vậy, những bài toán dùng công nghệ giải quyết tốt ở Việt Nam thì hoàn toàn có cơ sở để mang ra thị trường nước ngoài. “Cũng bởi thế, khi bắt đầu nghiên cứu, phát triển một sản phẩm thì doanh nghiệp đã phải nghĩ ngay đến chuyện trong thời gian tới, sau khi đứng vững ở trong nước, sẽ đưa sản phẩm ra nước ngoài bằng cách nào”, Chủ tịch MISA Lữ Thành Long cho hay.
Khi bắt đầu nghiên cứu, phát triển một sản phẩm thì doanh nghiệp đã phải nghĩ ngay đến chuyện trong thời gian tới, sau khi đứng vững ở trong nước, sẽ đưa sản phẩm ra nước ngoài bằng cách nào?
Nhận định người Việt Nam có thế mạnh là rất thông minh, cần cù, người đứng đầu MISA tin tưởng rằng: “Chúng ta có đủ tự tin để giải quyết các bài toán của Việt Nam một cách rất có hiệu quả và cũng trên cơ sở đó, cùng với sự lớn mạnh của đất nước, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nói chung và doanh nghiệp phần mềm nói riêng cũng đang phát triển rất mạnh mẽ, tôi tin rằng trong tương lai không xa Việt Nam chúng ta sẽ là một cường quốc về công nghệ, có nhiều sản phẩm triển khai thành công ở khu vực cũng như trên thế giới”.
———————
Bài viết này nằm trong dự án MISA Inspirers – series nội dung chia sẻ bài học kinh nghiệm 30 năm khởi nghiệp & quản trị doanh nghiệp của MISA, giúp truyền cảm hứng cho thế hệ doanh nghiệp SMEs và Startups.