Loại trừ sự yếm thế trong nhân viên

Nhiều người trong giới kinh doanh thường sử dụng một cụm từ đơn giản để miêu tả những triệu chứng hỗn hợp của nhân viên khi mất đi sự nhiệt tình với công việc (thái độ hờ hững, lầm lì không chịu thay đổi, thái độ oán giận và cảm giác hồ nghi) là sự yếm thế. Song cụm từ này dường như cũng không hề đơn giản như chúng ta nghĩ.
Từ đâu tính yếm thế trong giới nhân viên bắt đầu hình thành trong khi lòng tận tụy luôn được những người chủ truyền đạt và mong đợi hàng ngày?
Làm việc cho ai?
Ngày nay, người ta ngày càng tham gia vào các hoạt động, tổ chức tình nguyện một cách đông đảo và nhiệt tình hơn bao giờ hết. Vì sao rất nhiều người rất sẵn lòng bỏ ra nhiều thời gian và sức lực trong những hoạt động thường rất không được thoải mái và thậm chí còn nguy hiểm mà thu nhập cực thấp hoặc không có? Đơn giản vì họ tình nguyện, ủng hộ cho những mục tiêu họ tin tưởng. Đây là một ý niệm vô cùng quan trọng cho bất kỳ doanh nghiệp nào đang bị cản trở bởi những nguồn nhân lực không mấy nhiệt thành với công việc.
Trong nhiều thập niên qua, các doanh nghiệp đã rất tin vào quan điểmsự khích lệ chính là động lực lớn nhất cho đội ngũ nhân viên. Triết lý ủng hộ cho sự khích lệ ấy dựa trên một luận cứ rằng trong tâm trí mỗi nhân viên có một câu hỏi lớn rằng: Điều gì trong công việc ấy là phần thuộc về mình? Và sự khích lệ chính là những gì giới chủ trả lời cho câu hỏi ấy. Vậy mà, trong nhiều năm qua, vô số công nhân có tinh thần làm việc cao được phỏng vấn đều trả lời rằng họ không bao giờ nghĩ rằng sự nhiệt tình trong công việc của mình bắt nguồn từ sự khuyến khích của người lãnh đạo. Và điều được giới chuyên môn có được từ việc nghiên cứu thực tế lại chỉ ra rằng nếu phải trả lời câu hỏi “Vì sao nhân viên phải quan tâm đến công ty?” thì hầu như không một doanh nghiệp nào có thể đưa ra một lý do thống nhất.
Làm việc cực nhọc từ ngày này sang ngày khác để giúp người chủ trở nên giàu có chắc chắn không phải là cái cớ để hầu hết các nhân viên làm việc trọn tình với công việc. Chỉ lo hướng đến khoản lợi nhuận hoặc những lợi ích cho riêng mình, doanh nghiệp sẽ trở thành “nơi tuyệt hảo” để sản sinh ra sự yếm thế trong giới làm công. Song nếu chỉ dựa vào khuyến khích hòng thúc đẩy tinh thần suy sụp của nhân viên thì càng làm tình huống trở nên xấu hơn, bởi đó chẳng qua cũng là một cách thức sâu xa hơn để củng cố nền văn hóa tư lợi của công ty
Nền văn hóa “điểm cháy” 
Những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả cao đều chia sẻ một đặc điểm văn hóa rất nổi bật là mục tiêu tập thể chủ yếu của họ không mang tính “nội vụ”, tức là không chỉ hướng đến lợi nhuận và tính tư lợi của tổ chức. Tại những công ty ấy, mục tiêu chung mang tính “hướng ngoại”, nhắm đến việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng hoặc cải thiện đời sống của khách hàng.
Sự thay đổi trong tiêu chí văn hóa của công ty sẽ thay đổi tất cả. Đó là một trong những nguyên nhân chính giúp nhân viên luôn giữ được mức nhiệt thành cao độ. Họ cảm thấy thật sự tự hào khi nhìn thấy những nỗ lực của mình được tưởng thưởng bởi những người mình đã giúp đỡ. Điều ấy mang đến ý nghĩa cho công việc cho dù những hoạt động có vẻ rất nhàm chán.
Sự thật là với cách sử dụng phương thức này, doanh nghiệp có thể giảm một cách đáng kể nhiều chi phí căn bản trong hoạt động kinh doanh, chẳng hạn chi phí cho hoạt động marketing liên quan đến việc loại bỏ những đối tượng khách hàng kém trung thành.
Tóm lại, những doanh nghiệp nào luôn có ý đồ hướng ngoại; biết cách tạo sinh lực cho khách hàng và đối tác thì cũng đốt cháy được sự yếm thế trong đội ngũ nhân viên của mình. Những phản hồi tích cực từ những khách hàng sẽ vô tình thúc đẩy ý chí làm việc của nhân viên, tạo nguồn cảm hứng để họ cố gắng hơn, tạo nên một chuỗi các phản ứng.

Theo Saga